Theo luật sư, Quyết định giao 19ha đất lúa cho doanh nghiệp theo hợp đồng BT của Bắc Ninh đã được chấp thuận chủ trương từ trước đó nên không cần phải xin phép Thủ tướng.
Theo Quyết định số 158/QĐ-UBND ngày 5/5/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành việc giao đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư Nhà và Thương mại Hưng Ngân (Công ty Hưng Ngân). Quyết định nêu rõ, Công ty Hưng Ngân được giao hơn 22,78ha đất (đã thực hiện xong bồi thường, GPMB) để xây dựng Khu đô thị và dịch vụ phía Tây thị trấn Chờ, phân khu A - Khu 3.
Khu đất này nằm tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, được dùng để hoàn trả vốn đối ứng cho dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp TL286 đoạn từ thị trấn Chờ đến cầu Đò Lo, huyện Yên Phong theo hình thức Hợp đồng BT (đợt 1).
Trong đó, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với 539 lô đất ở có diện tích 6,05ha, thời hạn 50 năm; giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với 16,7ha gồm đất quảng trường, đất cây xanh, mặt nước và hạ tầng kỹ thuật.
Liên quan đến việc UBND tỉnh Bắc Ninh giao hơn 22ha đất cho Công ty Hưng Ngân (tại Quyết định số 158/QĐ-UBND ngày 5/5/2020) để thực hiện dự án, trong đó có hơn 19ha là đất lúa, nhiều ý kiến cho rằng việc giao đất lúa cần phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời Reatimes liên quan đến vấn đề này, ông Nghiêm Đình Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho hay, dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây thị trấn Chờ, phân khu A, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 3/2017 với diện tích 246,36ha. Dự án Khu đô thị phía Tây thị trấn Chờ, phân khu A - Khu 3 với diện tích 75ha nằm trong tổng thể dự án đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017.
Như vậy, dự án này trước đó đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư nên việc UBND tỉnh Bắc Ninh giao hơn 19ha đất lúa là phù hợp với quy định tại Điều 58 Luật Đất đai năm 2013.
Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way cũng cho rằng, việc giao quỹ đất đối ứng theo Hợp đồng BT phải được chấp thuận chủ trương từ trước. Căn cứ từ chủ trương, phía cơ quan quản lý Nhà nước mới ban hành đưa ra Quyết định thực hiện dự án.
Đồng quan điểm đó, luật sư Nguyễn Sơn Tùng, luật sư điều hành Công ty Luật Legal United Law nhấn mạnh, dự án BT sẽ phải có chủ trương chấp thuận đầu tư đầu tiên. Tuỳ quy mô và đặc thù mà dự án BT sẽ thuộc thẩm quyền của các cấp khác nhau phê duyệt bao gồm: do Thủ tướng, Quốc hội hoặc cấp tỉnh thực hiện. Thế nên, việc giao đất cho doanh nghiệp sau khi hoàn thành dự án BT đã được xác định từ thời điểm ký hợp đồng.
Đối với đất lúa giao cho doanh nghiệp, diện tích phải lớn và liên quan đến vấn đề an ninh lương thực mới cần xin phép Thủ tướng.
Các luật sư đều đồng quan điểm cho rằng, với thông tin đăng tải như hiện nay, việc Bắc Ninh giao 19ha đất lúa cho doanh nghiệp để thực hiện dự án khi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án Khu đô thị phía Tây thị trấn Chờ, phân khu A - Khu 3 được UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 9/2/2018. Tổng diện tích khu đất là 246,36ha, trong đó diện tích của dự án là 75,01ha. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 3.569 tỷ đồng.
Tiến độ xây dựng dự án đến năm 2025, trong đó: Giai đoạn 1 xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ năm 2018 - 2022, với tổng vốn đầu tư hơn 903 tỷ đồng; Giai đoạn 2 xây dựng công trình kiến trúc từ năm 2019 - 2025, với tổng vốn đầu tư hơn 2.956 tỷ đồng.
Dự án là để hoàn vốn đối ứng cho Công ty Hưng Ngân xây dựng cải tạo gần 4km đường TL 286.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp TL 286 đoạn từ thị trấn Chờ đến cầu Đò Lo thuộc huyện Yên Phong được triển khai theo hình thức BT với tổng kinh phí hơn 277 tỷ đồng, có chiều dài gần 4km. Công trình được khởi công từ tháng 9/2015, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2018.