Cà phê có thể được ứng dụng trong điều trị béo phì và tiểu đường nhờ vào tác động khó tin của nó lên vị giác mà các nhà khoa học Đan Mạch vừa xác định.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Foods khẳng định cà phê, bao gồm cả loại không chứa caffein, có thể thay đổi nhận thức trực tiếp về vị giác bằng cách tăng độ nhảy cảm với vị ngọt và giảm độ nhạy cảm với vị đắng.
Cà phê có nhiều tác dụng sức khỏe đáng kinh ngạc - ảnh minh họa từ Internet
Nhạy cảm hơn với vị ngọt sẽ giúp bạn thưởng thức được món ngọt với lượng đường cần sử dụng ít hơn so với người thường mà vẫn thấy ngon, trong khi sự giảm độ nhạy với vị đắng sẽ giúp bạn dễ ăn các món đắng hơn. Thực phẩm đắng, bao gồm cà phê, chocolate đen, rau cải và một số củ, quả đắng từng được nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh là có lợi cho sức khỏe tổng thể, đẩy lùi nhiều nhóm bệnh về chuyển hóa, tim mạch, ung thư…
Hai tác giả chính là tiến sĩ Alexander Wieck Fjældstad và tiến sĩ Henrique Fernandes từ Đại học Aarhus (Đan Mạch) đã kiểm tra khứu giác và vị giác của 156 tình nguyện viên sau khi họ uống cà phê. Thức uống này không làm thay đổi khứu giác nhưng vị giác thay đổi ngay lập tức. Họ lặp lại thí nghiệm với cà phê đã khử caffein và đạt được hiệu quả tương tự.
Theo 2 nhà nghiên cứu, điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách người uống cà phê sử dụng chất đường và phụ gia thực phẩm sau đó, cũng như cách họ cảm nhận độ ngon của một món ăn, thức uống. Tác động tăng độ nhạy của vị ngọt, giảm độ nhạy của vị đắng càng tăng nếu bạn thưởng thức cà phê cùng một miếng chocolate đen.
Chính vì sự thay đổi vị giác này khiến người uống cà phê ít "hảo ngọt" hơn sau đó, điều này sẽ là tiền đề cho các phương pháp điều chỉnh chế độ ăn, giảm lượng đường trong thực phẩm, nhất là có thể ứng dụng trong việc điều trị bệnh tiểu đường hay thừa cân – béo phì.