Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý ODA tỉnh Lào Cai đã có hành vi xin bỏ qua cho liên danh Phúc Lộc – Cường Thịnh Thi tại dự án hơn 900 tỷ.
Giám đốc ODA Lào Cai: Nhà thầu họ nhờ anh
Dự án kè sông Hồng là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, phản ánh tới các cơ quan báo chí, nhiều người dân địa phương băn khoăn về tiến độ thi công, khi liên tục có những quãng dừng nghỉ và Thanh tra Chính phủ chỉ ra vô số những sai phạm trong thiết kế, thi công ở các tỉnh khác của nhà thầu dự án này…
Dự án kè sông Hồng, di dân tái định cư khu vực thôn Cánh Chín, xã Vạn Hòa, Thành phố Lào Cai (đoạn từ cầu Phố Mới đến xã Vạn Hòa) do liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty Cổ phần Long Mã và Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Thương mại 2899 thi công với tổng mức đầu tư ban đầu gần 1.000 tỷ đồng, sau điều chỉnh còn 920 tỷ đồng.
Dự án khởi công tháng 7/2017, dự kiến hoàn thành tháng 6/2022, gồm các hạng mục chính như kè bờ tả sông Hồng có chiều dài gần 5,8km; xây dựng 14 tuyến đường giao thông; san đắp 14 mặt bằng khu dân cư và các hạng mục phụ trợ như cấp điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, cây xanh, bãi đỗ xe, đường dạo…
Theo thông báo chính thức từ đơn vị Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án ODA tỉnh Lào Cai, cho đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành trên 60% khối lượng giá trị hợp đồng nhưng mới chỉ giải ngân được 48%, tương đương 441 tỷ đồng. Sự chậm chễ này được giải thích là bởi “nguồn thu của tỉnh gặp nhiều khó khăn” và ảnh hưởng bởi Covid-19.
“Dự án có quy mô lớn, số hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng khoảng 250 hộ, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến thủ tục công khai phương án đền bù, họp và đối thoại với các hộ dân chưa đồng thuận diễn ra bị chậm”, báo cáo của ban Quản lý Dự án ODA tỉnh lào Cai cho hay.
Ban Quản lý Dự án ODA tỉnh Lào Cai cũng thừa nhận, dự án gặp khó ở công tác giải phóng mặt bằng khiến 450m kè bị ảnh hưởng trực tiếp. Dự kiến trong quý III/2020, UBND Thành phố Lào Cai mới giải quyết dứt điểm những vướng mắc trên để bàn giao cho Chủ đầu tư tổ chức thi công.
Trong nhiều ngày cuối tháng 6/2020 và đầu tháng 7/2020, có mặt tại dự án, theo quan sát, cả công trường khổng lồ thường thi công theo kiểu cầm chừng. Trên nhiều km bờ kè đang dang dở chỉ có vài công nhân buộc sắt, cùng một vài chiếc máy xúc và xe chở đất chậm chạp đưa từng gầu đất rời đi. Những lõi sắt buộc dở cũng đã hoen rỉ. Trên nhiều lô đất, nước đọng thành vũng trong những hố móng lố nhố…
Ngay từ giữa tháng 6/2020, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã chủ động liên hệ với Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Lào Cai để tìm hiểu thêm về dự án, đặc biệt là vấn đề thi công, năng lực của các nhà thầu và giải phóng mặt bằng… Thời điểm đó ông Lê Ngọc Minh là Phó Giám đốc (hiện ông Minh đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Lào Cai) đại diện Ban làm việc với nhóm phóng viên.
Tại các buổi làm việc, ông Lê Ngọc Minh trao đổi khái quát một số nét chính về dự án. Trước một số câu hỏi cụ thể, ông Minh nói sẽ trả lời sau đồng thời hứa sẽ cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan vào tuần làm việc kế, tuy nhiên sau đó vị lãnh đạo Ban ODA Lào Cai liên tục dùng đủ mọi cách để ‘xin hộ’ phía nhà thầu. “Bọn anh có cái dự án kè đấy, Phúc Lộc và Cường Thịnh Thi làm, anh bảo nhà thầu gặp bọn em cho vui vẻ, nhà thầu họ nhờ anh…”.
“Tôi biết là các bạn cũng tìm hiểu nhiều nơi, với nhiều dự án chứ không phải riêng ở Lào Cai. Vì vậy tôi cũng trao đổi thẳng thắn với các bạn là tạo điều kiện. Tôi cũng sẽ trao đổi với bên kia (nhà thầu – PV) là các bạn làm việc nhiều chỗ, nên chúng tôi sẽ đứng ra bồi dưỡng cho các bạn. Các bạn xem thế nào hợp lý thì cứ nói luôn cho dễ. Đấy là sự chân thành. Còn chúng tôi thì cũng không vấn đề gì cả về hồ sơ, hợp đồng, tiến độ triển khai… Cho nên nếu liên quan đến mấy ông bạn đấy (bên nhà thầu – PV) thì thôi ở góc độ Ban tôi đứng ra xin. Còn các chỗ khác các bạn cứ làm như bình thường”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi “nếu khẳng định dự án không có vấn đề gì thì tại sao lại Ban lại khó khăn trong việc cung cấp hồ sơ?”, ông Minh tiếp tục nài nỉ: “Tôi đã nói như thế rồi, các bạn còn lấy làm cái gì nữa? Có như nào thì các bạn cứ trao đổi thẳng thắn với tôi…”.
Nhà thầu Phúc Lộc – Cường Thịnh Thi, một liên danh nhiều tai tiếng
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, 2 nhà thầu chính của dự án là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi đều là những doanh nghiệp nghìn tỷ đến từ Ninh Bình. Trong những năm qua, cả 2 đều trúng nhiều gói thầu xây lắp quy mô từ hàng trăm đến cả nghìn tỷ đồng trong vai trò độc lập hoặc liên danh. Đã có hàng loạt những lùm xùm, tai tiếng xuất phát từ những dự án của các doanh nghiệp này khắp từ Bắc chí Nam.
Cụ thể vào cuối tháng 5/2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi từng bị UBND tỉnh Quảng Ninh ra lệnh không cho tiếp tục thực hiện dự án vì thi công chậm tiến độ tại Dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT của Dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Cũng trong năm 2018, trong quá trình thi công Công trình xây dựng hồ Bún Xáng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi thậm chí còn bị nhà thầu phụ căng băng rôn đòi tiền…
Dự án kè sông Hồng gần 1.000 tỷ đồng ở Lào Cai. Ảnh: HA.
Còn về Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, tại tỉnh Thái Nguyên, tập đoàn này liên doanh với một đơn vị khác làm chủ đầu tư Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu. Dự án khởi công cuối năm 2016, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Mặc dù mang danh “dự án cấp bách”, nhưng suốt gần 4 năm, công trình luôn trong tình trạng ì ạch, nghỉ nhiều, làm ít. Ngoài ra, năm 2019, trong quá trình thanh tra dự án BT của tập đoàn này tại tỉnh Bình Định, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra vô số những sai phạm trong thiết kế, thi công…
Đặc biệt, theo tài liệu Báo Nông nghiệp Việt Nam có được, liên danh Phúc Lộc – Cường Thịnh Thi còn dính hàng loạt lùm xùm tại dự án Cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm tiêu trạm bơm Gia Viễn và mở rộng hệ thống tưới tiêu các xã phía Đông trạm bơm Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình). Tài liệu vụ việc cho thấy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Thương mại 2899 chính là 3 cái tên trong liên danh 4 nhà thầu thực hiện dự án này theo hình thức thiết kế và xây lắp (EC), tương tự như dự án kè sông Hồng ở Lào Cai.
Với mục tiêu đầu tư phòng chống thiên tai lũ lụt, tiêu thoát lũ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ, cải thiện điều kiện giao thông nội vùng và vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Gia Viễn, dự án có quy mô nạo vét, kiên cố 3 tuyến kênh và mở rộng bờ kênh làm đường giao thông với tổng chiều dài 11.598,3m. Tổng mức đầu tư của dự án này là 480 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2014 đến năm 2019.
Tháng 4/2019, thời điểm đáng ra dự án phải chuẩn bị để hoàn thành thì các nhà thầu trên mới thực hiện được 40% giá trị khối lượng, trong khi số vốn đã cấp tạm ứng là hơn 265 tỷ đồng. Theo cơ quan thanh, kiểm tra, khối lượng xây lắp hoàn thành, nghiệm thu hoàn ứng của chủ đầu tư từ khi tạm ứng ngày 30/12/2014 đến thời điểm báo cáo ngày 10/4/2019 kéo dài 4 năm 4 tháng là quá chậm, số dư tạm ứng nhiều (hơn 100,7 tỷ đồng), thời gian dừng thi công dự án hơn 2 năm… Cơ quan kiểm tra cũng đã thẩm tra, xác minh và xác định số tiền phải giảm trừ giá trị theo thực tế thi công hơn 2,8 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 4/2018, Kiểm toán nhà nước khu vực XI đã kiểm toán dự án và xác định hàng loạt sai phạm, phải giảm trừ số tiền hơn 10,066 tỷ đồng. Trong đó, giảm trừ do sai đơn giá số tiền hơn 3,398 tỷ đồng, giảm trừ do không đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán hơn 875 triệu đồng, sai khối lượng hơn 607 triệu đồng, sai đơn giá hơn 2,522 tỷ đồng, sai định mức 1,566 tỷ đồng, không thực hiện 1,095 tỷ đồng…
Nhóm PVTS - Theo NNVN