Mua đấu giá 1.353 tỷ, mất thêm hàng nghìn tỷ vì tranh chấp
“Vụ án Hòa Lân” đã trở thành từ khóa nóng bỏng năm 2020 khi TAND quận 7, TP Hồ Chí Minh xét xử vụ án này từ tháng 3/2020 đến cuối năm 2020 mới kết thúc. Kết quả, Tòa án bác yêu cầu hủy kết quả đấu giá mà Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) đã yêu cầu trong đơn khởi kiện. Công ty Kim Oanh thở phào nhẹ nhõm vì đã không bị “cướp” mất dự án mà Công ty đã trúng đấu giá.
Xin được nhắc lại, khi khởi kiện vụ án này thì Công ty Thiên Phú chỉ là công cụ để một số cá nhân cạnh tranh với Công ty Kim Oanh sử dụng nhằm mục đích đòi lại dự án Khu dân cư Hòa Lân của Công ty Thiên Phú.
Bằng cách sử dụng Công ty Thiên Phú để khởi kiện nhằm đoạt lại dự án, sau đó những người dàn dựng kịch bản này mua lại Công ty Thiên Phú từ ông Bùi Thế Sơn, qua đó chiếm lấy dự án bất động sản có vị trí ở giữa TP Thủ Dầu Một và TP Hồ Chí Minh.
Vào giai đoạn cuối cùng của vụ án, khi TAND quận 7 chuẩn bị kết thúc phiên tòa, đã có nhiều thay đổi trong vụ kiện này khi ông Bùi Thế Sơn, người nắm giữ 99% vốn góp của Công ty Thiên Phú và là người đại diện theo pháp luật của Công ty đã trực tiếp rút đơn khởi kiện.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của ông Bùi Thế Sơn cũng đã rút đơn khởi kiện và bác bỏ tư cách của người đứng đơn khởi kiện, khiến cho việc những cá nhân mượn danh Công ty Thiên Phú để khởi kiện không còn lý do để theo đuổi vụ kiện. Trước sự việc này, các bên tranh chấp cũng đã hòa giải và thống nhất chấm dứt việc kiện tụng tại tòa.
Do vậy, khi vụ án được chuyển lên cấp phúc thẩm, tất cả các kháng cáo của các đương sự đã được rút trước khi mở phiên tòa. Chỉ duy nhất kháng cáo của Ngân hàng NN và PTNT về việc tính lãi suất đối với khoản vay của Công ty Thiên Phú là được xem xét.
Có thể nói vụ án đã được khép lại vì các đương sự đã hòa giải và rút đơn khởi kiện, rút đơn kháng cáo. Điều này đồng nghĩa với việc không có đương sự nào khiếu nại yêu cầu giám đốc thẩm vụ án này.
Nhiều dấu hỏi lớn đối với kháng nghị cấp tốc của VKSND cấp cao
Công ty Kim Oanh là doanh nghiệp đã bỏ ra 1.353 tỷ đồng để mua đấu giá quyền sử dụng đất dự án khu dân cư Hòa Lân, nhưng đến nay ước tính thiệt hại lên đến khoảng gần 3 nghìn tỷ đồng do vướng vào tranh chấp.
Với kết quả giải quyết vụ án, nhất là sự hòa giải của các bên liên quan, Công ty Kim Oanh đã chịu thiệt nhưng vẫn còn hy vọng khi nhận được quyền sử dụng đất để phát triển dự án.
Song, sự can thiệp của một số cơ quan, tổ chức không phải là đương sự liên quan đến dự án này lại tiếp tục là nỗi ám ảnh kinh hoàng của Công ty. Lần này là Tạp chí điện tử kinh tế Chứng khoán Việt Nam.
Theo tài liệu mà Báo Pháp luật Việt Nam có, ngày 21/5/2021, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu TAND TP Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ “Vụ án Hòa Lân” để xem xét vì cơ quan này nhận được đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của Tạp chí điện tử kinh tế Chứng khoán Việt Nam.
Tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam thuộc Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam, được cấp giấy phép hoạt động ngày 21/2/2020. Tạp chí này không phải là đương sự của vụ kiện mà Công ty TNHH Thiên Phú là nguyên đơn.
Tuy nhiên, chưa rõ căn cứ nào mà Tạp chí này lại có văn bản yêu cầu VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị vụ án mà tổ chức này không phải là đương sự.
Sau đúng một tháng sau khi phát hành công văn gửi TAND TP Hồ Chí Minh, ngày 22/6/2020, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định kháng nghị số 174, kháng nghị đối với bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24/3/2021 của TAND TP Hồ Chí Minh.
Việc VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị cấp tốc đối với bản án phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh đặt ra nhiều vấn đề, trong đó không loại trừ những dấu hỏi về động cơ, mục đích và tính hợp pháp của việc kháng nghị.
Thứ nhất, trong vụ kiện đình đám này, các đương sự đã hòa giải thành và không còn kiện nhau nữa. Việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện và rút đơn kháng cáo là bằng chứng cho thấy, việc dân sự “cốt ở hai bên” và các bên đã không khởi kiện nữa thì mọi vụ án phải được đình chỉ. Do đó, sẽ không có bất cứ đương sự nào khiếu nại yêu cầu giám đốc thẩm. Vì sao VKSND cấp cao lại kháng nghị?
Thứ hai, chỉ đương sự trong vụ kiện dân sự mới có quyền yêu cầu kháng nghị, cung cấp chứng cứ. Tổ chức, cá nhân không phải là đương sự thì đương nhiên không có có quyền này.
Tạp chí điện tử kinh tế Chứng khoán Việt Nam không phải là đương sự, không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tổ chức này cũng không đại diện cho quyền lợi của nhà nước hay các cá nhân mà theo quy định của pháp luật cần có người đại diện. Việc gửi văn bản yêu cầu kháng nghị một vụ án kinh doanh thương mại cũng không nằm trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí này.
Nhưng không hiểu căn cứ nào, cả cơ quan ban hành quyết định kháng nghị và cơ quan đề nghị kháng nghị lại rất nhiệt tình trong việc kháng nghị vụ án mà chính các đương sự đã hòa giải thành với nhau.
Đây là điều rất bất thường của vụ việc. Chia sẻ với phóng viên, bà Đặng Thị Kim Oanh, cổ đông của Công ty Kim Oanh cho biết, Công ty đã nhiều lần gặp nạn như tình huống này và những việc mà các cơ quan này làm là hoàn toàn mang mục đích cá nhân, không phải vì lợi ích của Nhà nước như cách diễn giải bất thường của họ.
Hiện nay, Công ty Kim Oanh tiếp tục gánh chịu thiệt hại với số tiền ước tính mỗi ngày khoảng 5 tỷ đồng. Với việc kháng nghị bất thường này, dù muốn hay không thì những người đang thực hiện việc làm này cũng gây ra thiệt hại ngàn tỷ đối với doanh nghiệp.
Còn vô số những điều bất hợp lý và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc ban hành kháng nghị cấp tốc của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đối với vụ án Hòa Lân, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.