Theo VinaCapital, các nước phát triển đang bơm khoảng 6.000 tỷ USD nhằm phục hồi kinh tế và dòng vốn này sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu.
Tại Việt Nam, tốc độ bán ròng của khối ngoại đã chậm lại và có tín hiệu dòng tiền mới được rót vào chứng khoán.
Vốn ngoại gia tăng đầu tư
Theo Bloomberg, các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đã bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Trong đó, các quỹ đầu tư bao gồm Ashmore Group Plc, Coeli Asset Management SA đã gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu Việt Nam kể từ tháng 3, trong khi nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng kể từ đầu tháng 6, lần đầu tiên tính từ tháng 1/2020 cho tới nay.
Cụ thể, Coeli Asset - Quỹ đầu tư có trụ sở tại Thụy Ðiển đã đưa tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục đầu tư từ mức 18,6% vào đầu năm 2020 lên khoảng 25%, bắt đầu mua vào cổ phiếu kể từ đợt bán tháo hồi tháng 3. Giá trị danh mục đầu tư tại thị trường cận biên của Quỹ vào khoảng 350 triệu USD.
“Chỉ số P/B (Giá thị trường/giá trị sổ sách) của cổ phiếu tại Việt Nam đã xuống mức rất thấp trong 18 tháng qua và không phản ánh chính xác tiềm năng trong dài hạn”, James Bannan, nhà quản lý quỹ đầu tư Coeli Asset nhận định.
Một số quỹ ngoại khác gắn bó với thị trường Việt Nam cũng gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu. Chẳng hạn, Quỹ PYN Elite quản lý khối tài sản 389 triệu euro (tính tới cuối tháng 5/2020), trong đó 94% rót vào cổ phiếu và tiền mặt ở mức 6%. Trước đó, vào cuối tháng 3, PYN Elite nắm giữ 9% tiền mặt.
Cùng với dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư nội, dòng tiền khối ngoại đã tạo động lực để chỉ số VN-Index tăng 28% kể từ đầu tháng 4 tới nay, trở thành thị trường tăng trưởng tích cực thứ hai trên toàn cầu, ngay cả khi đã điều chỉnh giảm 6% trong một số phiên gần đây.
Sức hấp dẫn của Việt Nam
Một trong những yếu tố giúp gia tăng tính hấp dẫn của thị trường là việc đồng tiền nội địa duy trì sức mạnh, trong khi xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đẩy sự chú ý của các doanh nghiệp/nhà đầu tư toàn cầu sang Việt Nam, coi đây là địa điểm để thiết lập chuỗi cung ứng thay thế Trung Quốc.
Tại Việt Nam, nhà đầu tư có thể hưởng lãi từ chia cổ tức ở mức 3 - 4%, lãi suất trái phiếu 3 - 4% và tiền gửi có kỳ hạn hưởng lãi 6 - 7%/năm.
Trong đó, Apple Inc là một trong những tên tuổi nổi bật nhất, muốn chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
“Ðồng VND giữ vững sự ổn định kể từ đầu năm tới nay, chủ yếu nhờ thặng dư thương mại lớn, nguồn dự trữ ngoại tệ ổn định”, Ruchir Desai, nhà quản lý quỹ tại Asia Frontier Capital Ltd chia sẻ. VND là đồng tiền châu Á có diễn biến tốt nhất trong gần 6 tháng qua, khi chỉ giảm 0,2% so với USD.
Ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận đầu tư của VinaCapital chia sẻ, nhà đầu tư nước ngoài bị hấp dẫn bởi nhiều yếu tố tại thị trường Việt Nam, nhất là khi đối tượng này đang được tiếp cận với dòng vốn mới, quy mô 6.000 tỷ USD mà chính phủ các nước phát triển bơm vào nền kinh tế nhằm hỗ trợ thời đại dịch.
“Chúng tôi tin rằng, những nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận với nguồn vốn được bơm vào các nền kinh tế đang chú ý nhiều hơn tới thị trường Việt Nam. Lý do là Việt Nam mang lại lợi nhuận lớn hơn so với các lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ, nơi mà trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cũng ở mức dưới 0, lãi từ chia cổ tức chỉ 1 - 2%. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhà đầu tư có thể hưởng lãi từ chia cổ tức ở mức 3 - 4%, lãi suất trái phiếu 3 - 4% và tiền gửi có kỳ hạn hưởng lãi 6 - 7%”, ông Andy Ho cho biết.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị và môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang rất ổn định. Khi nhà đầu tư quyết định đầu tư vào Việt Nam, họ có thể thấy tài sản khấu hao và đồng tiền duy trì ổn định, khó bị mất lợi nhuận do đồng tiền mất giá. Sức mua của thị trường hơn 90 triệu dân tạo lực hút với nhiều doanh nghiệp, cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo VinaCapital, các nước phát triển đang bơm khoảng 6.000 tỷ USD nhằm phục hồi kinh tế và dòng vốn này sẽ hỗ trợ TTCK toàn cầu. Việt Nam từng trải nghiệm sức mạnh từ dòng vốn mới, chẳng hạn việc chỉ số VN-Index tăng gần 50% trong năm 2017 khi Ngân hàng Trung ương châu Âu phát hành 1.000 tỷ USD tiền mới.