Bạn đọc N.T.T.M (nữ, 56 tuổi, quận 3, TP HCM), hỏi: Tôi nghe nói một cơn đột quỵ thường có dấu hiệu "tiền đột quỵ" từ rất sớm, có khi vài ngày trước khi bệnh nhân ngã gục, có thật thế không? Tôi bị cao huyết áp, nghe nói là dễ đột quỵ nếu không phát hiện "tiền đột quỵ" sớm
- Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời: Đột quỵ là tình trạng nhu mô não bị tổn thương, do nhánh mạch máu nuôi não bị thuyên tắc vì huyết khối hoặc mảng xơ vữa (gây nhồi máu não), hoặc mạch máu nuôi não bị vỡ tạo khối máu tụ chèn ép não (xuất huyết não).
Biểu hiện lâm sàng của cả 2 dạng này giống nhau. Tùy thuộc vào phần nhu mô não bị tổn thương ít hay nhiều, khối máu tụ nhỏ hay lớn, sẽ biểu hiện triệu chứng từ nhẹ đến nặng: yếu nửa người, nói đớ, nuốt khó, méo mặt…, nặng hơn có thể hôn mê, suy hô hấp tuần hoàn, tử vong. Các triệu chứng có thể biểu hiện rầm rộ hoặc kín đáo. Tức là khi đã bắt đầu biểu hiện các triệu chứng trên, người bệnh đã vào cơn đột quỵ thực sự cho dù xuất hiện từ từ và chưa làm ngã gục ngay. Do đó, không nên chần chừ và cho rằng đó chỉ là dấu hiệu cảnh báo mà phải nhập viện ngay.
Các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ là xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, dị dạng mạch máu não, rối loạn nhịp tim, tuổi cao, dùng nhiều rượu bia, thuốc lá….
Do đó, chị nên đi khám sức khỏe thường kỳ, khám chuyên khoa tim mạch để được kiểm soát tốt huyết áp, cũng như điều chỉnh lối sống thường xuyên tập thể dục, tăng cường vận động, giảm cân, chế độ ăn ít dầu mỡ…
Theo NLĐ