Nằm ở vị trí biệt lập, xung quanh là sông nước bao bọc, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh kết nối với khu vực trung tâm thành phố bằng cầu Kinh và nối sang TP Thủ Đức bằng bến phà Bình Quới. Cách đây gần 30 năm bán đảo Bình Quới - Thanh Đa đã được TP Hồ Chí Minh quy hoạch để làm dự án khu đô thị du lịch, sinh thái có diện tích 426ha, trong đó dân số đạt từ 41.000 - 50.000 người. Thế nhưng cũng chừng ấy năm thành phố quy hoạch là chừng ấy năm người dân phải khốn khổ do quy hoạch “treo”.
Ông Bảy, một lão nông ở khu vực bình quới nay đã gần 70 tuổi, hàng ngày chạy xe máy lên khu vực bến xe Miền Đông cũ để hành nghề xe ôm cho hay, nhà ông cũng có vài công đất ruộng nhưng bán chẳng được giá, giữ chẳng xong bởi quy hoạch Dự án khu du lịch sinh thái đã “treo” lơ lửng trên đầu vài chục năm qua. Những hộ khó khăn muốn chuyển nhượng đất ruộng vườn giữa phố thị cũng chỉ dám kêu giá quanh mức 10 triệu đồng/m², song cũng ít người dám bỏ tiền mua dù từ lâu giá đất ở trong khu vực này đã lên vài chục triệu đồng/m².
Con cái ông Bảy đã trưởng thành từ lâu, nhưng cả 3 thế hệ vẫn phải sống chật chội trong căn nhà cấp 4 cũ được cơi nới thêm mấy phòng xung quanh nhìn không còn ra hình vuông hay chữ nhật.
Ông Bảy cho biết, gần đây chính quyền có chủ trương gỡ khó cho người dân bán đảo bằng cách cho cam kết xây dựng nhà kiên cố, nhưng ông và nhiều hộ dân xung quanh cũng đành bó tay. Bởi xuất thân là nông dân, lại phải sống trong cảnh quy hoạch “treo” đã 30 năm, nên phần đông người dân ở đây không có điều kiện phát triển kinh tế, phải kiếm sống bằng nghề lao động chân tay; thu nhập cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, khó dư nổi tiền để cất nhà kiên cố dù trên thực tế họ vẫn đang được coi là những tỉ phú từ đất…
Quy hoạch bán đảo Bình Quới - Thanh Đa thành khu du lịch sinh thái được thành phố làm sớm như vậy, song người dân ở đây cũng phải sống trong cảnh bị dự án “treo” lơ lửng trên tài sản kéo dài đến 12 năm người dân mới thấy quyết định thu hồi đất để giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư. Với một dự án “khủng” như vậy, nhưng sau 6 năm triển khai, doanh nghiệp nội này chẳng làm được gì do không đủ thực lực. Đến năm 2010, TP Hồ Chí Minh quyết định thu hồi dự án.
Tiếp tục “treo” lơ lửng trên đất đai, nhà cửa của cả chục ngàn người dân thêm 5 năm, thành phố tìm được liên danh nhà đầu tư Bitexco - Emaar Properties PJSC làm chủ dự án với tổng vốn đầu tư được xác định ở mức hơn 30.700 tỉ đồng. Đánh vật với thủ tục dự án đến năm 2017, một thành viên là Emaar Properties PJSC rút khỏi liên danh trên, lập tức liên danh các nhà đầu tư này tan rã.
Để tạm thời hỗ trợ những hoàn cảnh khốn khó ở đây, UBND quận Bình Thạnh đã đề nghị thành phố cho phép tách thửa và cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với một số trường hợp; cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp, diện tích phần đất nông nghiệp được xem xét cấp giấy tối đa 80m2…
Trong hành trình tìm chủ đầu tư cho dự án, trả lời về tình trạng “treo” quá dài của dự án này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã thông tin, dự án Bình Quới - Thanh Đa đang có 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu và sẵn sàng cam kết ký quỹ hơn 3 tỷ USD. Tuy vậy, nhiều điều kiện ngặt nghèo mà các nhà đầu tư này cũng đặt ra đối với Thành phố, nhất là thời gian giao đất, chi phí giải phóng mặt bằng, đơn giá sử dụng đất…
Đây là những vấn đề mà nhiều năm nay chính quyền thành phố không thể tự quyết được do phải phụ thuộc vào sự đồng ý của từng hộ dân trong vùng dự án. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân và lợi ích cho nhà đầu tư, TP Hồ Chí Minh đã phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch dự án Bình Quới - Thanh Đa cho phù hợp.
Trong đó sẽ xem xét và điều chỉnh lại ranh quy hoạch, tạo điều kiện để người dân trong vùng tự phát triển, phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, để hỗ trợ người dân ở đây, TP Hồ Chí Minh cũng có chủ trương cấp phép xây dựng tạm trên đất được quy hoạch làm đất ở để người dân có thể xây cất, chia tách sổ đất cho con cái ra ở riêng hoặc bán, song việc này cũng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu bức thiết cho người dân. Và như vậy, dự án vẫn tiếp tục “treo”, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi.