Dòng vốn FDI đổ về bất động sản vẫn lớn nhưng dường như trong bối cảnh gặp khó khăn chung tại các thành phố lớn, dòng vốn FDI đang chuyển hướng về tỉnh lẻ.
Lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đang là một trong những thị trường thuộc nhóm dẫn đầu các ngành kinh tế về doanh thu. Điều này được xem là yếu tố tạo nên sức hút mạnh nguồn vốn ngoại vào thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, những năm gần đây, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng khiến sức hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản đối với nhà đầu tư ngoại được gia tăng.
Trong bối cảnh những khó khăn về quỹ đất, giá đất, thủ tục, pháp lý tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… không chỉ làm khó các doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng chịu áp lực. Bởi vậy, dòng vốn khối doanh nghiệp ngoại cũng đang thay đổi “khẩu vị” tìm về các thị trường tỉnh lẻ có nhiều tiềm năng.
Cụ thể, theo UBND tỉnh Hải Dương, mới đây, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi tiếp và làm việc với đoàn đại biểu thành phố Tế Nam, Trung Quốc do bà Lôi Kiệt, Chủ tịch Hội Hiệp thương chính trị thành phố Tế Nam dẫn đầu. Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp của thành phố Tế Nam cũng muốn có cơ hội hợp tác với Hải Dương trong lĩnh vực thành phố thông minh, xây dựng nhà máy lắp ráp ôtô và khả năng hợp tác đa dạng trong lĩnh vực tài chính…
Ngày 25/12 vừa qua, Công ty xây dựng Hyundai Engineering & Construction Co. (Hyundai E&C) của Hàn Quốc cho biết đã giành được một hợp đồng trị giá 250 triệu USD để xây dựng một khách sạn thuộc dự án phát triển Vega City tại thành phố Nha Trang. Theo thỏa thuận, Hyundai E&C sẽ xây dựng một khách sạn cao 30 tầng, tiêu chuẩn 5 sao trên một mặt bằng rộng 33km2. Công trình này dự kiến được hoàn thành vào năm 2022.
Trước đó không lâu vào ngày 17/12, UBND TP. Hải Phòng có buổi làm việc với Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) về việc nghiên cứu địa điểm đầu tư một số dự án trên địa bàn thành phố.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho biết: “Hải Phòng là một trong những trung tâm thương mại, du lịch; một trong những thành phố công nghiệp, cảng biển lớn nhất miền Bắc từ trước đến nay. Tất cả sự phát triển về hạ tầng giao thông, đô thị, thương mại, dịch vụ, công nghiệp là cần thiết. Thành phố sẽ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, còn về phát triển như đô thị, khách sạn, hạ tầng xã hội… sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Việc kêu gọi các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Sumitomo là phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố”.
Theo đó, ông Lê Văn Thành đã gợi ý Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo nghiên cứu về một số dự án như khu đô thị VSIP, phát triển đô thị sân bay từ khu vực sân bay Cát Bi về hướng quận Dương Kinh, Đồ Sơn, một số dịch vụ logistics liên quan đến cảng Hải Phòng…Ông cũng khẳng định thành phố sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy triển khai các dự án cho các doanh nghiệp đầu tư.
Được biết, Tập đoàn Sumitomo hiện đang có 931 công ty con và liên kết tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các hoạt động kinh doanh đa ngành, gồm: kinh doanh hàng không dân dụng và sân bay; kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; khu công nghiệp và logistics; năng lượng; bất động sản, phát triển đô thị.
Bà Nguyễn Hồng Vân Giám đốc thị trường Hà Nội của JLL Việt Nam, cho rằng, với các hiệp định thương mại đã được ký kết cho thấy tín hiệu tốt về có nhiều nguồn vốn vào Việt Nam.
Bà chia sẻ: “Tôi thấy dòng vốn ngoại đi vào thị trường thì sẽ có nhiều tác động tích cực cho thị trường chứ không phải là tiêu cực. Thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ muốn đầu tư hoặc mua, tìm kiếm đối tác Việt Nam để liên doanh liên kết”.
Đây là dòng tiền tiềm năng, họ đem theo kinh nghiệm, dòng vốn và các doanh nghiệp trong nước có thể tìm được các nhà đầu tư nước ngoài thì không chỉ có thêm tiền mà còn có thể tích luỹ thêm kinh nghiệm để phát triển dự án của mình lên một tầm cao hơn. Các nhà đầu tư ngoại cũng không bị giới hạn tầm nhìn ở một lĩnh vực nào mà họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực như nhà thương mại, chung cư…
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính lũy kế, cả nước có 30.827 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 362,58 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 211,78 tỷ USD, bằng 58,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Theo báo cáo, trong năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Về vốn đăng ký mới, theo báo cáo, cả nước có 3.883 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27,5% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 16,75 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2018. Quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án giảm từ 5,9 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,3 triệu USD năm 2019.