Siêu lợi nhuận như Xây dựng Central: 1 đồng vốn góp, 2,3 đồng lợi nhuận, nguy cơ mất vốn

08/07/2023 11:46

Vượt qua hàng loạt ông lớn khác như Hòa Bình, Coteccons, Xây dựng Central siêu lợi nhuận đến mức 1 đồng vốn góp của cổ đông có thể sinh ra 2,3 đồng lợi nhuận. Thế nhưng, Xây dựng Central lại đang đối mặt với tình trạng nguy cơ mất vốn tăng.

Rời Coteccons cùng khách cũ

Công ty cổ phần Xây dựng Central (Công ty Xây dựng Central) là đơn vị “sinh sau đẻ muộn” trong ngành xây dựng. Xây dựng Central thành lập ngày 23/6/2017 với người đại diện pháp luật là ông Trần Quang Tuấn, ông Mai Chánh Thành.

nha-thau-central-1451-1688791442.jpg

Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng Xây dựng Central lại vượt xa các ông lớn lâu đời như Hòa Bình và chính Coteccons về khả năng sinh lời.

Ngay từ khi chào đời, Xây dựng Central đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận khi ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Central từng có nhiều năm gắn bó với Coteccons.

Mặc dù Coteccons gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Bá Dương nhưng ông Trần Quang Tuấn cũng được biết đến rộng rãi với tư cách Phó Tổng giám đốc Coteccons. Sau năm 1 thập niên gắn bó với Coteccons, ông Tuấn rời Coteccons, cùng cộng sự khác là ông Vũ Đức Tài sáng lập Xây dựng Central.

Mọi việc sẽ “sóng yên biển lặng” nếu Xây dựng Central không có những khách hàng vốn là khách truyền thống của Coteccons như Vingroup, Phát Đạt, Hòa Phát...

Một số dự án gần đây mà Xây dựng Central thi công có thể kể đến một số khách như Masterise, Hưng Vượng, TTC Land… Một số dự án nổi bật có thể kể đến như The Global City, Astral City, Masteri Centre Point, Empire City (Tp.HCM), Venezia Beach Hồ Tràm, Nhà máy sản xuất container Hòa Phát (Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Ở thời điểm mới thành lập, Xây dựng Central có vốn điều lệ 100 tỷ đồng và cổ đông lớn nhất là ông Trần Quang Tuấn với tỷ lệ sở hữu 81%. Các cổ đông sáng lập còn lại bao gồm: ông Vũ Đức Tài (sở hữu 10%), ông Hoàng Anh Tuấn (sở hữu 1%), ông Huỳnh Ngọc Tuấn (sở hữu 1%), ông Nguyễn Thiện Thuật (sở hữu 2%), ông Phạm Hữu Phúc (sở hữu 5%).

Cho tới nay, vốn điều lệ của công ty vẫn chưa thay đổi và đang ở mức 100 tỷ đồng.

1 đồng vốn góp, 2,3 đồng lợi nhuận

Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng Xây dựng Central lại vượt xa các ông lớn lâu đời như Hòa Bình và chính Coteccons về khả năng sinh lời.

Cụ thể, năm 2022, mặc dù ngành bất động sản và xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản, Xây dựng Central vẫn ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt tới 9.014 tỷ đồng, tăng 3.977 tỷ đồng, tương đương 79% so với năm 2021.

Biên lợi nhuận gộp của Xây dựng Central trong năm 2022 cao vượt trội so với đối thủ, lên tới 6,2% trong khi tại Hòa Bình, Coteccons chỉ là 1,8% và 3,3%. Xét về khả năng trên mỗi đồng vốn, Xây dựng Central cũng tỏ ra có sự vượt trội khủng khiếp.

Năm 2022, lợi nhuận sau thuế tại Xây dựng Central tăng 115 tỷ đồng, tương đương 97,5% so với năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn góp chủ sở hữu của công ty đạt tới 233%. Nghĩa là cứ 1 đồng vốn góp mang lại cho công ty 2,33 đồng lợi nhuận. Tỷ lệ này Coteccons chỉ là 2,6%. Còn tại Hòa Bình, năm 2022, công ty này không có khả năng sinh lời khi lỗ tới 1.141 tỷ đồng.

Nợ khổng lồ, nguy cơ mất vốn cao

Có thể thấy, nếu chỉ nhìn vào doanh thu, lợi nhuận và khả năng sinh lời của đồng vốn thì bức tranh tài chính của Xây dựng Central rất hoàn hảo, trở thành niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, trên thực tế, bức tranh tài chính của Xây dựng Central lại bộc lộ ra rất nhiều vấn đề như nợ quá cao so với vốn và nguy cơ mất vốn ngày càng hiện hữu.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả tại Xây dựng Central đạt 5.197 tỷ đồng, tăng 1.544 tỷ đồng, tương đương 42,3% so với năm 2021; cao gấp 7,7% vốn chủ sở hữu và chiếm 88,5% tổng nguồn vốn. Có thể thấy, hoạt động của Xây dựng Central chủ yếu được tài trợ bởi nợ.

Trong nợ phải trả, có 2 chỉ tiêu nổi bật là vay ngắn hạn (1.111 tỷ đồng) và phải trả người bán ngắn hạn (2.733 tỷ đồng). Cần phải nhấn mạnh, phải trả người bán ngắn hạn tăng rất mạnh từ 1.254 tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của công ty trong tương lai, đặc biệt là năm 2023.

Trong khi chưa thanh toán hết cho người bán, Xây dựng Central lại bị người mua chậm trả nợ đến mức có nguy cơ mất vốn. Tại ngày 31/12/2022, Xây dựng Central ghi nhận 4.066 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, tăng rất mạnh, tăng 1.215 tỷ đồng, tương đương 42,6%, chiếm 69,2% tổng tài sản.

Điều đó có nghĩa dù doanh thu cao, lợi nhuận nhiều nhưng phần lớn khoản tiền đó vẫn chưa về tài khoản công ty. Đáng ngại hơn, có nhiều khoản nợ đã thành nợ xấu nên Xây dựng Central phải dành 130 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, tăng mạnh so với con số 24,7 tỷ đồng của năm 2021.

Theo Hoài Thương/TCDN
Bạn đang đọc bài viết "Siêu lợi nhuận như Xây dựng Central: 1 đồng vốn góp, 2,3 đồng lợi nhuận, nguy cơ mất vốn" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.