Học và làm việc qua mạng

19/02/2020 16:12

Lợi thế của hoạt động online đã được khai thác tối đa, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã tổ chức làm việc qua mạng

Lợi thế của hoạt động online đã được khai thác tối đa, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã tổ chức làm việc qua mạng

Cuộc chiến tổng lực và toàn xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong "nguy biến" vẫn có "cơ hội" để từ Chính phủ và đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp thử thực tế khả năng hoạt động, vận hành trên nền tảng online.

Thông tin kịp thời, chính xác dịch bệnh

Ngay khi xảy ra dịch Covid-19, Bộ Y tế đã nhanh chóng lập trang thông tin cập nhật liên tục diễn biến của dịch với các số liệu chính thức. Trang web này không chỉ thông báo nhanh chóng cho cộng đồng các chỉ đạo và hướng dẫn của nhà chức trách mà còn là một nguồn tham khảo chính thống giúp người dân có thông tin chính xác nhằm phản bác các thông tin giả, thông tin suy diễn xấu trên môi trường mạng.

Ngày 13-2, Bộ Y tế đưa ra ứng dụng di động Sức khỏe Việt Nam để người dân kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh và cung cấp thông tin liên quan tới nguy cơ và tình trạng nhiễm Covid-19. Ứng dụng này cũng hỗ trợ các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, thành tiếp nhận, xử lý thông tin, đánh giá nguy cơ lây nhiễm đối với các ca bệnh nghi ngờ.

Học và làm việc qua mạng - Ảnh 1.

Trên e-Learning, giáo viên có thể dạy, giao bài, chấm điểm, chữa bài; học sinh tham gia các tiết học, học bài trực tuyến, nhận kết quả học tập Ảnh: VNPT

Chiều 14-2, Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Y tế đã ra mắt Trợ lý ảo (chatbot) hỏi đáp về dịch bệnh Covid-19 trên trang thông tin điện tử của cục (https://ehealth.gov.vn). Trợ lý ảo này được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), có khả năng giải đáp tự động, liên tục theo thời gian thực (24/7) cùng lúc cho nhiều người dùng hỏi đáp về dịch bệnh Covid-19.

Ngay sau khi Việt Nam công bố dịch Covid-19, Bộ Y tế đã kết hợp với các nhà mạng di động để thường xuyên gửi các tin nhắn SMS về phòng chống dịch tới các thuê bao di động. Người dùng được hướng dẫn chi tiết các biện pháp giữ vệ sinh và phòng dịch.

Làm việc qua ứng dụng trực tuyến

Lợi thế của hoạt động online đã được khai thác tối đa. Hơn 1 tháng trước, Cổng Dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) chính thức đi vào hoạt động, cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến tại 63 tỉnh, thành gồm đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mãi, cấp lại thẻ BHYT; dịch vụ cấp điện hạ áp và cấp điện trung áp.

Chỉ với 1 cú click chuột, người dân, doanh nghiệp sẽ có thể truy cập vào các cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và theo dõi quá trình hoàn thành thủ tục hành chính. Từ thời điểm khai trương đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đến nay đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trước đó, trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP) khai trương được xem là tiền đề nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Tới nay đã có 95/95 cơ quan, bộ ngành, địa phương kết nối với hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia.

Nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng tổ chức làm việc qua ứng dụng trực tuyến. Các trang thương mại điện tử, bán hàng online đã nhạy bén và cho thấy thế mạnh của mình trong thời kỳ hạn chế tiếp xúc và ra đường vì dịch bệnh với phương thức shipper (người giao hàng). Ngay cả ở Trung Quốc, nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của Covid-19, các dịch vụ thương mại điện tử như Alibaba đã giúp cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân ở các khu vực bị cách ly phòng dịch.

Học tại nhà

Nhiều trường cho sinh viên, học sinh nghỉ học, tổ chức dạy và học qua online. Chỉ 1 ngày sau khi học sinh tại 55 tỉnh, thành phải nghỉ học để phòng dịch, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai nền tảng học từ xa VNPT e-Learning tại Trường Tiểu học và THCS Archimedes (TP Hà Nội) và sau đó là hàng loạt trường học khác tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP HCM. Trên nền tảng này, giáo viên có thể giảng dạy, giao bài, chấm điểm, chữa bài; học sinh tham gia các tiết học, học bài trực tuyến, học nhóm thông qua live chat hay livestream, làm bài, nhận kết quả học tập…

Đến thời điểm này, đã có 63/63 tỉnh, thành có học sinh đăng ký tham gia và học tập trên hệ thống học tập trực tuyến VioEdu của FPT. Gần 8.000 trường đã sử dụng hệ thống để hỗ trợ dạy và học trực tuyến trong thời gian học sinh tạm nghỉ học. Từ đầu tháng 2-2020 tới nay đã có hơn 10 triệu lượt câu ôn luyện được thực hành trên hệ thống. Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) cung cấp hệ thống ViettelStudy.vn cho học sinh và giáo viên dạy và học từ xa trong thời gian nghỉ. Viettel cho hay sẽ miễn phí các nội dung học trực tuyến bao gồm các bài giảng, khóa học và bộ đề ôn tập, giúp các em học sinh bổ sung kiến thức và tự học tại nhà. Đến nay, đã có 27 sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trên cả nước liên hệ với Viettel để hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai ViettelStudy. Các thầy cô cũng đã tạo mới hơn 5.000 khóa học và 1.000 kỳ thi để giao bài tập và hướng dẫn học sinh học từ xa.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thuộc Bộ GD-ĐT, trong thời gian các em ở nhà, nhà trường nên sử dụng các phương tiện thông tin, email, điện thoại học trực tuyến để kết nối thầy và trò. Học sinh phải ôn tập khi nghỉ để lúc đến trường vẫn bảo đảm chương trình. 

Tạo lớp học trực tuyến

Nền tảng giáo dục 789.vn cũng tài trợ miễn phí cho mỗi giáo viên THPT trong toàn quốc mở một lớp học online trên 789.vn với số lượng 30 học sinh cho đến hết năm học 2019 - 2020. Với khối THPT, giáo viên và học sinh có thể không cần đến trường, chỉ cần sử dụng chức năng giao bài tập về nhà online để giảng dạy và học tập.

Nền tảng 789.vn cho phép giáo viên từng bộ môn tạo lớp học, duyệt học sinh vào lớp online. Giáo viên chủ động tạo đề bài bằng cách tự đưa đề thi của mình lên hoặc sử dụng đề sẵn có của 789.vn, chuyển đề vào lớp, cài đặt thời gian làm bài cho học sinh làm bài tại nhà. Học sinh làm bài ngay tại nhà trên máy tính, laptop hoặc điện thoại thông minh, nộp bài. Sau đó xem điểm, xem đáp án, xem hướng dẫn cách giải.

L.Anh

Anh Phúc - Lan Anh/ Theo nld.com

https://nld.com.vn/cong-nghe/hoc-va-lam-viec-qua-mang-20200215210819255.htm

Bạn đang đọc bài viết "Học và làm việc qua mạng" tại chuyên mục VH-GD. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.