‘Bóp cổ’ sông Lô: Doanh nghiệp chây ỳ, người dân sống khổ

31/07/2021 10:04

Nhiều năm nay, người dân Hà Giang phải sống trong nỗi bức xúc với Công ty cổ phần Thủy điện sông Lô 2 vì chây ỳ trong bồi thường thiệt hại...

31-1627701293.jpeg

Kể từ khi triển khai dự án công trình Thủy điện sông Lô 2 vướng hàng loạt những sai phạm. Ảnh: Đào Thanh.

Sống khổ mặc dân

Cuộc sống của người dân thôn Bình Vàng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên Cuộc càng thêm khó khăn kể từ khi công trình Thủy điện sông Lô 2 được xây dựng mang theo lũ lụt và cả nỗi bức xúc.

Gia đình anh Nguyễn Văn Dung, thuộc diện hộ cận nghèo của thôn Bình Vàng. Anh Dung cho biết, từ năm 2017 đến nay mùa mưa năm nào gia đình anh cũng sống trong cảnh ngập úng. Năm 2020 nước ngập đến tận nhà. Nước đập thủy điện dâng càng khiến việc canh tác, sản xuất của gia đình anh gặp khó khăn. 1 mảnh ruộng hơn 100m2 đành phải bỏ hoang vì có trồng cũng không nên ăn  còn mảnh hơn 2.000m2 thì năng suất phập phù vì bị ngập úng ảnh hưởng.

33-1627701293.jpeg

Do thường xuyên bị ngập úng nên một số diện tích ruộng của người dân thôn Bình Vàng phải bỏ hoang. Ảnh: Đào Thanh.

Con đê ngăn nước đảm bảo an toàn hồ đập công trình Thủy điện sông Lô 2 có 1 con suối nhỏ dẫn nước đảm bảo tưới tiêu cho các hộ dân thôn Bình Vàng canh tác. Hai bên bờ suối được kè đá, nhưng phía bên đê của Thủy điện sông Lô 2 được kè đá còn kiên cố, chưa thấy dấu hiệu xuống cấp, còn phía bờ ruộng của người dân thì sạt lở nghiêm trọng. Có khu vực sạt lở kéo dài cả mấy chục mét.

Ông Hoàng Văn Châm người dân trong thôn Bình Vàng dẫn tôi đi trên bờ đê rồi chỉ từng đoạn kè bị xuống cấp. Có đoạn xoáy sâu, kéo dài cả vài chục mét trong nhiều năm chưa thấy phía chủ đầu tư Thủy điện sông Lô 2 gia cố sửa chữa. Riêng tại gia đình ông Châm đầu vụ trồng ngô năm nay, khi đang cầy đất bằng máy, bỗng dưng khu đất cạnh bờ suối lở khiến cả người, cả máy lao xuống sát chân suối. May ông Châm không bị thương nặng, nhưng phải huy động thêm người nhà mới lôi được chiếc máy cầy mini lên bờ được.

32-1627701293.jpeg

Những đoạn kè đá bị xuống cấp nghiêm trọng khiến đất sản xuất của người dân thôn Bình Vàng sạt lở ngày càng nghiêm trọng mỗi khi mùa lũ đến. Ảnh: Đào Thanh.

Không những thế, đoạn bờ kè xây khu nhà ở của cán bộ, công nhân viên Thủy điện sông Lô 2 sạt lở vào ruộng gia đình ông Châm từ năm 2020 đến nay khiến hàng trăm mét đất ruộng của gia đình ông Châm không thể canh tác 3 vụ. Dù ông Châm đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền và yêu cầu công ty thực hiện biện pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ động thái nào của công ty.

Theo những người dân thôn Bình Vàng thì phía doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã đến khảo sát và đo mức độc thiệt hại và yêu cầu cách 10, 20m khu sạt lở người dân không canh tác sợ gây ảnh hưởng. Thế nhưng việc đền bù thiệt hại thì không thấy phía doanh nghiệp tính đến. Trong khi đó, người dân thôn Bình Vàng sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Cây lúa, cây ngô là nguồn lương thực chính đảm bảo cuộc sống của họ.

35-1627701293.jpeg

Bờ kè đá của công trình Thủy điện sông Lô 2 bị lở khiến hàn

Ông Hoàng Văn Viên, Trưởng thôn Bình Vàng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên cho biết, toàn thôn có 78 hộ, trong đó 16 hộ nghèo. Việc xây dựng và vận hành sản xuất của công trình Thủy điện sông Lô 2 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nhất là đoạn kè chân đê thủy điện thuộc phần đất soi bãi, ruộng của hộ dân nếu không sửa chữa kịp thì thời cả chục ha đất ruộng, soi bãi của bà con sẽ trôi theo.

Sai phạm liên miên từ dự án Thủy điện sông Lô 2

Hà Giang là một trong những tỉnh được cấp phép xây dựng thủy điện nhiều nhất cả nước. Bên cạnh mặt tích cực thì không ít người dân nơi đây khổ  vì thủy điện. Thủy điện Sông Lô 2, là một trong những công trình khiến người dân nơi đây khổ sở.

Công trình Thủy điện Sông lô 2 được phê duyệt quy hoạch theo Quyết định số 3367 ngày 14/9/2009 của UBND tỉnh Hà Giang với công suất lắp máy 21 MW. Ngày 29/1/2010, UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định 421 điều chỉnh quy mô công suất lên 27 MW. Ngày 28/6/2016, Bộ Công thương có quyết định 2640 điều chỉnh quy hoạch nâng công suất nhà máy lên 28 MW. Công trình này được khởi công xây dựng từ 2/4/2015 và hoàn thành đưa vào vận hành ngày 30/1/2018.

Tại Kết luận thanh tra số 77, ngày 29/4/2020 của UBND tỉnh Hà Giang đã nêu ra hàng loạt những sai phạm, khuyết điểm của dự án Thủy điện sông Lô 2 liên quan đến 2 chủ đầu tư là Công ty TNHH Thanh Bình và Công ty TNHH Thủy điện sông Lô 2.

Cụ thể, chủ đầu tư triển khai thực hiện xây dựng công trình chậm tiến độ 2 năm so với Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp ban đầu. Nguyên nhân do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm; trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ báo cáo định kỳ về hoạt động đầu tư đối với cơ quan nhà nước; xây dựng công trình quan trắc 3 tầng, 8 gian kết cấu bê tông cốt thép khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về lĩnh vực đất đai, tài nguyên Kết luận số 77 có nêu: Chủ đầu tư đã xây dựng đập tràn và đập dâng bờ phải, tích nước vận hành hồ chứa khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền, vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 12, Luật đất đai năm 2013.

Việc vận hành phát điện thương mại công trình nhưng chưa được cơ quan nhà nước cấp phép khai thác mặt nước vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 44, Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Ngày 4/1/2021, tại cổng nhà máy Thủy điện sông Lô 2, các hộ dân xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, đã  căng băng zôn, khẩu hiệu với nội dung: “Chúng tôi yêu cầu Công ty Thủy điện sông Lô 2 giải quyết dứt điểm những thiệt hại về nhà cửa, đất đai, hoa màu, mà công ty thủy điện đã gây ra.”

Công trình Thủy điện sông Lô 2 đã lấy đi hơn 470.900m2 đất của nhà nước và nhân dân, trong đó không ít diện tích đất trên là đất phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân huyện Vị Xuyên. Để đánh đổi lại giá trị to lớn đó là hàng loạt những sai phạm mà ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án chủ đầu tư đã mắc phải và dần được hợp thức hóa; đổi lại là nỗi ám ảnh về lũ lụt, sản xuất không an toàn và thiếu tư liệu sản xuất của người dân.

 

Bạn đang đọc bài viết "‘Bóp cổ’ sông Lô: Doanh nghiệp chây ỳ, người dân sống khổ" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.