Bỗng dưng mất đất
Theo hồ sơ vụ việc, huyện U Minh Thượng - Kiên Giang, là vùng đệm Rừng U Minh, hạ tầng cơ sở thiếu thốn. Năm 2010, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vận động các doanh nghiệp ủng hộ 20 tỷ đồng để xây dựng trường THCS & THPT Minh Thuận, ngay giữa rốn rừng... Cụ thể, ngôi trường được xây dựng trên đất của ông Trần Minh Quận tại tổ 3, ấp Minh Kiên, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng. Năm 2011, ngôi trường khánh thành.
“Miếng đất của gia đình mình nằm ngay sát trường, mình nghĩ giữ đất đai rồi có chết cũng không mang theo được, sau khi bàn bạc với gia đình thì quyết định hiến hơn 1,3 ha trên tổng số 3ha đất mình để nhà nước xây dựng trường cho con em mình sau này có chỗ học tập sạch sẽ, thuận tiện…”, ông Quận nói về chuyện hiến đất.
Có thể nói, việc để xây trường học của gia đình ông Trần Minh Quận đã góp phần tích cực cho địa phương khơi thông "bế tắc" về quỹ đất thời điểm đó. Việc làm thật trân trọng, gia đình ông xứng đáng là những tấm gương sáng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
Thế nhưng, câu chuyện người hiến đất xây trường, hiện nay đang phải “đáo tụng đình”, là do diện tích mâu thuẫn giữa đơn hiến đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - sổ đỏ) của nhà trường.
Trong đơn hiến đất ông Quận ghi rõ: “Gia đình ông tự nguyện hiến cho nhà nước phần đất như sau: chiều ngang 68,5 mét, chiều dài 146 mét. Diện tích này tính từ tim lộ (đường giao thông liên xã-PV) vào 40 mét, đường vào trường 10 mét ngang”.
Ông Quận giải thích rõ hơn: “Tổng diện tích đất tôi hiến xây trường khoảng 1,3ha, có hình chữ T, đáy nhỏ dưới 10 mét, đáy lớn trên 68,5 mét. Từ tim lộ dài sâu vào 40 mét, là con đường vào trường có bề ngang 10 mét (đáy nhỏ dưới). Sau 40 mét dài ấy thì chiều ngang mới mở rộng ra 68,5 mét (đáy lớn trên). Chiều dài từ đáy nhỏ dưới đến đáy lớn trên dài 146 mét. Con đường vào trường ngang 10 mét, dài 40 mét”.
Đầu năm 2021, ông Quận phát hiện ra trường cấp 2&3 Minh Thuận có sổ đỏ mang số hiệu CC 021673 do UBND tỉnh Kiên Giang cấp ngày 12/01/2016, có diện tích 28.966m2, đất cũng có hình chữ T, nhưng đáy nhỏ dưới 52 mét, đáy lớn trên 80 mét, chiều dài 343 mét.
Trong đơn ông Quận khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, rằng: “Tôi chỉ hiến đất xây trường 1,3 ha trên tổng số 3ha, nay nhà trường sở hữu hết 2,89ha đất của tôi. Trong khi đó, tôi hoàn toàn không giao dịch sang nhượng đất với nhà trường, hay thỏa thuận hiến thêm đất, nhà nước cũng không qui hoạch mở rộng khuôn viên trường, thì tại sao tự dưng đất của tôi mất hơn 1,5ha đất? Đất của trường học bỗng dưng “nở” ra thêm hơn 1,5ha? Sai sót này do tổ chức, cá nhân nào"?
Theo đơn khiếu nại của ông Quận, quy trình cấp sổ đỏ cho trường cấp 2&3 Minh Thuận hoàn toàn sai qui trình. Bởi, ông Thuận không cho, tặng, mua bán, giao dịch đất đai gì với Ban giám hiệu nhà trường ngoài diện tích đất đã hiến.
Liên quan đến vụ việc này, vừa qua phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã đến liên hệ UBND huyện U Minh Thượng để xác minh quy trình cấp sổ đỏ cho nhà trường có đúng pháp luật hay không? Phó Chánh Văn phòng UBND huyện U Minh Thượng chỉ ghi nhận nội dung làm việc, trình lãnh đạo xem xét, trả lời sau.
Mất luôn cả quyền lợi ưu tiên
Được biết, khi trường Minh Thuận xây xong, đưa vào hoạt động. Trường có 2 cantin, vì có công hiến đất xây trường, ông Quận được nhà trường ưu tiên cho bán cantin số 1 với giá thuê mặt bằng giảm 20% trên mức giá bỏ thầu căn tin thứ 2. Niên học 2015-2016 cô Lê Thị Mỹ Dung lên làm hiệu trưởng thì cho đấu thầu lại cantin thứ 2. Lần đấu thầu này thì ông Quận bị bệnh, nằm điều trị tại bệnh viện nên không tham gia đấu thầu...
Ông Quận có sống “già nhân ngãi, non vợ chồng” với bà Lâm Thị Phượng, lúc ông Quận nằm viện, bà Phượng có tham gia bỏ thầu, nhưng bỏ giá thấp nên bà Huỳnh Ngọc Hân trúng thầu với giá cao hơn bà Phượng 500.000 đồng/tháng.
Ông Quận bức xúc nói: “Tôi và bà Phượng chỉ “rổ rá cặp lại”, không hôn thú, tôi không ủy quyền cho bà Phượng thay tôi bỏ thầu, nên bà Phượng tham gia đấu thầu là vi phạm pháp luật, mọi lần đấu thầu trước là tôi ủy quyền cho con ruột tôi..”. Việc ông Quận bức xúc là có cơ sở, bởi sau khi trúng thầu, bà Hân (ông Quận tố cáo là cháu ruột cô Dung-Hiệu trưởng?), được cô Dung giảm giá 1.000.000 đồng/tháng so với giá trúng thầu 7.500.000 đồng/tháng...
Ông Quận tố cáo đến Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Kiên Giang 6 điều liên quan đến vụ việc. 6 vấn đề này đã được Giám đốc Sở Trần Quang Bảo giải quyết bằng quyết định 3300/KL-SGDĐT ngày 30/12/2020. Ông Quận không chấp nhận cách giải quyết của quyết định 3300 nên tiếp tục gởi đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Kiên Giang.
Những khuất tất mà ông Quận yêu cầu các cấp thẩm quyền giải quyết cơ bản sau: Nhà trường tổ chức đấu thầu cantin vi phạm pháp luật, gây thiệt thòi cho ông Quận như đã nêu trên. Ông Quận cho rằng vì bà Hân là cháu ruột nên Hiệu trưởng Lê Thị Mỹ Dung ưu ái giảm 1.000.000 đồng/tháng so với giá trúng thầu. Sự ưu ái này vi phạm Luật Đấu thầu và gây thiệt hại cho người khác.
Từ năm 2016 đến nay, nhà trường không tổ chức đấu thầu lại mà cứ thu theo giá đã giảm, gây thiệt hại cho nguồn thu của trường... - ông Quận viện dẫn thêm.
Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã tiếp tục xác minh thông tin ông Quận với Hiệu trưởng trường THCS & THPT Minh Thuận Lê Thị Mỹ Dung. Điều lạ lùng ở chỗ là khi đang tiếp phóng viên thì bất chợt bà Dung có điện thoại. Chừng 10 phút sau phóng viên nhận được thông báo: "Giám đốc Sở chỉ đạo không cung cấp bất cứ tư liệu gì liên quan vụ việc cho báo chí...".
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.