Ngày 10/4, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày Báo cáo tóm tắt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của Covid-19 và nội dung chính trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, nhằm chuẩn bị các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để chủ động tổ chức triển khai thực hiện.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo đó, 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công đã được đề xuất tại dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về vực dậy nền kinh tế.
Cụ thể về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương căn cứ theo thẩm quyền thực hiện ngay các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch.
Tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất… Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực. Giải quyết nhập cảnh cho chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật...theo đúng quy định.
Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế: Nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng đến hết quý II/2020…
Các chuyên gia nhận định về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết đề ra các giải pháp mạnh nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cụ thể:
Các quy định mới về đầu tư công cơ bản đã giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trước đây. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách Nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Do tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương chưa thể tổ chức họp Hội đồng nhân dân được nên thủ tục đầu tư một số dự án chưa hoàn thành và chưa thể giao vốn triển khai được. Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/5/2020.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về dự thảo Nghị quyết, số vốn cần phải giải ngân trong năm 2020 là rất lớn (gần 700 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả số vốn thuộc các kế hoạch trước đây được chuyển nguồn thực hiện trong năm 2020).
Do vậy, khi xây dựng dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, chỉ đạo chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm có khối lượng thi công lớn để làm thủ tục giải ngân.
Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch. Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Các bộ ngành, địa phương cũng phải chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư từ các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt.
Đồng thời, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong thẩm quyền giao Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020, bao gồm cả vốn nước ngoài giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong phạm vi tổng số vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả điều chỉnh trong tháng 3/2021.
Theo đó, trong tháng 9 này, sẽ tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chỉnh cho các dự án giao thông cấp bách, các dự án chống ngập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu;
Ngoài các giải pháp này, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (08 dự án) từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Một số giải pháp nữa là hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện ngay các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng; hoàn thành các thủ tục đầu tư, đảm bảo khởi công trong tháng 8 - 9/2020 các dự án cao tốc Bắc Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.
Kim Oanh (Ảnh: Mậu Trường)- Theo Báo Xây Dựng