Không có môi trường hay công việc nào ổn định mãi mãi, chỉ có năng lực và giá trị của bạn mới là chìa khóa cố định, giúp bạn tiến xa trên con đường thành công.
Khi còn trẻ, có nên làm shipper giao hàng hay nhân viên phục vụ không?
Mỗi người lại có cách suy nghĩ và câu trả lời khác nhau. Nhưng nhìn chung, nghề nghiệp không phân chia sang hèn. Bất luận chúng ta làm việc trong ngành nào, ở vị trí nào đi nữa, quan trọng nhất vẫn là tâm thái mà bạn đối mặt với công việc của mình. Đó mới là điều sẽ quyết định thành tựu tương lai của bạn.
Cảm thấy áp lực liền từ chức?
Trong một lần ra đường, anh A gọi một chiếc taxi và gặp ngay người bạn cũ thời đại học của mình là B đang làm lái xe. Từ lúc tốt nghiệp tới giờ, họ đã không gặp nhau cả chục năm.
Trước đó, khi còn ở trường, hai người từng không ít lần nói chuyện. B từng chia sẻ, lý tưởng của mình là tự mình điều hành một công ty cho thuê xe hơi. Nhưng sau khi tốt nghiệp, không có tài chính trong tay, lại vì áp lực cuộc sống, B quyết định cứ tạm làm nghề lái xe taxi trước.
Lúc đó, B chỉ nghĩ rằng, mình sẽ làm “tạm thời” mà thôi. Trong kế hoạch của mình, B muốn trước tiên ở vào vị trí các tài xế để hiểu được tâm lý và nhu cầu thuê ô tô.
Sau đó, B cũng kể rằng, khoảng thời gian trước 30 tuổi, anh cũng đổi việc nhiều lần. Lúc đó còn cảm thấy “nhảy việc” là chuyện hết sức đơn giản. Nếu việc này làm không thích thì đổi một việc khác tốt hơn. Ngành nghề nào áp lực quá thì lại đổi sang cái khác.
Cứ như vậy, thời gian trôi qua cũng gần 6-7 năm. Tới khi 30 tuổi rồi, B muộn màng phát hiện rằng, những kỹ năng chuyên môn mà mình được đào tạo bài bản đã gần như “rơi rụng” hết. So với những lao động trẻ mới ra trường gần đây, anh gần như chẳng có gì ngoại trừ thâm niên lăn lộn trong xã hội cả.
B nói: “Đi xin việc trợ lý công tác thì bị chê quá già, đi làm nghiệp vụ thì phải gọi mấy đứa nhỏ tuổi hơn mình là sếp, đi bằng quan hệ thì lại ngại ngùng, không dám mở miệng nhờ vả. Đến cuối cùng, đến cơ hội được gọi đi phỏng vấn sau khi nộp đơn ứng tuyển cũng không có. Rõ ràng là ở độ tuổi trẻ trung, khỏe mạnh, tứ chi kiện toàn, nhưng lại không kiếm được vị trí nào ra hồn cả. Thế là tôi lại trở về đăng ký lái xe taxi, ít nhất còn kiếm được miếng cơm manh áo, nuôi gia đình ở nhà, chứ biết làm sao bây giờ…”
Giọng của B lạnh nhạt, mà A cũng không hỏi thêm rằng, liệu lý tưởng và mục tiêu trước kia của cậu ta có còn tồn tại hay không.
Thực tế có thể tạo ra động lực, cũng có thể chôn vùi động lực. Khi người ta chấp nhận hai chữ “tạm thời” cũng là cách họ tự lừa mình dối người mà thôi.
Ở thời điểm 20 tuổi, nhiều người đều cho rằng, cuộc đời còn rất nhiều thời gian để sử dụng. Nếu công ty mình có điều gì không hài lòng, nếu công việc có vấn đề quá khó khăn thì chứng tỏ mình không thích hợp với nó. Tại sao phải cố níu kéo? Phải nhanh chóng nghỉ việc, thay đổi một vị trí khác thôi.
Họ lại quên mất một điều, muốn đạt thành tựu ở năm 50, thì bạn phải nỗ lực từ năm 20 tuổi. Mỗi một giai đoạn trôi qua đều có thể trở thành chìa khóa quyết định con đường thành công sau này.
Những năm 20 sống vô giá trị thì những năm 30, 40 và 50 cũng sẽ đánh mất những giá trị vốn có của nó.
Xây dựng thái độ nghề nghiệp dựa trên giá trị cống hiến
Như đã trình bày ở trên, nghề nghiệp không phân biệt sang hèn. Điều quan trọng không phải chúng ta lựa chọn ngành nghề gì, thâm niên bao nhiêu năm, mà là tâm thái của chúng ta trước công việc đó như thế nào.
Nếu làm công việc văn phòng, ăn mặc chỉn chu, ngồi điều hòa mát lạnh cả ngày, nhưng công tác với tâm lý “được chăng hay chớ”, không hề xây dựng lý tưởng và mục tiêu để phấn đấu lâu dài thì dù làm suốt 20 năm, bạn cũng chẳng gặt hái được chút giá trị nào đáng kể.
Có hai thực tập sinh cùng được nhận vào làm việc trong công ty. Một người trong số đó ôm tâm lý “Mình chỉ thực tập không lương thôi mà”, mỗi ngày đều tới văn phòng ngồi rảnh rỗi, ai nhờ pha trà nước, photo hoặc chỉnh sửa tài liệu lặt vặt thì làm.
Một người còn lại thì luôn tích cực xây dựng quan hệ với các đồng nghiệp xung quanh, gặp công việc gì cũng chủ động tranh thủ cơ hội, từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Kết quả, sau kỳ thực tập, cấp trên đã đánh giá kết quả thực tập của sinh viên này rất cao, đồng thời ngỏ lời mời công tác chính thức mà không cần thử việc nữa. Sinh viên còn lại chỉ nhận được đánh giá loại Khá, về trường hoàn thành thủ tục tốt nghiệp, sau đó mới bắt đầu lăn lộn trong xã hội để tìm kiếm công việc.
Hay như công việc lái xe taxi cũng cùng đạo lý vậy. Tại sao có người thu nhập hơn chục triệu mỗi tháng, có người lại chỉ kiếm đủ tiền xăng xe? Khác biệt nằm ở thái độ nghề nghiệp.
Có người lái xe thái độ niềm nở, nhiệt tình tiếp chuyện với khách hàng, chủ động giới thiệu cho họ những đặc điểm nổi bật xung quanh địa điểm đến, nghĩ cách để gia tăng “giá trị” mà khách hàng có thể nhận được sau mỗi chuyến xe thì tự nhiên họ sẽ có càng nhiều khách quen chủ động liên hệ với mình.
Cũng có người chỉ đỗ xe nằm một chỗ để chờ cuộc gọi điều phối khách từ tổng đài, đưa đón khách chỉ như thực hiện một nghĩa vụ, không tạo nên bất cứ điểm nhấn gì ấn tượng. Như vậy, họ chỉ kiếm được ít hơn dựa vào khách vãng lai, lại phải trích phần trăm cho công ty, thu nhập không khá lên được.
Có thể thấy rằng, dù thời đại này thay đổi như thế nào thì hằng số bất biến duy nhất chính là tâm lý bản thân. Thái độ của bạn trước công việc sẽ quyết định vị thế mà bạn có thể đứng trong tương lai.
Hãy nhìn lại thực trạng công tác của mình hiện nay và tự suy ngẫm để trả lời câu hỏi: “Năm 30 tuổi, bạn nghĩ mình sẽ đứng ở đâu?”
Nếu dùng hết một nửa thanh xuân nhiệt huyết mà bạn vẫn chỉ giậm chân tại chỗ, cần lên kế hoạch thay đổi phương pháp làm việc ngay bây giờ.
Phương Thúy - Theo Trí thức trẻ