Nhiều trường ngoài công lập có yếu tố nước ngoài đã có học phí cao nhưng vẫn tiếp tục tăng mỗi năm, tỉ lệ tăng do trường tự quyết định
Theo quy định hiện nay thì chế độ học phí của mỗi năm học sẽ được công bố trước khi tuyển sinh và báo cáo hoạt động tài chính hằng năm cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan tài chính có thẩm quyền ở địa phương.
Tự điều chỉnh học phí
Trường có yếu tố nước ngoài (trường quốc tế) có sự hợp tác, đầu tư của các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài để phát triển giáo dục hoặc có khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Trường quốc tế hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi, thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, kiểm toán.
Vì vậy, các trường tự điều chỉnh học phí và mức tăng học phí theo từng năm, dựa vào tiêu chí thuận mua vừa bán, dịch vụ khách hàng đã sử dụng, định vị thương hiệu, cạnh tranh thị trường. Cũng có trường hợp, học sinh đã quen với môi trường học tập tại trường nên dù trường tăng vọt học phí, phụ huynh cũng "cắn răng" cho con tiếp tục học.
Một cơ sở của Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS)
Theo hiệu trưởng một trường quốc tế tại quận 7, dẫu trường được tự quyết phần trăm tăng học phí nhưng không phải muốn tăng bao nhiêu là tăng, phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Học kỳ I năm học trước, ban điều hành của trường đã họp và đưa ra kế hoạch trong năm học kế tiếp, bao gồm kế hoạch cải thiện về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, chương trình học. Tỉ lệ tăng học phí cụ thể sẽ dựa vào các tiêu chí, giá thị trường, mức độ đầu tư của nhà trường, đột phá về chương trình, mức đầu tư cơ sở vật chất, sử dụng nguồn giáo viên. Sau đó công bố biểu phí năm học tiếp theo vào đầu học kỳ II để phụ huynh, nhà trường chuẩn bị.
Tại trường này, mỗi năm sẽ tăng lũy tiến không quá 10% so với học phí năm trước, trừ khi có khủng hoảng kinh tế đến mức trượt giá trên 10%. Năm nay, hệ song ngữ tăng 7%, hệ quốc tế tăng 5%, nếu vào giai đoạn trường ổn định, mức tăng sẽ thấp hơn. Tỉ lệ này được đưa ra đã cân nhắc kỹ về quyền lợi của học sinh, kinh tế của phụ huynh. Học phí năm học 2020-2021 của trường này dao động từ 457 triệu đến 525 triệu đồng tùy khối lớp đối với hệ đơn ngữ và từ 234 triệu đến 298 triệu đồng đối với hệ song ngữ, chưa bao gồm phí đưa trước, suất ăn và phụ phí khác.
Không quy định mức trần, lo lạm thu
Theo quy định, trường quốc tế được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Ở nhiều trường, mức tăng hằng năm hầu như không thỏa thuận trước với phụ huynh, trường đơn phương đưa ra mức quy định, phụ huynh thấy hợp lý thì cho con nhập học, nếu không có thể chuyển sang trường khác, đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên.
Trường Quốc tế TP HCM (ISHCMC) là một trong những trường có mức học phí cao nhất tại TP HCM. Mức học phí năm học 2020-2021 của trường từ lớp 1 đến lớp 12 ở mức từ 524 triệu đến 775 triệu đồng, tăng hơn 3% so với năm học 2019-2020. Học phí hệ quốc tế của Trường Quốc tế Canada năm 2020-2021 từ 299 triệu đến 705 triệu đồng, tùy khối lớp, tăng gần 5% so với năm học trước. Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn với mức học phí cao nhất là 657 triệu đồng/năm. Trường cũng thông báo có quyền tăng mức học phí trong năm học nếu chỉ số lạm phát hằng năm vượt quá 12%...
Anh Nguyễn Công Thành, có con học tại Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS), chia sẻ hiện tại không có quy định, quy chuẩn nào cho việc tăng học phí hằng năm ở các trường quốc tế cũng là nỗi lo lớn của phụ huynh. Bởi không có mức trần, nhà trường muốn tăng bao nhiêu thì tăng, đối với phụ huynh mới nếu thấy giá đó không hợp lý thì không nộp hồ sơ nhưng với những phụ huynh cũ, con đã quen với môi trường học tập tại trường rất khó để chuyển đi nên phải chấp nhận. Theo anh Thành, học phí năm học 2020-2021 của khối lớp con anh học tăng 20%-25%.
Ngoài học phí, nhiều trường quốc tế còn có các khoản phụ phí như phí tuyển sinh, tiền cơ sở vật chất, tiền giữ chỗ, tiền đưa đón, ăn uống, đồng phục... Tại Trường EMASI, khi nộp hồ sơ đăng ký, phụ huynh phải đóng phí tuyển sinh ở mẫu giáo và lớp 1 là 500.000 đồng, các lớp còn lại là 1 triệu đồng, không hoàn lại, mỗi học sinh phải đóng phí cơ sở vật chất là 10 triệu đồng. Tại VAS, ngoài phí giữ chỗ 20 triệu đồng, còn các chi phí khác từ 5-8 triệu đồng. Tại Trường Quốc tế Anh Việt (BVIS), khi nộp đơn vào trường, phụ huynh trả phí đăng ký tuyển sinh 3,5 triệu đồng. Ở Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn, phụ huynh còn phải đóng phí đăng ký tuyển sinh là 4 triệu đồng, phí nhập học ở bậc mầm non là 22 triệu đồng, tiểu học là 39,7 triệu đồng và trung học là 49,7 triệu đồng; khoản phí này không được hoàn lại...
Sở GD-ĐT không quản lý mức tăng học phí
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết trường quốc tế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nên học phí tự quyết định, trường cung cấp dịch vụ giáo dục cho phụ huynh nếu phụ huynh muốn sử dụng dịch vụ đó thì sử dụng, sở không quản lý cũng không có định mức tăng học phí bao nhiêu. Mỗi năm tăng bao nhiêu phần trăm thì hợp đồng giữa hai bên sẽ quy định, như hoạt động mua bán giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.