“Siêu dự án mới của Formosa“ và hàng loạt câu hỏi rơi vào... im lặng!

11/12/2021 08:02

Nhiều câu hỏi về quy hoạch dự án của Formosa đang rơi vào im lặng. Còn luật sư cho hay, nếu dự án không thực hiện đúng theo Quyết định của Thủ tướng là trái quy định pháp luật.

Đáng chú ý, trong bản nhận xét báo cáo đánh giá tác động môi trường, một số chuyên gia, nhà khoa học đề nghị làm rõ sự phù hợp của công trình lò đáy quay (RHF) đối với chiến lược quy hoạch phát triển do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể: Theo điểm e, khoản 6, Điều 1, Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thị xã Kỳ Anh đến năm 2035, Khu công nghiệp Formosa chỉ bao gồm bãi xỉ, nhà máy xử lý tái chế xỉ lò cao, không bao gồm dự án công trình lò đáy quay (RHF). Do đó, đề nghị Công ty rà soát lại đảm bảo sự phù hợp quy hoạch đã được duyệt.

Mặt khác, nếu công trình lò đáy quay là hạng mục công trình xử lý chất thải thì trong quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì hạng mục dự án này không được đề cập trong quy hoạch.

trần đức phượng Luật sư Trần Đức Phượng.

Về việc này, trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, các bên có liên quan phải tuân thủ Quyết định 706/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ: “Về bảo vệ môi trường, đối với các nội dung thay đổi về địa điểm, quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt thì chủ đầu tư dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Với dự án Formosa Hà Tĩnh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nay có thay đổi bổ sung thêm về công trình lò đáy quay (RHF) trong khu vực địa chính thị xã Kỳ Anh muốn điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong đó phải tuân thủ Quyết định 706/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung thĩ xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2035.

Nếu thực hiện không đúng quy định tại điểm e Điều 6 (xây dựng nhà máy xử lý, tái chế xỉ hạt lò cao) là trái quy định pháp luật sẽ dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo và phải hủy bỏ các giấy cấp cho doanh nghiệp, điều đó sẽ gây nhiều hệ lụy và thiệt hại cho doanh nghiệp”.

Ngoài ra, theo Luật sư Trần Đức Phương: “Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch và xây dựng.

“Về thủ tục đầu tư, dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nên khi có thay đổi mục tiêu, địa điểm, quy mô, công nghệ, tăng giảm vốn đầu tư vượt tỷ lệ quy định hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư thì phải làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (khoản 4, Điều 40, Luật Đầu tư 2015 và 41 Luật Đầu tư 2020)”, vị luật sư cho hay.

Liên quan tới vấn đề quy hoạch dự án mới của Formosa, các chuyên gia đã đặt ra hàng loạt nghi ngại về tính pháp lý của dự án này, cụ thể:

Thứ nhất: Khi có ý kiến cho rằng, một số dự án công trình lò đáy quay RHF không phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt về quy hoạch thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 thì cần phải xem xét, đánh giá lại một cách nghiêm túc và trả lời công luận một cách công khai.

Thứ hai: Nếu lò đáy quay RHF có chức năng xử lý chất thải rắn (chất thải rắn bao gồm cả chất thải công nghiệp nguy hại - PV) nhưng trong quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì dự án xử lý chất thải của Formosa không được đề cập trong quy hoạch, thì lấy căn cứ nào cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/500 công trình lò đáy quay?

Thứ ba: Cần đánh giá cụ thể tác động của dự án đối với môi trường sống xung quanh, đặc biệt là công nghệ và khả năng ứng phó với sự cố môi trường đã được các chuyên gia cảnh báo.

Từ những băn khoăn trên, một số chuyên gia cho rằng, nếu cả vấn đề quy hoạch dự án, xử lý chất thải của Formosa và khả năng ứng phó với sự cố đều không đáp ứng được quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn mang tính khoa học thì nên cân nhắc việc chấp thuận chủ trương dự án cũng như việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Vấn đề này UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị có liên quan cần làm rõ. Sự việc thu hút rộng rãi sự quan tâm của dư luận xã hội thì càng phải công khai và minh bạch.

Sự im lặng khó hiểu!

Xung quanh vấn đề quy hoạch dự án mới của Formosa, đặc biệt là hạng mục lò đáy quay (RHF), BBT Tạp chí Bất động sản Việt Nam đã gửi văn bản tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị làm rõ những vấn đề còn băn khoăn nêu trên, nhưng chưa nhận được phản hồi. Đại diện một số cơ quan có liên quan tới việc đánh giá tác động môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng không có phản hồi khi phóng viên liên hệ làm việc về vấn đề quy hoạch dự án này.

Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cũng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới dự án này, mặc dù trước đó phóng viên đã gửi câu hỏi và tác nghiệp theo quy định của Luật Báo chí. Trong khi đó, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho hay sẽ chỉ đạo rà soát lại quy hoạch theo thông tin phản ánh của phóng viên.

Theo Quốc Toản/Reatimes 

Bạn đang đọc bài viết "“Siêu dự án mới của Formosa“ và hàng loạt câu hỏi rơi vào... im lặng!" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.