Kể từ khi được phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động vào năm 2016, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (trực thuộc Bộ LĐTB&XH, số 502 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Bình, Thủ Đức, TP HCM) liên tiếp xảy ra nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Nhiều diện tích trong khu đất rộng mênh mông nhiều ha mặt tiền hàng trăm mét dọc đường Đỗ Xuân Hợp với đầy đủ cơ sở vật chất đã được trường “hợp tác”, nữ hiệu trưởng nay đã 60 tuổi nhưng vẫn ngồi ghế điều hành trường kiêm Chủ tịch Hội đồng trường được nhà trường giải thích thực hiện theo quy định thí điểm...
Trong khi đó số học viên ngày càng ít đi, có khi học viên hệ trung cấp và cao đẳng bị “nhốt” chung một lớp, trường bị cơ quan chức năng khẳng định “có vấn đề” về chuyên môn khi đào tạo sai quy định một số ngành nghề, mức lương của giáo viên cũng không được cải thiện hơn so với trước khi “thí điểm tự chủ”…
Một trong ba trường được “thí điểm tự chủ”
Khu đất Trường CĐ Kỹ nghệ II đang tọa lạc từng là Trung tâm huấn nghệ Thủ Đức thuộc Viện quốc gia phục hồi - Bộ Cựu chiến binh của chế độ Sài Gòn từ 1972. Sau ngày giải phóng miền Nam, trung tâm này trở thành một bộ phận của Viện phục hồi chức năng, rồi đổi tên thành Trường dạy nghề Thủ Đức.
Năm 1976 trường được tách ra khỏi Trung tâm phục hồi chức năng lao động TP HCM trở thành một đơn vị sự nghiệp đào tạo độc lập. Năm 1978 Bộ LĐTB&XH có quyết định thành lập Trường dạy nghề Thương binh Thủ Đức, năm 1993 trường đổi tên thành Trường dạy nghề Người tàn tật TW II. Năm 2001 trường đổi tên thành Trường Kỹ Nghệ II, rồi Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ TP HCM. Đến ngày 28/10/2016, trường đổi tên thành Trường CĐ Kỹ nghệ II.
Trước đó, ngày 4/4/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 538/QĐ-TTg phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường Kỹ nghệ II, nôm na là thực hiện cơ chế tự chủ giai đoạn 2016 – 2019. Mục tiêu “xây dựng trường thành cơ sở giáo dục chất lượng cao, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tăng trách nhiệm giải trình trước xã hội.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐTB&XH và địa phương “thực hiện việc kiểm tra giám sát” trong quá trình trường thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ.
Ngày 25/5/2016, dù theo quy định bà Nguyễn Thị Hằng (SN 17/6/1961) chỉ còn chưa đầy 1 tháng sẽ về hưu, nhưng Bộ LĐTB&XH vẫn có Quyết định 656/QĐ-LĐTBXH phê duyệt bà Hằng là Hiệu trưởng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Trường.
“Hợp đồng hợp tác” với doanh nghiệp
Năm 2017, trường đầu tư xây dựng nhà máy nước uống đóng chai trong khuôn viên trường được cho nhằm phục vụ nhu cầu thực tập của sinh viên, nhưng đã không thực hiện đúng quy định. Nhiều năm nay, trường cho một số đơn vị thuê mặt bằng để kinh doanh ở mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, dù theo quy định đây là đất công nên trường không thể tự ý cho thuê. Đó là cửa hàng Điện Máy Xanh rộng hàng trăm m2, và Cty CP Y dược Quốc tế Việt – Mỹ (nha khoa Việt Mỹ Smile). Bên trong khuôn viên trường, còn là nơi làm việc của Cty CP nguồn nhân lực quốc tế Thuận An Kyoto, Cty CP Đầu tư Phát triển SHB.
Theo Thông báo số 65, 66, 67/TB-CĐKNII do Hiệu phó Bùi Văn Hưng ký ngày 29/3/2021, nha khoa Việt Mỹ Smile, Thuận An Kyoto, SHB “Hợp đồng hợp tác” với trường. Thông báo cho thấy, từ tháng 12/2020 – 3/2021, trong 3 tháng Thuận An Kyoto phải trả cho trường 317 triệu tiền mặt bằng, nghĩa là trung bình mỗi tháng tiền thuê 105 triệu; nha khoa Việt Mỹ Smile phải trả 737 triệu tiền “hợp tác” mặt bằng; SHB phải trả 530 triệu đồng...
Hành vi sai phạm trên bị UBND phường Phước Bình phát hiện lập biên bản. Theo biên bản, UBND phường có xét duyệt sửa chữa kiot cho Trường CĐ Kỹ nghệ II (do Cty CP Y dược Quốc tế Việt – Mỹ là đơn vị đầu tư sửa chữa). Nhưng công trình sửa chữa sai so với những nội dung, hạng mục do phường giải quyết như làm sàn gác bằng sắt thép, lợp mái tôn, tường gạch dài 25m, rộng 5m (được xác định là công trình cơi nới thêm, tăng diện tích xây dựng). UBND phường đã yêu cầu tháo gỡ phần xây dựng cơi nới, không đúng.
Về chất lượng đào tạo, Trường CĐ Kỹ nghệ II cũng có những vi phạm nghiêm trọng. Năm 2017, chưa được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cấp mã ngành đào tạo ngành Dược, nhưng trường vẫn tuyển sinh hàng chục sinh viên Cao đẳng Dược.
Ngày 30/1/2018, bà Hằng ký quyết định công nhận nhập học với 158 sinh viên liên thông từ trung cấp lên cao đẳng nghề Dược sỹ khóa 2018 – 2019. Dù đã tuyển sinh, cho nhập học hàng trăm người, nhưng sau đó trường mới... lập hồ sơ đăng ký bổ sung. Ngày 17/7/2018, Tổng cục có văn bản khẳng định chưa cho phép trường đào tạo ngành Dược. Theo Điều 17 Nghị định 143/2016/NĐ-CP, Tổng cục phải kết hợp Bộ Y tế, Sở LĐTB&XH TP kiểm tra thực tế điều kiện đảm bảo hoạt động giáo dục nghề nghiệp của trường, sau đó mới xem xét.
Liên quan đến vướng mắc trong tuyển sinh, đào tạo ngành Dược khiến hàng trăm người đã học xong nhưng không được cấp bằng tốt nghiệp mà trường đã “Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời”, theo đại diện nhà trường, vấn đề này đã được giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người học.