Bươn chải nửa đời tôi mới thấu: Con người đến một độ tuổi nhất định, bản thân phải là một mái nhà chứ không phải loanh quanh tìm chỗ trú mưa

19/07/2020 19:22

Con người trong lúc khốn đốn, thường hy vọng sẽ có người giúp mình một tay. Nhưng trải qua khổ đau rồi mới hiểu: Người cuối cùng giúp mình thoát ra khỏi vũng bùn lầy luôn luôn chỉ có bản thân mình mà thôi.

Bươn chải nửa đời tôi mới thấu: Con người đến một độ tuổi nhất định, bản thân phải là một mái nhà chứ không phải loanh quanh tìm chỗ trú mưa

Con người trong lúc khốn đốn, thường hy vọng sẽ có người giúp mình một tay. Nhưng trải qua khổ đau rồi mới hiểu: Người cuối cùng giúp mình thoát ra khỏi vũng bùn lầy luôn luôn chỉ có bản thân mình mà thôi.

01

Khoảng thời gian trước, gia đình có chút chuyện nhưng tôi cố nén lại trong lòng không muốn tâm sự với ai. Thế rồi, một buổi tối nọ, cô bạn học cũ lâu rồi không liên lạc, không biết nghe được tin gì mà đột nhiên gọi điện hỏi thăm.

Chúng tôi hỏi han, nói chuyện trên trời dưới bể gần nửa tiếng. Rồi cô ấy ngập ngừng hỏi chuyện mà tôi không biết phải bắt đầu từ đâu.

Cuối cùng cô ấy chỉ nói một câu: "Có gì cần giúp đỡ thì ới một tiếng nhé".

Tôi đột nhiên thấy cay ở sống mũi, nóng ở khóe mắt nhưng vẫn chỉ đáp lại một câu: "Không có gì đâu, cậu yên tâm đi".

Sau khi tắt điện thoại, tôi suy nghĩ hồi lâu. Có những lúc, tôi rất muốn kể hoặc tâm sự với ai đó về cuộc sống ngổn ngang của mình.

Mẹ ốm phải nằm viện, con cái không ai đưa đón, công việc bộn bề, bận rộn tối mắt tối mũi. Khoảng thời gian đó, ngày nào tôi cũng phải chạy đi chạy lại hết bệnh viện, trường học rồi lại đến cơ quan, tất bật sắp xếp mọi sinh hoạt cuộc sống trong nhà.

Vừa tranh thủ làm việc, vừa chăm sóc mẹ ốm vừa phải canh giờ đón con. Tôi ước mình có thể phân thân, nhiều lúc bất lực tới nỗi khóc không ra nước mắt. Thế nhưng, vẫn phải cố gắng gượng dậy và vượt qua.

Bởi người trưởng thành có muốn suy sụp cũng phải có nguyên tắc riêng của mình. Đó là: Không gây phiền phức cho người khác, không thể biến nỗi đau của mình thành câu chuyện làm quà, câu chuyện bàn tán của người khác.

Thế nên, dù có "khốn khổ" tới mức kinh thiên động địa như thế nào cũng chỉ là hạt bụi mà người khác tiện tay phủi đi. Niềm vui và nỗi buồn của nhân loại vốn không tương thông, thế gian này cũng không có cái gọi là đồng cảm lẫn nhau.

Bươn chải nửa đời tôi mới thấu: Con người đến một độ tuổi nhất định, bản thân phải là một mái nhà chứ không phải loanh quanh tìm chỗ trú mưa - Ảnh 1.

02

Tôi từng đọc được một câu chuyện rằng:

Lợn, Cừu và Bò sữa bị nhốt chung trong một chiếc chuồng nuôi. Một ngày nọ, Lợn bị chủ nhân bắt đi, nó ra sức kêu gào và phản kháng. Nhưng Cừu và Bò sữa lại dửng dưng:

- Chúng tôi cũng thường xuyên bị bắt đi, nhưng chẳng bao giờ kêu gào thảm thiết đến vậy.

Lợn đau lòng đáp:

- Chủ nhân bắt các cậu đi cùng lắm chỉ là lấy lông và vắt sữa của các cậu, nhưng nếu bắt tôi tức là sẽ lấy mạng của tôi.

Nghe qua thì thấy nực cười, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì thật xót xa trong lòng. Suy cho cùng, trên thế gian này "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", ai cũng có những góc sáng và góc tối của riêng mình.

Trải qua nhiều rồi mới thấu, tình người có lạnh nhạt, có ấm áp, có những lời không nên nói ra và có những uất ức phải tự mình chịu.

Trong bộ phim "Two Tigers" của Trung Quốc, Phạm Chí Cương và Trương Thành Công là hai người đồng đội. Khi còn công tác trong tổ hậu cần, Phạm Chí Cương hết lòng săn sóc Trương Thành Công. Lúc đầu Trương Thành Công vô cùng cảm kích, dự định sau khi ra quân, hai người sẽ cùng nhau mở một quán ăn nhỏ.

Thế nhưng từ 1 triệu kiếm được 10 triệu, từ 10 triệu kiếm được 100 triệu, Trương Thành Công sớm đã quên người đồng đội cũ.

Khi Phạm Chí Cương cần một khoản tiền để phẫu thuật, Trương Thành Công đã từ chối với lý do là sợ Phạm Chí Cương không trả được.

Thế rồi, Phạm Chí Cương vì có mảnh đạn trong hộp sọ chèn vào dây thần kinh thị giác nên bị mù. Sau này, Trương Thành Công ngỏ ý muốn đầu tư mở rộng tiệm Massage của Phạm Chí Cương, nhưng Phạm Chí Cương từ chối, lạnh nhạt đáp lại bằng câu: "Tôi sợ mình không trả nổi".

Tình nghĩa bạn bè, đồng đội nhiều năm gặp lại mà lại rơi vào kết cục như vậy, khiến nhiều người cảm thấy buồn. Nhưng suy đi tính lại, cũng không có gì là lạ.

Tác gia Phùng Ký Tài từng viết:

"Có những người, tình nguyện cho bạn mượn ô vào lúc nắng. Còn lúc mưa thì họ lại cầm ô lặng lẽ rời đi. Đừng trách cứ họ. Bởi bản thân họ cũng không muốn bị dầm mưa, cũng không muốn chia sẻ gánh nặng khó khăn của người khác. Vậy nên, tốt nhất hãy tự chuẩn bị cho mình một chiếc ô".

Con người trong lúc khốn đốn, thường hy vọng sẽ có người giúp mình một tay. Nhưng trải qua khổ đau rồi mới hiểu: Người cuối cùng giúp mình thoát ra khỏi vũng bùn lầy luôn luôn chỉ có bản thân mình mà thôi.

Biển người mênh mông, chỉ có thể là tự mình chèo lái.

Bươn chải nửa đời tôi mới thấu: Con người đến một độ tuổi nhất định, bản thân phải là một mái nhà chứ không phải loanh quanh tìm chỗ trú mưa - Ảnh 2.

03

Tôi từng nhìn thấy một bức ảnh trên mạng:

Cơn mưa rào đột nhiên kéo đến, mọi người nhanh chóng tìm chỗ trú. Trong màn mưa mờ mịt, người bán hoa quả chỉ có thể co ro ngồi nép dưới gầm xe trú mưa.

Phía dưới có một dòng bình luận sâu sắc: "Con người đến một độ tuổi nhất định, bản thân mình phải là một mái nhà mới không cần phải tìm chỗ trú mưa".

Tôi có người bạn vốn là nhân viên của một công ty sản xuất bình thường. Nhưng vì dịch bệnh, công ty thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân lực, khiến cô ấy mất việc đúng lúc 35 tuổi.

Nghỉ việc, thu nhập gián đoạn, nhưng tiền lãi ngân hàng, tiền học phí cho con, chi tiêu sinh hoạt thường ngày vẫn liên tục xoay vòng, khiến cuộc sống vốn êm đềm đột nhiên xáo trộn, bấp bênh.

Khoảng thời gian đó, cô ấy khủng hoảng trầm trọng, liên tục mất ngủ. Sợ ảnh hưởng đến con cái, cô chỉ có thể trốn trong nhà vệ sinh khóc thầm. Khóc xong rồi, cô lấy lại tinh thần, làm một bản CV rồi gửi đi khắp nơi để xin việc.

Trong thời gian chờ việc, ban ngày cô đi bán trà sữa thuê, buổi tối đi phát tờ rơi ở khu thương mại. Vất vả, khổ cực, nhưng chẳng thấy cô kêu than một lời. Thật khiến người khác phải khâm phục.

Mọi thứ cứ điềm nhiên như những gì cô ấy nói: "Chẳng thế thì sao? Cuộc sống dù khó khăn đến mấy cũng vẫn phải sống mà".

Gặp lại cô ấy lần gần đây nhất, mới hay cô ấy đã đi làm ở công ty mới. Mẹ cô đã khỏi bệnh ra viện, kinh tế cũng dần ổn định trở lại.

Phong ba bão táp là chuyện thường, khổ tận cam lại mới là cuộc đời.

04

Trong truyện "Gintama" có viết một câu khá hay:

"Con người không phải lúc nào cũng đều sống quang minh chính đại được. Có những lúc muốn ngẩng đầu, ưỡn ngực tiến về phía trước, nhưng lại không biết lúc nào bị nhuốm đầy bùn trên người".

Thế nhưng, dù là như vậy, vẫn phải kiên trì bước đến cùng, bởi sẽ có một ngày bùn đất khô đi và rơi xuống.

Cuộc đời kỳ ngộ thăng trầm, khó tránh khỏi những lúc khốn đốn, yếu mềm, nhưng chỉ cần kiên trì đi tới cùng là được.

Sự dũng cảm thực sự của người trưởng thành không phải là sự phẫn nộ đối với hiện tại mà là dù thấp hèn như ngọn cỏ, hạt bụi cũng phải học cách nở hoa, bung lụa.

Khi phong ba bão táp ập đến, hãy tự che ô cho mình, là mái nhà ấm áp chở che cho gia đình, đó mới là danh dự sáng giá nhất của người trưởng thành.

Trong thần thoại Hy Lạp có một câu đố nhân sư. Nhân sư là một con quái thú mình sư tử mặt người. Mỗi lần có người đi qua, nó đều hỏi:

- Cái gì đi bằng 4 chân lúc buổi sáng, hai chân lúc buổi chiều và ba chân lúc buổi tối?

Câu trả lời của câu đố này giãi bày một cách đầy đủ cuộc đời con người từ thuở sơ sinh đến trưởng thành rồi đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Thế nhưng, bươn chải nửa đời tôi lại phát hiện ra câu đố này còn có một ngụ ý khác:

Đời người chính là một quá trình từ một mình bò, một mình bước đi cho tới khi tự mình dìu lấy mình.

Dù ở đâu, bất cứ lúc nào, không có ai có thể thay bạn trải qua mọi thứ. Con người trưởng thành thực sự đó là phải tự biết che ô cho mình trong cuộc sống gian nan, đầy phong ba bão táp này.

Nhân thế khổ hải, tự mình đóng bè rồi tự mình chèo lái mới là chắc chắn nhất.

Theo Ngọc Thủy - Trí thức trẻ

Link gốc

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Bươn chải nửa đời tôi mới thấu: Con người đến một độ tuổi nhất định, bản thân phải là một mái nhà chứ không phải loanh quanh tìm chỗ trú mưa" tại chuyên mục Đời sống. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.