Vượt "bão" Covid-19: Doanh nghiệp cần tiếp sức dài hơi bằng "áo phao" tín dụng

16/03/2020 06:49

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19 bằng các gói tín dụng và tài khóa là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay nhưng cần cẩn trọng, hướng đến đúng đối tượng.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19 bằng các gói tín dụng và tài khóa là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay nhưng cần cẩn trọng, hướng đến đúng đối tượng.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2020, trên 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019). Trong khi số doanh nghiệp đăng ký mới cũng giảm về quy mô vốn và quy mô lao động, nguyên nhân được cho phần nhiều do tác động của dịch Covid-19.

“Cơn bão” Covid - 19 bất ngờ ập đến đã khiến hoạt động kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp lao đao. Các doanh nghiệp cho biết, hiện khó khăn nhất là dòng tiền. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng Sáu, 74% doanh nghiệp sẽ phá sản.

Doanh nghiệp cần tiếp sức

Nhận định tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tinh thần "chống dịch như chống giặc", nhất là trong bối cảnh hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề.

“Dịch khiến chúng ta khó khăn gấp đôi, thì phải cố gắng gấp ba”, Thủ tướng nói.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng chỉ đạo phải tháo gỡ, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ sẽ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, tổng thể về thuế, phí, bảo hiểm... với những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Một chương trình phục hồi kinh tế toàn diện sau dịch bệnh cũng được Chính phủ lên kịch bản.

Tại Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 vừa được ban hành, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Đồng thời, áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, triển khai gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng trên cơ sở đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí...

Trong tháng 3/2020, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

“Các loại thuế trên sẽ được gia hạn, tức là chậm nộp trong 5 tháng. Ước tính tổng số tiền thuế được giãn nộp là khoảng 30.000 tỷ đồng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.

Doanh nghiệp cần tiếp sức bằng ưu đãi tín dụng, giãn thuế...

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG ghi nhận phương án cho giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng dự kiến với thời hạn 5 tháng của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, vị này cho rằng nếu tăng thời gian nộp chậm lên 9 tháng đến một năm sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp. Về thời gian gia hạn nộp tiền thuê đất, đại diện BRG cũng kiến nghị tăng từ 5 tháng lên 12 tháng để giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi.

Đại diện doanh nghiệp này cũng chia sẻ, tập đoàn đã thiệt hại gần 100 tỷ đồng kể từ ngày 28/1 đến nay cho mảng khách sạn (khi có tới 12.000 buồng phòng bị hủy) và 11 tỷ đồng cho các mảng khác. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ, giãn nợ từ 1-3 năm “vì thực sự các ảnh hưởng này nếu doanh nghiệp có “sức khỏe” khá thì còn có khả năng trụ vững còn doanh nghiệp có “sức khỏe” trung bình trở xuống thì khó vượt qua được”.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC nêu ý kiến, dự thảo của Bộ Tài Chính ra đời khi tầm ảnh hưởng của Covid-19 với Việt Nam chưa lớn so với hiện tại, do đó, đề nghị Bộ Tài chính tổ chức họp, nghe ý kiến doanh nghiệp và sàng lọc ý kiến để kịp thời đưa ra những hỗ trợ phù hợp.

Bà Dung chia sẻ thêm, bất động sản là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch, bởi vậy, cần sớm giải quyết các vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, hy vọng có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho bất động sản. Đặc biệt, cần sớm sửa đổi khoản 3 Ðiều 8 Nghị định 20/2017/NÐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là việc hồi tố với các doanh nghiệp đã tuân thủ Nghị định từ năm 2017 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi.

Đại diện Tập đoàn này cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc thì phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra, như tinh thần của lò xo bị nén lại, chờ ngày bật lên, đồng thời kiến nghị thêm: Hiện nay Luật Đầu tư chưa có điều nào xếp các dự án du lịch vào diện được ưu đãi đầu tư và bày tỏ mong muốn được Chính phủ quan tâm vấn đề này, nhất là các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, có vốn trên 10.000 tỷ đồng.

Phải hỗ trợ đúng đối tượng

Trong câu chuyện đưa ra các gói tín dụng ưu đãi chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều để tín dụng ưu đãi thực sự là "liều thuốc bổ" đối với các doanh nghiệp thực sự cần. Đó cũng là ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia khi cho rằng, phải “bắt đúng bệnh, dùng đúng thuốc với liều lượng hợp lý” thì doanh nghiệp mới có thể vực dậy sau những ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời tránh sự trục lợi chính sách và nguy cơ lạm phát. Bởi nếu việc thực thi chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, nguồn tiền không đổ vào những lĩnh vực sản xuất tạo giá trị bền vững cho tăng trưởng kinh tế thì lạm phát có thể trở thành mối lo ở giai đoạn sau.

“Về gói hỗ trợ tín dụng, theo tôi, thực chất nằm trong định mức tín dụng hằng năm của doanh nghiệp nhưng cần tập trung vốn cho những đối tượng ưu tiên, phân loại có mục tiêu để vực dậy doanh nghiệp khó khăn. Vẫn chưa thể đánh giá hết hệ quả của dịch COVID-19 gây ra, nên nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra là toàn diện, cấp thiết giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trước mắt phải có các biện pháp để hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, nhất là giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống mức 15-17%", TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ quan điểm. 

Thị trường bất động sản thực sự "bất động" khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid - 19. Ảnh minh họa.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh thêm, việc hỗ trợ không đúng đối tượng có thể gây nguy cơ dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư không hiệu quả hoặc kém bền vững.

“Tổng cả 2 gói này là 280.000 tỷ đồng, số tiền rất lớn với nền kinh tế hiện nay. Nên nhớ, chúng ta đã từng có gói kích thích kinh tế 18.000 tỷ đồng năm 2009. Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện gói kích thích kinh tế năm 2009 cũng đã để lại nhiều bài học và buộc chúng ta phải cẩn trọng trong giai đoạn hiện nay, trong đó, hai rủi ro lớn nhất là trục lợi chính sách và lạm phát”, ông Long phân tích. 

Chia sẻ với báo chí, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, cần cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã “tiêu được tiền”:

“Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay”, ông Thành nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, điều doanh nghiệp mong muốn nhất lúc này là được sự "tiếp sức hà hơi" từ ngân hàng, cơ quan quản lý bằng nhiều biện pháp. Giải pháp tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ, kéo dài thời gian trả nợ là giải pháp đúng nhưng chưa đủ vì doanh nghiệp không thể đứng yên mà không hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp vẫn cần dòng tiền nhằm duy trì sản xuất kinh doanh dù ở mức tối thiểu để nuôi lao động và tìm cơ hội phục hồi.

“Do vậy, cùng với việc giãn nợ, các ngân hàng cũng nên tiếp tục cho vay để doanh nghiệp duy trì sản xuất mà không phải đòi hỏi các điều kiện như phương án kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp... Nếu đòi như vậy trong lúc này, doanh nghiệp không thể nào đáp ứng được. Nếu không được hỗ trợ vay vốn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải đóng cửa, không còn khả năng trả nợ cũ. Thời gian hỗ trợ cũng lâu dài, từ 6 tháng trở lên chứ không nên chỉ hỗ trợ trong thời gian quá ngắn”, vị chuyên gia phân tích.

Theo các chuyên gia, nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì hệ lụy và thiệt hại đối với nền kinh tế sẽ rất lớn. Tuy nhiên, sự cố này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại hướng đi của mình, phải thay đổi tư duy, chú trọng phát triển thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, bên cạnh việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và bộ, ngành, địa phương thì doanh nghiệp cần bình tĩnh xác định lại chiến lược phát triển dài hạn bởi các hỗ trợ từ Nhà nước chỉ mang tính thời điểm và dịch bệnh chỉ là một trong trong những rủi ro mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Vượt "bão" Covid-19: Doanh nghiệp cần tiếp sức dài hơi bằng "áo phao" tín dụng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.