Lãnh đạo Công ty LAVA thừa nhận đã có các quảng cáo, giới thiệu không đúng phép, sai công dụng sản phẩm, tuy nhiên hành vi này lại được đổ thừa cho "cấp dưới" làm.
Các dấu hiệu quảng cáo lừa dối người tiêu dùng
Thời gian gần đây, việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thực phẩm chức năng trên môi trường mạng diễn biến phức tạp. Không ít cơ sở, doanh nghiệp đã vẽ thêm công dụng, chất lượng cho các sản phẩm thực phẩm bổ sung, thực phẩm hỗ trợ bảo vệ sức khỏe - thực phẩm chức năng thành có công dụng chẳng khác gì thuốc điều trị, trong khi quy định pháp luật đã cấm. Bên cạnh đó là việc mượn danh các bác sĩ, chuyên gia y tế tại các bệnh viện, các nghệ sĩ, những người nổi tiếng, thư cảm ơn của người dùng... để quảng cáo, truyền thông về sản phẩm, chào mời, lôi kéo khách hàng. Các phương tiện thường được sử dụng là các cơ sở liên kết với google, mạng xã hội facebook, youtube, sử dụng trình duyệt Cốc Cốc, Shopee hoặc tự lập web, các trang fanpage của mình để chạy quảng cáo, tung hô sản phẩm.
Với cơ chế hiện nay, cho phép các doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm, còn các cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm. Đây là một cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhưng cũng là nhân tố để các doanh nghiệp lợi dụng làm ăn bất chính, cạnh tranh không lành mạnh, lừa dối người tiêu dùng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh, hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh, không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo. Do vậy, khi người tiêu dùng thấy các sản phẩm đang quảng cáo có những nội dung quảng cáo nêu trên là không nên mua, không tin, không sử dụng các sản phẩm như vậy...
Theo Cục An toàn thực phẩm, các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và thổi phồng như thuốc chữa bệnh thường xuất hiện nhiều hiện nay như sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan, bệnh xương khớp, giảm cân, nam khoa.... Đáng nói, có tới 99% quảng cáo TPCN qua mạng xã hội không đúng sự thật. Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo. Nhiều người tham gia vào quảng cáo sai quy định do không hiểu biết về các quy định của pháp luật nên vô hình chung tiếp tay cho sai phạm đó, đặc biệt là sản phẩm làm đẹp, trong đó có một số sản phẩm TPCN giảm cân.
Lãnh đạo Công ty LAVA đổ thừa cho cấp dưới
Sau khi Chất lượng Việt Nam nêu trong hai bài viết: "Không phải thuốc chữa bệnh nhưng Công ty LAVA đã 'vẽ thêm' công dụng cho sản phẩm?" và bài "Kiểm tra việc hàng loạt sản phẩm được Công ty LAVA vẽ thêm công dụng chất lượng", được biết Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra theo các nội dung được phản ánh. Chi cục này cho biết, sản phẩm dầu tràm LAVA là sản phẩm thường, không phải là thực phẩm nên Chi cục sẽ báo cáo Sở Y tế Quảng Trị. Còn các sản phẩm khác đề nghị làm việc với cơ quan quản lý trang điện tử, hiện tại trong hồ sơ tự công bố không có thông tin như quảng cáo.
Tiếp đó, trả lời Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Thế - Phó Giám đốc Công ty LAVA thừa nhận các thiếu sót trong quá trình kinh doanh thương mại điện tử, quảng cáo sản phẩm trên các trang web: https://suckhoexanh.net/ và https://lavaviet.com/. Tuy nhiên ông Thế lại cho rằng đó là do các nhân viên tự làm và do google, mạng xã hội và trình duyệt Cốc Cốc tự làm như vậy để có nhiều người đọc tiếp cận thông tin. Trước câu hỏi, sản xuất và kinh doanh sản phẩm phải đảm bảo theo quy định pháp luật cũng như bảo vệ sức khỏe người dùng, sao lại đổ cho cấp dưới? ông Nguyễn Thanh Thế không trả lời và lại xoay sang quy mô sản xuất của doanh nghiệp...
Với những dấu hiệu như nói trên của Công ty TNHH LAVA, chúng tôi đề nghị Thanh tra Y tế và Cục An toàn thực phẩm vào cuộc kiểm tra, xử lý để đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để nhận diện vi phạm quảng cáo, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho hay nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo. Đó là: Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật; dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng; quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia... |