Xin hỗ trợ BĐS, giáo dục tư thục...: Sao cứu người giàu?

27/03/2020 15:24

Đại gia Việt Nam giàu lên chủ yếu là nhờ đất, bây giờ lại hỗ trợ tiếp cho các ông chủ đất thì không khác nào ngân sách "cứu người giàu".

Đại gia Việt Nam giàu lên chủ yếu là nhờ đất, bây giờ lại hỗ trợ tiếp cho các ông chủ đất thì không khác nào ngân sách "cứu người giàu".

Không hỗ trợ kiểu ai quen, ai nhanh thì được

Tiếp tục nêu quan điểm về tình trạng bộ nào xin hỗ trợ cho các doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề của bộ ấy, ĐBQH Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng chung tới nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam không là ngoại lệ.

Trong đó, Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ ban đầu như điều chỉnh các chính sách vĩ mô, điều chỉnh các chính sách tài chính, tài khóa mở rộng, các chính sách thuế, bảo hiểm...

Hỗ trợ BĐS không khác nào tiền ngân sách đem ra cứu người giàu. Ảnh minh họa: VietnamBiz

Ông Bình nhận định đó là giải pháp cần thiết và phải làm dù biết rất tốn kém. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi làm thế nào cho hiệu quả, theo ông Bình, Chính phủ cần đánh giá tổng quan về sức khỏe của nền kinh tế và dựa trên các kịch bản tăng trưởng. Trên cơ sở những đánh giá đó sẽ đưa ra được nhận định toàn cảnh cho nền kinh tế. Lĩnh vực nào bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ được hỗ trợ, lĩnh vực nào không bị ảnh hưởng nhiều thì không cần phải hỗ trợ.Ngoài ra, Chính phủ cũng kêu gọi nguồn hỗ trợ từ xã hội, doanh nghiệp, bởi chắc chắn ngân sách chi cho công tác phòng chống dịch bệnh lần này không hề nhỏ.

Ông lấy ví dụ, lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng chắc chắn là bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Hay đối với lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, đây cũng là lĩnh vực dễ bị tổn thương nếu không có được giải pháp kịp thời.

Ông Bình nhắc lại có hiện tượng bộ, ngành nào cũng chỉ muốn vun vén cho lợi ích cục bộ của bộ, ngành mình, đây là "thói quen" đã bị nhắc nhở nhiều lần. Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng chung do đại dịch, các bộ, ngành không thể chỉ nghĩ tới lợi ích cục bộ mà cần phải nghĩ tới sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

"Trước đây, tại các buổi họp bàn về các chính sách điều hành vĩ mô của Quốc hội, nhiều đại biểu cũng bức xúc lên tiếng phản đối việc các bộ ngành, địa phương chỉ chăm chăm xin, bảo vệ cho mình.

Có đại biểu nói thẳng, đến đây không phải là nơi để các bộ, ngành, địa phương họp ngành mà đề xuất các giải pháp chỉ hướng tới bảo vệ ngành mình, vun vén lợi ích cho mình", đại biểu đoàn An Giang kể lại.

Chính vì tình trạng trên, vị đại biểu nhấn mạnh: "Chính sách hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, không ưu tiên hỗ trợ theo hướng bộ nào cũng xin, ngành nào cũng xin, ai quen, ai nhanh người đó được.

Nguồn lực của chúng ta không có đủ để chi tiêu phóng khoáng, tùy tiện", ông Bình nói.

Sao lại cứu người giàu?

Đề cập cụ thể tới phát biểu của Bộ Xây dựng, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) nói thẳng: "không nên cứu người giàu".

"Ngành BĐS lâu nay đã tạo ra những bong bóng rất lớn, việc Bộ Xây dựng đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp BĐS như giãn thuế GTGT, giãn nợ tiền BHXH, tăng cường bổ sung thêm vốn cho nhà ở xã hội hay một số đề xuất của các tổ chức, Hiệp hội xin có các gói vay tiêu dùng hỗ trợ hàng vạn nhân viên môi giới mất việc làm do đại dịch... không khác nào đang đi xin hỗ trợ cho các ông chủ.

Lâu nay người ta vẫn nói, tỉ phú Việt Nam, triệu phú Việt Nam giàu lên chủ yếu là nhờ vào đất, nếu bây giờ lại hỗ trợ tiếp cho các ông chủ đất thì không khác nào chính sách lại "cứu người giàu".

Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy có những đề xuất xin hỗ trợ thất nghiệp cho nhân viên môi giới BĐS, đúng là chuyện kỳ khôi, lần đầu nghe. Không ai lại đi hỗ trợ cho "cò" đất bao giờ cả", ông Nhường phân tích và cho rằng đó là đề xuất rất vô lý.

Nhìn nhận từ hướng ngược lại, vị đại biểu cho rằng khi thị trường thuận lợi các ông chủ này đã thu lợi lớn, thậm chí phất lên nhanh chóng chỉ sau một đêm, bây giờ gặp khó khăn thì phải chấp nhận rủi ro, không nên xin hỗ trợ.

Riêng với lĩnh vực giáo dục, vị đại biểu cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, học sinh không đến trường, giáo viên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, do đó, hỗ trợ cho giáo viên cũng nên được tính đến. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, nên hỗ trợ thất nghiệp cho giáo viên chứ không phải hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục tư thục như đề xuất của Bộ GD-ĐT.

Nhìn nhận chung, vị đại biểu đoàn Bình Định đề xuất các giải pháp hỗ trợ nên hướng tới việc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động thuộc những lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp dẫn tới thất nghiệp, không có thu nhập. Đây là ưu tiên số 1.

Tiếp theo là hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong bối cảnh khan hiếm nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, việc hỗ trợ các chính sách lãi suất cho doanh nghiệp duy trì sản xuất là rất cần thiết.
Tiếp sau là hỗ trợ cho các lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, hàng không... để duy trì trả lương, duy trì bộ máy.

Một gói hỗ trợ nữa được vị đại biểu đề cập là gói hỗ trợ toàn dân. Đây là gói hỗ trợ nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng hóa như giá điện, giá lương thực thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân.

"Không nên bổ đều ngân sách, hỗ trợ kiểu cào bằng, chia nhỏ miếng bánh như vậy, hỗ trợ chỉ làm lợi cho những nhóm lợi ích, doanh nghiệp sân sau, tiền ngân sách lại đi cứu những người giàu chứ không đạt được mục đích hỗ trợ cho toàn nền kinh tế chung", ông Nhường nhắc lại quan điểm.

 

 

Lam Nguyễn - Theo Báo Đất Việt

Link gốc

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Xin hỗ trợ BĐS, giáo dục tư thục...: Sao cứu người giàu?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.