Sở Y tế Thái Bình yêu cầu Công ty TNHH dược phẩm Mailisa Group tạm dừng sản xuất sản phẩm mỹ phẩm

26/07/2021 22:40

Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Dược phẩm Mailisa Group phải tạm dừng sản xuất sản phẩm mỹ phẩm do có nhiều dấu hiệu sai phạm.

Sở Y tế và Ban QL khu kinh tế và công nghiệp yêu cầu tạm dừng sản xuất, tháo dỡ biển tên!

Liên quan đến những lùm xùm của Công ty CP khoáng sản Tây Bắc khi liên kết với Công ty TNHH dược phẩm Mailisa Group có địa chỉ tại Lô D khu công nghiệp Phúc Khánh, phường Phú Khánh, TP Thái Bình khi liên kết sản xuất thực phẩm mỹ phẩm không đúng chủ trương đầu tư.

Ngay sau khi Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh thông tin, ngày 29/06/2021, Sở Y tế Thái Bình đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Dược phẩm Mailisa Group (Công ty Mailisa xác định nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất.

91-1627274523.jpeg

Địa điểm sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm Mailisa tại đường Trần Thị Dung, Thái Bình

Đồng thời, Công ty không đạt quy định về việc “có bộ phận kiểm tra chất lượng nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm”.

Không những thế, Ban quản lý Khu kinh tế và Các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu Công ty Khoáng sản Tây Bắc chấm dứt ngay hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất các sản phẩm với Công ty Mailisa do không đúng mục tiêu đăng ký.

Ngoài ra các đơn vị phải tháo gỡ ngay biển tên của Công ty Mailisa tại khu công nghiệp Phúc Khánh.

92-1627274523.jpg

Công văn chỉ đạo của Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh ngày 2/7/2021

Ngày 23/7/2021, Sở Y tế Thái Bình ban hành văn bản số 1460/SYT-NVD gửi Công ty Mailisa. Theo đó, Sở Y tế cho biết căn cứ biên bản ngày 20/7/2021 của Đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc tại Khu công nghiệp Phúc Khánh, Thái Bình, trong đó có nội dung hoạt động liên doanh liên kết với Công ty Mailisa.

Sở Y tế có ý kiến như sau: Yêu cầu Công ty Mailisa tạm dừng hoạt động sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm trên dây chuyền sản xuất đã được Sở Y tế Thái Bình cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm kể từ ngày 23/7/2017 cho đến khi hoạt động liên doanh, liên kết được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

“Sở Y tế yêu cầu Công ty Mailisa thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp công ty vẫn tiếp tục sản xuất mỹ phẩm kể từ ngày 23/7/2021”- Sở Y tế Thái Bình nêu rõ.

93-1627274523.jpg

Văn bản của Sở Y tế Thái Bình yêu cầu Công ty Mailisa tạm dừng sản xuất.

Trước đó, liên quan đến quá trình sản xuất của Công ty Mailisa, ngày 05/7/2021, tại báo cáo số 1241/SY-NVD, Sở Y tế Thái Bình còn cho biết, Công ty Mailisa không cung cấp được Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, Sở Y tế cũng ghi nhận hiện Công ty Mailisa có tới 6 sản phẩm không phải là mỹ phẩm bao gồm: Đệ nhất dạ dày,  Đệ nhất Gout, Tinh chất đệ nhất khớp, Thảo dược ngâm chân, Mộc sơn trà (tất cả đều được phân phối bởi Công ty TNHH Dược phẩm Sơn Cước) và tinh dầu chàm Phát Lộc.

94-1627274523.jpg

Một số sản phẩm được Công ty Mailisa sản xuất và được Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Thái Bình xác nhận công bố để cho Công ty dược phẩm Mailisa sản xuất cho Công ty TNHH dược phẩm Sơn Cước phân phối tung hô ra ngoài thị trường như một thần dược.

Hiện trên bao bì của những sản phẩm này đang được in quảng cáo, giới thiệu như “thần dược” có thể điều trị các loại bệnh và được Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Chi cục) của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình (KH&CN) tiếp nhận công bố sản phẩm.

Trước việc in trên bao bì công dụng của các sản phẩm, dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi, Công ty Mailisa đang sản xuất 6 loại sản phẩm không phải là mỹ phẩm nhưng lại quảng cáo có nhiều công dụng như…thuốc chữa bệnh vậy thực chất đây là thuốc hay thực phẩm chức năng.

Trong khi, Công ty Mailisa hoàn toàn không cung cấp được các giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GMP. Đồng thời, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thái Bình có cấp phép cho sản phẩm của Công ty Mailisa đủ tiêu chuẩn chất lượng để đơn vị này quảng cáo trên bao bì tạo lòng tin với người tiêu dùng ?

Ngày 13/7/2021, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình đã có văn bản số 282/SKHCN-TĐC gửi Sở Y tế Thái Bình.

Theo đó, Sở KH&CN khẳng định: Thời gian qua, Chi cục nhận được công văn của Công ty Mailisa đề nghị xem xét và cho ý kiến góp ý hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp đụng đối với một số sản phẩm của công ty đã xây dựng.

95-1627274523.jpg

96-1627274523.jpg

Giấy xác nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng do ông Phí Văn Chinh, Chi cục trưởng chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở KH&CN tỉnh Thái Bình ký tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng cáo các sản phẩm của Mailisa như một thần dược có đầy đủ hồ sơ giấy tờ của cơ quan chức năng

Căn cứ vào hồ sơ của Công ty Mailisa gửi tới và chức năng nhiệm vụ, Chi cục đã có văn bản xác nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng do doanh nghiệp tự nguyện áp dụng.

Nội dung xác nhận của Chi cục “ghi nhận sự cam kết của doanh nghiệp, không có giá trị chứng nhận cho sản phẩm hàng hoá phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm, hàng hoá do mình cung ứng”.\

97-1627274524.jpg

Một số sản phẩm do Công ty TNHH dược phẩm Mailisa Group sản xuất được phân phối độc quyền bởi Công ty TNHH dược phẩm Sơn Cước không có trong danh mục sản xuất mỹ phẩm của Sở Y tế tỉnh Thái Bình và sử dụng giấy tiếp nhận công bố trên bao bì sản phẩm không có giá trị pháp lý.

Đồng thời “Chi cục không cấp phép về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho Công ty Mailisa. Như vậy, nếu Công ty Mailisa sử dụng văn bản xác nhận của Chi cục để in trên bao bì sản phẩm bán ra thị trường thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm nêu trên”- văn bản của Sở KH&CN Thái Bình khẳng định.

Các cơ quan chức năng nói gì về những sai phạm của Mailisa Group?

Ngày 15/7, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN Thái Bình khẳng định, Sở chỉ xác nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng do doanh nghiệp đề xuất và tự nguyện áp dụng.

Giấy xác nhận này hoàn toàn không có giá trị pháp lý để chứng nhận cho sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng. “Việc doanh nghiệp in trên bao bì sản phẩm có giấy tiếp nhận công bố do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở KH&CN Thái Bình cấp là có dấu hiệu vi phạm nhãn mác và “lợi dụng” cơ quan chức năng để quảng cáo”- đại diện lãnh đạo Sở KH&CN Thái Bình khẳng định.

98-1627274524.jpg

Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thái Bình, nơi xảy ra sự việc Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp giấy xác nhận công bố để cho doanh nghiệp lợi dụng sản xuất quảng cáo mỹ phẩm có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng

Trước câu hỏi về việc có đề xuất thu hồi sản phẩm khi quảng cáo có dấu hiệu vi phạm nhãn mác hay không, đại diện Sở KH&CN cho biết hiện tại sản phẩm lưu hành trên thị trường là không đúng rồi, phía Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ sự việc này.

Ở một diễn biến khác trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam vào chiều ngày 23/7, ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết: “Ban quản lý khu công nghiệp mời liên ngành đến họp.

Trên cơ sở nội dung cuộc họp bên anh (tức Sở y tế -PV) đề nghị Công ty TNHH dược phẩm Mailisa Group tạm dừng hoạt động không phải vì vấn đề vi phạm do bên anh quản lý mà liên quan đến đất đai khi hai Công ty tiến hành hợp đồng với nhau chưa thống nhất với Ban quản lý khu công nghiệp. Chứ không liên quan gì đến bên anh cả...”.

99-1627274524.jpg

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình. (Ảnh Đại học Y dược Thái Bình).

Tuy nhiên theo tài liệu của PV Báo Pháp luật Việt Nam thì tại văn bản số 1241/SY-NVD của Sở Y tế tỉnh Thái Bình do ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Sở Y tế ký ngày 5/7/2021 lại khẳng định: trên cơ sở thực tế tại thời điểm thẩm định của Công ty TNHH dược phẩm Mailisa Group về nhân sự, cơ sở vật chất, hệ thống quản lý chất lượng đã đáp ứng theo quy định tại Điều 4, nghị định số 93/2016NĐ-CP ngày 1/7/2016 và nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ.

Trong khi đó, tại biên bản kiểm tra của Ban quàn lý khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Thái Bình lại ghi rất rõ ngày 20/4/2021 về tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty Tây Bắc“Từ khi triển khai dự án đến nay, Công ty vẫn chưa đi vào hoạt động theo mục tiêu đầu tư đăng ký.”.

Không chỉ có vậy, Đoàn kiểm tra xác định dự án tạm ngừng thực hiện mục tiêu đầu tư chế biến Artemisinin từ lá thanh hao hoa vàng.

Hiện tại, Công ty đang thực hiện liên doanh, liên kết với Công ty TNHH Dược phẩm Mailisa Group theo Hợp đồng số 01/2020/HĐHT ký ngày 1/6/2020 để thực hiện sản xuất tinh dầu không đúng với giấy chứng nhận đầu tư mà UBND tỉnh đã cấp.

Thêm vào đó, kiểm tra hồ sơ và hiện trạng tại Công ty Tây Bắc, Đoàn kiểm tra xác định Công ty này còn xây dựng 2 công trình, mỗi công trình diện tích khoảng 180m2 chưa có giấy phép xây dựng.

Hay trong chính biên bản kiểm tra của Sở Y tế Thái Bình đã xác định nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm của Công ty Mailisa Group chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất

910-1627274524.jpeg

Biên bản kiểm tra hoạt động sản xuất mỹ phẩm của Sở Y tế tỉnh Thái Bình đối với Công ty Mailisa Group

Đồng thời, công ty không đạt quy định về việc “có bộ phận kiểm tra chất lượng nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm”.

Thế nhưng trước đó không hiểu ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã căn cứ vào đâu để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm mỹ phẩm cho Công ty TNHH dược phẩm Mailisa Group địa chỉ Đường Trần Thị Dung, KCN Phúc Khánh, phường Phú Khánh, TP Thái Bình đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm với dây chuyền sản xuất, dây chuyền đóng gói sản phẩm, sản xuất bán thành phẩm dạng ướt, sản xuất thành phẩm dạng ướt vào ngày ngày 22/4/2020 có đúng với các quy định của nghị định số 93/2016NĐ-CP ngày 1/7/2016 và nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ.

Hơn nữa, việc Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình  xác nhận hồ sơ tiêu chuẩn công bố không có giá trị chứng nhận cho sản phẩm hàng hoá phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng lại làm bình phong để cho doanh nghiệp này sản xuất, quảng cáo ghi trên bao bì hàng loạt sản phẩm là tiếp nhận công bố ở Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng có dấu hiệu để lừa dối người tiêu dùng.

Đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Bình, Công an tỉnh Thái Bình chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành vào cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất cũng như hoạt động quảng cáo hàng loạt sản phẩm do Công ty TNHH dược phẩm Mailisa Group có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng và xử lý nghiêm những tập thể cá nhân đang tiếp tay cho những sai phạm (nếu có) đảm bảo tính mạng của người tiêu dùng nói chung và người dân ở tỉnh Thái Bình nói riêng.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Quốc Bảo/Pháp luật plus
Bạn đang đọc bài viết "Sở Y tế Thái Bình yêu cầu Công ty TNHH dược phẩm Mailisa Group tạm dừng sản xuất sản phẩm mỹ phẩm" tại chuyên mục Y tế. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.