Đào tạo y dược mà học phí có trường 13 triệu đồng/năm khiến các trường phải "thắt lưng buộc bụng" và không biết duy trì được đến lúc nào.
Khó tin học phí 1 triệu đồng/tháng
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là đơn vị đào tạo chủ lực cung cấp lực lượng y - bác sĩ cho các bệnh viện tại TP HCM. Để đào tạo đủ 20 bác sĩ/10.000 dân thì mỗi năm TP cần mới khoảng 1.000 bác sĩ. Các trường ĐH khác hằng năm cung cấp cho TP khoảng 200 bác sĩ, còn lại trường phải bảo đảm mỗi năm cho ra trường ít nhất 800 bác sĩ.
PGS-TS Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành sức khỏe - cho biết năm 2019, trường được phê duyệt tự chủ nhưng không được điều chỉnh tăng học phí nên tình hình rất khó khăn, đe dọa sự phát triển của trường.
Cụ thể, khi chưa thực hiện tự chủ, trường được nhận nguồn ngân sách 82,6 tỉ đồng/năm. Năm 2019, khi trường được tự chủ, nguồn ngân sách bị cắt và bị truy thu ngược từ năm 2018, trường chưa biết lấy đâu ra để trả.
Không được cấp ngân sách cũng không được tăng học phí (mức hiện tại là 13 triệu đồng/sinh viên/năm) nên trường rơi vào tình cảnh rất khó khăn. 13 triệu đồng/năm, tương ứng trên 1 triệu đồng/tháng còn chưa đủ để chi trả học phí mầm non, đừng nói chuyện đào tạo bác sĩ, nhân lực trình độ quốc tế. "Với tình trạng như hiện nay, trường đang phải "thắt lưng buộc bụng" và không biết duy trì được đến khi nào" - PGS-TS Ngô Minh Xuân nói.
Mức chi trả cho sinh viên thực tập tại các bệnh viện thuộc diện thấp nhất, không đủ mua nước rửa tay chứ chưa nói đến sử dụng dụng cụ nên hiện nay nhiều bệnh viện đã cắt hợp đồng vì họ cũng đã tự chủ. Nguy hiểm hơn, nếu không cải thiện về nguồn thu, trường không thể giữ chân được giảng viên vì những lời đề nghị từ môi trường tư nhân rất hấp dẫn. "Hiện trường đang rất khó khăn, cần TP tháo gỡ vì nếu không giải quyết được sẽ mất giáo viên" - PGS-TS Ngô Minh Xuân lo lắng.
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, phát biểu tại hội nghị
Tại sao tăng học phí lại "dậy sóng"?
GS-TS Nguyễn Minh Đức, cố vấn chuyên môn khoa dược Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng với sự khống chế dịch bệnh Covid-19 thành công, Việt Nam đã được thế giới công nhận là điểm sáng trong phòng chống tốt dịch bệnh. Nếu được đầu tư tốt hơn nữa thì trong tương lai gần, người dân không cần phải chi hàng ngàn tỉ đồng để ra nước ngoài điều trị bệnh mà có thể yên tâm điều trị trong nước.
Nhưng ngành y tế tốt cần phải có đội ngũ y - bác sĩ được đào tạo tốt từ trong các cơ sở đào tạo. PGS-TS Ngô Minh Xuân cho biết đào tạo khối ngành sức khỏe tốn kém hơn nhiều so với các ngành khác và học phí đào tạo khối ngành này ở Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều so với thế giới.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, tính toán để đào tạo bác sĩ như tại Trường ĐH Y Dược TP HCM hay tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì phải 88 triệu đồng/sinh viên/năm đối với ngành y, nếu thực hiện lớp học nhỏ thì gần 100 triệu đồng.
Mức học phí trong đào tạo được cấu thành từ 3 yếu tố: cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên. Đối với các trường ĐH công lập chưa thực hiện tự chủ hoàn toàn, học phí của sinh viên chỉ là một phần trong chi phí đào tạo bởi phần còn lại được cấp từ ngân sách nhà nước và một số nguồn thu khác. Khi trường thực hiện tự chủ, không còn nhận ngân sách thì nguồn chi chủ yếu từ học phí của sinh viên.
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết dư luận xã hội ban đầu "dậy sóng" khi trường công bố mức học phí mới từ 30-70 triệu đồng/sinh viên/năm cho khóa tuyển sinh năm 2020. Nếu tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo thì mức học phí sẽ phải cao hơn. Ông Tuấn cũng cho rằng có nhiều trường tổ chức lớp chất lượng cao để thu học phí cao nhưng ông nghĩ trong một trường, cùng đội ngũ, cùng chương trình mà phân chia ra chương trình chất lượng cao và một loại khác thì không nên.
Cũng theo PGS-TS Trần Diệp Tuấn, vẫn có cách để trường thu học phí thấp hơn như là tổ chức lớp học đông, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa phải, sinh viên thực hành chung... nhưng làm như vậy không thể có chất lượng tốt và sẽ ngày càng khó khăn. Học phí quá thấp thì không thể đào tạo được nhân lực bậc cao, như vậy sẽ rất khó cạnh tranh trong khu vực. "Lâu nay Việt Nam thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bằng lao động giá rẻ, còn nếu tính đến hàm lượng chất xám cao thì mức độ cạnh tranh của Việt Nam có vấn đề" - ông Tuấn nói và cho rằng để đón làn sóng doanh nghiệp FDI mới, Việt Nam nhất thiết phải chuẩn bị nguồn nhân lực tốt. Học phí cao tuy có phần khó khăn cho người học nhưng có lợi cho trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhân lực chất lượng cao có lợi cho nền kinh tế quốc dân.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng các trường ĐH cần đa dạng các chương trình đào tạo, kể cả chương trình quốc tế để khi sinh viên có khả năng đóng học phí cao nhưng không muốn đi du học vì muốn được gần nhà cũng có sự lựa chọn. Những chương trình kiểu này cũng phần nào bù đắp được chi phí cho hệ đào tạo đại trà.
Cần có kế hoạch "đặt hàng"
Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM cho rằng cần phải tăng nguồn lực đầu tư để nâng chất lượng đào tạo khối ngành sức khỏe nhằm nâng chất lượng đội ngũ y - bác sĩ và hội nhập quốc tế. Việc này không chỉ liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực mà còn liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe toàn dân. Vì thế, vai trò của nhà nước rất lớn, giao tự chủ không có nghĩa là không hỗ trợ, nhà nước cần sớm triển khai kế hoạch "đặt hàng" cho các trường.