Ngay sau khi đội tuyển U22 Việt Nam đánh bại U22 Indonesia trong trận chung kết SEA Games 2019 tại Philippines, đem về cho bóng đá Việt Nam tấm HCV lịch sử sau 60 năm chờ đợi kể từ năm 1959, HLV Park Hang Seo đã ngồi lại trò chuyện với Tuổi Trẻ.
Cuộc trò chuyện diễn ra giữa lịch làm việc kín mít của Park Hang Seo. Sau những thành công liên tiếp, ông nhìn lại chặng đường đã qua.
*Đến bây giờ, thành tích nào của bóng đá Việt Nam khiến ông sướng nhất và cảm thấy khó khăn nhất khi chinh phục?
- Tôi nghĩ mỗi giải đấu đều có ý nghĩa của nó. Tôi thấy giải đấu nào cũng vui, nhưng cũng khó tránh khỏi áp lực. Lí do là mỗi giải đấu chúng tôi đều phải chuẩn bị rất là chu đáo. Kết quả có khi đúng như chúng tôi mong muốn, nhưng cũng có khi ngoài mong muốn và có khi kết quả cũng đi xuống. Nếu kết quả tốt dĩ nhiên chúng tôi hài lòng, còn không như mong muốn thì cũng buồn.
Với tôi, mỗi trận đấu đều có ý nghĩa chứ không hẳn là mỗi giải đấu, vì chúng tôi đều phải cố gắng hết sức để giành chiến thắng. Tất nhiên là cũng có người nói chúng tôi gặp may mắn khi chinh phục những cột mốc cho bóng đá Việt Nam, nhưng may mắn đó là do chúng tôi có sự chuẩn bị tốt.
Nhắc một chút về giải đấu gần nhất của tôi, SEA Games 2019, trận khó khăn nhất với chúng tôi là hai trận vòng bảng với U22 Indonesia và U22 Thái Lan. Ở trận gặp Indonesia, chúng tôi bị dẫn trước 1-0 rồi thắng 2-1. Còn ở trận gặp Thái Lan chúng tôi bị dẫn 2-0 chỉ sau 10 phút thi đấu. Ở trận chung kết tái đấu với Indonesia, tôi biết chỉ cần phong toả hai cánh là giải quyết được mọi việc. Nhưng tôi cũng bị áp lực, vì đây là chiếc HCV mà người Việt Nam đã chờ đợi 60 năm qua.
*Giành vé dự Olympic 2020 có phải là mục tiêu kế tiếp của ông với bóng đá Việt Nam?
- Chúng ta không nên nói trước mục tiêu, bởi vì khi chúng ta không thực hiện được thì sẽ phản tác dụng. Phương châm của chúng tôi rất rõ ràng: mỗi trận chúng tôi đều chuẩn bị hết sức. Kết thúc SEA Games 2019, chúng tôi chỉ có hai ngày nghỉ và sau đó lại lên đường sang Hàn Quốc tập huấn để chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2020 tại Thái Lan. Chúng tôi luôn nỗ lực hết sức cho mỗi giải đấu để giành kết quả tốt nhất.
*Ông có nghĩ bóng đá Việt Nam muốn thành công hơn thì cần có những doanh nhân yêu bóng đá và sẵn sàng tài trợ cho đội tuyển?
- Tôi không phải ở vị trí có thể nói được điều này. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Chính phủ, VFF và các CLB phải có những người biết làm sao để kết nối các doanh nghiệp với nhau nhằm làm tốt công việc đầu tư cho bóng đá Việt Nam thực hiện các mục tiêu mong muốn.
Với tư cách là HLV trưởng, tôi nghĩ ngoài các CLB đang đầu tư như hiện nay, chúng ta muốn thành công thì cần xây dựng một kế hoạch dài hơi. Ví dụ như cần xây dựng kế hoạch 10 năm sau bóng đá Việt Nam tham dự Olympic chẳng hạn, chúng ta cần chuẩn bị gì. Chúng ta phải đào tạo các cầu thủ trẻ, đào tạo các HLV, các chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia về thể lực, xây dựng giáo trình phù hợp cho các lứa tuổi…
Việc các tập đoàn lớn tham gia tài trợ cho bóng đá Việt Nam là cần thiết. Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải xem kế hoạch sắp tới là 5 năm hay 10 năm. Chúng ta đào tạo cái gì và mục tiêu của chúng ta đặt ra như thế nào. Chúng ta phải nhìn vào đó để kiếm nguồn lực tài chính để thực hiện.
*Trước khi sang Việt Nam, ông có nghĩ là mình sẽ thành công như hôm nay hay không?
- Khi tôi sang Việt Nam, báo chí Việt Nam có chờ đợi tôi không? Tôi không biết điều đó. Còn với bản thân tôi, thực ra lúc đó tôi chỉ nghĩ làm thế nào để có thể trụ được một năm thôi. Bởi vì khi đó, bóng đá Việt Nam là “mồ chôn” của HLV ngoại, tuổi thọ bình quân của một HLV ngoại hành nghề ở Việt Nam là 8 tháng. Nên tôi tự nhủ may mắn thì trụ được một năm chứ không nghĩ là lại giành nhiều thành công và lại tái ký hợp đồng mới như thế này.
Nhưng nhìn lại có lẽ tôi đã may mắn, tôi có được thế hệ cầu thủ tốt, xung quanh tôi có những trợ lý tài giỏi và đội ngũ hậu cần rất tốt. Tôi có sự hỗ trợ tối đa từ LĐBĐVN (VFF). Việc được gặp gỡ tất cả họ là điều may mắn đối với tôi. Đạt được nhiều thành tích trong thời gian qua tôi nghĩ mình cũng may mắn. Nhưng cái may mắn đó, như tôi nói, không phải là chúng ta chờ mà có, mọi việc đều có sự chuẩn bị.
*Mỗi lần về Hàn Quốc, ông đều ghé thăm mẹ. Mẹ ông có hỏi nhiều về bóng đá Việt Nam, về công việc của ông ở Việt Nam không?
Mẹ tôi năm nay đã 98 tuổi. Bà khá đãng trí, không thể nhớ được nhiều. Mỗi lần từ Việt Nam trở về Hàn Quốc tôi đều đến thăm mẹ. Bà nghe tôi nói làm việc ở Việt Nam bà cũng muốn sang lắm. Nhưng bây giờ mẹ tôi nhiều tuổi rồi, nên rất khó để đưa bà sang đây cho biết nơi tôi làm việc thế nào và người dân Việt Nam yêu quý tôi ra sao.
*Ông đã cúi đầu chào người hâm mộ, vỗ tay vào ngực – nơi có lá cờ Việt Nam - khi cùng các học trò bước lên bục nhận HCV SEA Games 2019 trên sân Rizal Memorial (Philippines). Vì sao ông có hành động đó?
- Tuy tổ quốc tôi là Hàn Quốc, máu của tôi là Hàn Quốc, nhưng hiện tôi đang ở Việt Nam. Trái tim của tôi, cơ thể của tôi, tâm hồn tôi đang ở Việt Nam và tôi đang yêu đất nước Việt Nam. Tôi có những hành động như thế để bày tỏ sự tôn kính, sự tôn trọng của mình dành cho người Việt Nam.
*Ông là HLV ngoại duy nhất để tay lên ngực áo khi quốc ca Việt Nam vang lên.
- Ở đâu cũng thế thôi, ở Hàn Quốc chúng tôi cũng thế. Khi quốc ca vang lên, tôi nghĩ điều cơ bản là chúng ta cần một tư thế trân trọng để chào đón. Đó là điều cơ bản về lễ nghĩa, là phép lịch sự tối thiểu mà chúng ta phải làm.
Tôi là người Hàn Quốc, nhưng tôi đang là HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, đại diện cho tập thể cầu thủ Việt Nam. Việc tôi để tay lên ngực áo khi chào cờ Việt Nam là muốn thể hiện tình cảm của mình và phép lịch sự của mình. Đó là điều đương nhiên.
Mỗi HLV đều có một cách thể hiện khác nhau. Tôi nghĩ mỗi hành động sẽ có ảnh hưởng đến người khác, nó có thể tạo một sự hứng thú, nó có thể mang lại một sự giúp đỡ nào đó. Và có thể đó là hành động khiến các học trò tôi noi theo. Tôi luôn luôn nhấn mạnh tinh thần Việt Nam khi nói chuyện với các học trò trước và giữa trận đấu, nếu tôi không thể hiện sự tôn trọng của mình đối với quốc ca Việt Nam thì hành động đó khó có thể thuyết phục được các cầu thủ.
*Trước trận chung kết SEA Games 2019, ông nói ông yêu Việt Nam và muốn đem HCV về cho người dân Việt Nam vì đã chờ đợi 60 năm qua. Vì sao ông lại yêu mến Việt Nam đến như vậy?
- Tôi đã hơn 60 tuổi, làm nghề HLV cũng lâu, sang Việt Nam làm việc đã có những kết quả thành công. Tôi không biết như vậy có gọi là thành công không, nhưng gọi thành công thì hơi quá. Thực tế là tôi chỉ đưa bóng đá Việt Nam gặt hái những kết quả tốt đẹp.
Mỗi lần nhìn các trẻ em Việt Nam, các bạn trẻ Việt Nam trên đường hằng ngày hoặc khi họ đổ ra đường đón mừng chúng tôi trở về sau mỗi giải đấu thành công, tôi thấy đôi mắt họ rất là to tròn và khuôn mặt rất xinh. Điều này làm tôi thấy nhiều khi cảm xúc trong người tôi trỗi dậy mạnh mẽ. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi làm việc tại Việt Nam.
Việt Nam đã mang cho tôi một cơ hội, cơ hội đó đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều thứ. Tôi nghĩ tôi có trách nhiệm phải đền đáp lại cái tình cảm đó của người dân Việt Nam. Và tôi nghĩ, tình yêu của tôi dành cho đất nước Việt Nam do vậy cũng là điều hiển nhiên.
Chia sẻ về chấn thương của tiền vệ đội trưởng Nguyễn Quang Hải tại SEA Games 2019, ông Park Hang Seo cho biết ông đã phải dằn nén cảm xúc để không làm ảnh hưởng tinh thần của toàn đội trong hành trình chinh phục chiếc HCV còn lại.
Ông nói: “Chấn thương của Quang Hải trong trận đấu với U22 Singapore ở vòng bảng là một mất mát lớn. Quang Hải dĩ nhiên là cầu thủ xuất sắc. Nếu tôi lo lắng quá thì làm sao làm việc được. Hơn nữa, nếu tôi quyến luyến quá với việc này thì tinh thần của đội sẽ đi xuống. Do đó, tôi phải dằn nén cảm xúc và tính phương án khác ngay để khắc phục. Sau khi có ý kiến của bác sĩ, tôi quyết định ngay”.
Khi trận chung kết SEA Games 2019 trôi về những phút cuối cùng, ông Park đang đứng trong đường hầm (bị thẻ đỏ rời sân lên khán đài ngồi một lúc lại bị yêu cầu vào trong đường hầm) đã chỉ đạo cho trợ lý Lee Young Jin đưa Quang Hải vào sân để cho cậu học trò có màn ăn mừng ý nghĩa với toàn đội. Tuy nhiên, khi mà Quang Hải đang đứng trên đường pitch chờ được vào sân, trọng tài chính đã thổi còi kết thúc trận đấu. Điều này khiến ông Park không khỏi tiếc cho cậu học trò.
"Việc Quang Hải không thể vào sân đúng như dự định là điều đáng tiếc. Có lẽ là do việc truyền đạt thông tin hơi chậm do tôi bị thẻ đỏ phải ngồi trên khán đài. Trước đó tôi cũng đã nói với trợ lý Lee Young Jin rồi, nhưng có lẽ khoảng cách trên khán đài và dưới sân đã khiến việc thực hiện không kịp thời. "