Trách nhiệm cơ quan chức năng ở đâu trong các quảng cáo chữa bệnh 'khủng bố' người xem YouTube?
Trách nhiệm cơ quan chức năng ở đâu trong các quảng cáo chữa bệnh 'khủng bố' người xem YouTube?
Google cũng tiết lộ: "Nội dung phù hợp và dễ tiếp cận của YouTube thu hút người dân nông thôn với 97% sử dụng nền tảng này hằng tuần và 62% xem nội dung trên đó hằng ngày. Nhưng khi đưa ra quyết định mua hàng, rõ ràng Google tìm kiếm là lựa chọn hàng đầu với 45% người tiêu dùng nông thôn sử dụng để tìm kiếm thông tin về sản phẩm so với các phương tiện truyền thống (24%) và mạng xã hội (27%). Kết quả cho thấy 77% người tiêu dùng nông thôn Việt Nam đã nhấp vào quảng cáo tìm kiếm vì dòng tiêu đề có liên quan".
Báo cáo của Google còn cho biết người dùng Việt tìm kiếm trên các nền tảng video phát trực tuyến (livestreaming) đã tăng gấp hai lần trong nửa đầu năm 2020. Đặc biệt, việc tìm kiếm trên YouTube cũng tăng lên ngay đối với cả các nội dung truyền thống như tin tức.
Từ đó, Google đưa ra kết luận: "Người dân nông thôn đang nhanh chóng chuyển sang sử dụng Internet để liên lạc, học tập, phát triển bản thân và giải trí", đồng thời gợi ý: "Các nhà tiếp thị có thể đưa thông điệp của mình gắn liền với các lĩnh vực này, tận dụng các nguyện vọng của những người dùng này bằng nội dung hữu ích và phù hợp để tạo ra một mạch kết nối cảm xúc".
Lạ lùng quảng cáo "đủ điều kiện" kiểu Google
Để tránh những quảng cáo láo, quảng cáo sai phép lừa người dùng, bán thuốc trôi nổi, cần thắt chặt lại quy trình kiểm duyệt quảng cáo từ Google Ads.
Tìm hiểu từ Google Ads, để một quảng cáo được chạy trên nền tảng YouTube phải thông qua các bước kiểm duyệt:
Bước 1: Sau khi doanh nghiệp tạo xong phần quảng cáo, Google Ads bắt đầu quy trình xem xét nội dung, bao gồm: tiêu đề, nội dung mô tả, từ khóa, đích đến cũng như mọi hình ảnh và video. Lúc này, trạng thái của quảng cáo sẽ là "Đang được xem xét".
Bước 2: Nếu quảng cáo đạt chuẩn sau quy trình xem xét thì trạng thái sẽ thay đổi thành "Đủ điều kiện", Google Ads sẽ bắt đầu chạy quảng cáo đó. Nếu quy trình xem xét cho thấy quảng cáo vi phạm chính sách thì trạng thái của quảng cáo đó sẽ thay đổi thành "Bị từ chối" và quảng cáo đó không thể hiển thị ở bất cứ đâu.
Ở bước xem xét nội dung, Google sẽ kiểm tra thật kỹ các mục sản phẩm bị cấm trong chính sách quảng cáo, một số nội dung tuyệt nhiên bị cấm quảng cáo như vũ khí, thức uống có cồn, các loại thuốc có trong danh mục bị cấm...
Tuy nhiên ở mục "Chăm sóc sức khỏe và thuốc", trong danh sách các chất không được chấp thuận quảng cáo của Google không hề có thuốc Đông y. Đồng nghĩa với việc các tổ chức/cá nhân có thể lách luật bằng việc kê khai nội dung quảng cáo là sản phẩm Đông y, khiến thuật toán của Google khó nhận định. Từ đó tạo tiền đề cho vô vàn sản phẩm thuốc Đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc ngang nhiên quảng bá.
Bên cạnh đó, trong quy định về biên tập các quảng cáo, Google công khai không cho phép nhập số điện thoại trong văn bản quảng cáo, thay vào đó là sử dụng tiện ích cuộc gọi. Thế nhưng hầu hết các quảng cáo thuốc Đông y trên YouTube hiện nay, lợi dụng hình thức video, các quảng cáo ngang nhiên đưa số điện thoại liên hệ vào. Lợi dụng lòng tin qua các hình thức quảng cáo tinh xảo, đưa ra cách thức liên hệ vô cùng dễ dàng, vì thế số khách hàng rơi vào "bẫy công nghệ" ngày một nhiều hơn.