Thách thức lớn nhất là nguồn kinh phí để xây dựng TP Thủ Đức.
Tại buổi tọa đàm "Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa TP Thủ Đức - TP Sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình" - do Báo Sài Gòn Giải Phóng - Đầu tư tài chính tổ chức sáng 4-9 tại TP HCM, các chuyên gia đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan quy hoạch, nguồn lực tài chính và cả việc chống đầu cơ đất đai để có được một TP Thủ Đức đáng sống trên nền tảng phát triển xanh, bền vững.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc Phát triển Đô thị TP HCM, người điều hành tọa đàm, cho biết ý tưởng hình thành TP phía Đông thực ra đã có cách đây 10 năm. Gần đây, Đảng bộ TP HCM khóa X tiếp tục đề xuất hợp nhất 3 quận gồm 2, 9 và Thủ Đức thành TP loại I trực thuộc TP HCM, tạm gọi là TP Thủ Đức. Mục đích nhằm tạo động lực phát triển cho TP HCM nói riêng, khu vực miền Đông và cả nước nói chung theo hướng kinh tế tri thức, sáng tạo và công nghệ. Kỳ vọng khi TP Thủ Đức hình thành sẽ đóng góp 1/3 kinh tế cho TP HCM tức khoảng 7% GDP của cả nước.
Theo ông Hòa, TP đang trưng cầu ý kiến, hiến kế, phản biện từ các nhà khoa học và chuyên gia để bảo đảm thành công khi trình đề án. Việc cần trao đổi chủ yếu tập trung tính pháp lý; tổ chức không gian; văn hóa xã hội; kinh tế tài chính và lộ trình thực hiện…
Ủng hộ việc thành lập TP Thủ Đức ở phía Đông TP HCM, song TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP, cho rằng trước tiên phải nhận diện những khó khăn, thách thức để có giải pháp vượt qua. "Về mặt luật pháp, TP trực thuộc tỉnh là huyện, vậy TP trực thuộc TP là cấp gì? Chưa kể, hàng loạt chính sách, tài chính đi theo. Do đó, theo tôi nên đặt ra và so sánh giữa phương án lập 1 đơn vị hành chính TP và phương án khác không lập 1 đơn vị hành chính hay vẫn là 3 đơn vị hành chính nhưng có 1 cơ quan phát triển chung, do TP trực thuộc chỉ đạo. Từ đó sẽ tìm ra mô hình tổ chức phù hợp để triển khai kế hoạch này" - TS Võ Kim Cương đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất là kinh phí ở đâu để xây dựng TP Thủ Đức? Theo TS Võ Kim Cương, trong nguyên lý đô thị, đô thị sinh ra từ đất, tức là khai thác quỹ đất và cứ thế phát triển cơ sở hạ tầng dần dần lên. Tuy nhiên, đất đai ở khu vực này đang có tình trạng đầu cơ nên khai thác như thế nào là điều không dễ dàng.
Với cương vị là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, GS Trần Ngọc Thơ nhấn mạnh đến nguồn lực tài chính. Có nhiều ý kiến đề cập quỹ đất nhưng theo GS Trần Ngọc Thơ, quỹ đất là hữu hạn, trong khi nguồn tài chính, ý tưởng sáng tạo bất tận luôn là cơ hội mới tạo ra liên tục, nhất là sau đại dịch Covid-19. Có nghĩa nguồn lực phải đến từ chính sách tạo môi trường đẳng cấp quốc tế cao nhất, luật tư pháp độc lập, đồng tiền phải chuyển đổi được hay ít nhất phải có khu kinh tế đặc biệt, khu tài chính đặc biệt, cho phép dòng vốn nước ngoài chuyển ra chuyển vào một cách tự do… Tóm lại, chúng ta cần môi trường và thể chế pháp lý để thu hút đầu tư.
Tuy vậy, GS Trần Ngọc Thơ cũng lưu ý luồng vốn chảy ra chảy vào cho các trung tâm này được tự do hóa, tự do chuyển đổi thế nào, đánh thuế thế nào, được quản lý, bảo mật ra sao? Những vấn đề này không chỉ liên quan đến tài chính ngân hàng mà còn dính đến an ninh quốc gia. Do đó, dự án TP Thủ Đức phải được đặt trong tổng thể cả chiến lược quốc gia.
Cũng băn khoăn về vấn đề nguồn lực tài chính, ThS-KTS Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết đơn vị được TP giao làm 3 việc lớn là lập chương trình phát triển đô thị TP phía Đông song hành chương trình phát triển đô thị TP đến năm 2025 tầm nhìn 2050; chuẩn bị nội dung đề án thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức; thực hiện đề án đề nghị công nhận khu vực phát triển đô thị tại 3 quận này thuộc TP HCM đạt tiêu chí loại I.
Hiện Sở Xây dựng đang lập đề cương nên sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến đóng góp cho nhiều vấn đề, trong đó có tài chính. Theo đó, phải xác định danh mục lộ trình phát triển của các khu vực phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025 với những mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu, các nhu cầu đầu tư. Kế hoạch huy động vốn cụ thể từng giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, các giải pháp nguồn vốn, chính sách, quản lý…
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), bày tỏ lo ngại về tình trạng đầu cơ, thổi giá, phân lô bán nền tràn lan hiện nay tại các quận dự kiến hợp nhất thành TP Thủ Đức. Theo ông, đây đang là rào cản lớn trong việc quy hoạch TP mới này.
Để tháo gỡ, ông Châu kiến nghị chính quyền TP cần có giải pháp để tạo cơ hội cho người dân sống lâu năm ở khu vực này phải được hưởng lợi trước nhất, tránh để họ bán "lúa non". Đồng thời, tạo ra quỹ đất lớn đón các nhà đầu tư tầm cỡ nhằm phát triển những dự án mang tính đồng bộ, có tiềm năng để góp phần thúc đẩy phát triển chung của TP mới. Đặc biệt, cần sớm công bố các thông tin quy hoạch thật nhanh, đầy đủ, chi tiết và công khai để người dân nắm càng nhanh càng tốt, hạn chế việc đầu cơ, gây sốt đất ảo.
Thực hiện với quyết tâm cao nhất
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết lãnh đạo TP đang thực hiện đề án với quyết tâm cao nhất vì cần tìm những giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của TP, tiếp tục tạo ra sự phát triển bền vững cũng như tiếp tục nâng cao khả năng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Dù đề án này có được Chính phủ thông qua hay không thì mục tiêu quan trọng nhất của TP vẫn là tạo một môi trường sống thật tốt cho người dân, tạo ra cơ chế để có thể phát triển tốt nhất của khu vực đặc biệt này vì nó có vị trí địa lý, có giá trị về lịch sử, giá trị về văn hóa... "TP HCM mong muốn bảo vệ đề án với trung ương để thành lập TP trong TP. Được hay không thì chúng ta vẫn phải đặt mục tiêu phát triển khu vực này bền vững, đáng sống dù với tên gọi thế nào" - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.