Thời gian qua, TPHCM siết chặt quản lý bất động sản khiến nguồn cung căn hộ giảm sút đáng kể. Thêm vào đó, việc đầu tư đất nền có xác suất rủi ro cao, nhất là khi lừa đảo bất động sản nở rộ, nên nhiều nhà đầu tư đã chọn căn hộ chung cư ở vùng ven TPHCM là nơi để “chọn mặt gửi vàng”.
Vốn bị “đóng băng”
Những năm qua, phân khúc đất nền luôn được xem là “món ngon” đối với các nhà đầu tư bất động sản. Bởi lẽ, khi hạ tầng ngày càng phát triển thì hiển nhiên rằng giá đất cũng không ngừng “leo thang”. Mặt khác, người Việt thường coi “tấc đất như tấc vàng” nên có tâm lý sở hữu được càng nhiều đất càng tốt. Do đó, việc đầu tư vào đất nền đã từng được nhiều đại gia “ưu ái”.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi “cơn địa chấn” mang tên Địa ốc Alibaba trở thành chủ đề nóng hổi và luôn được đưa ra như một ví dụ điển hình của sự lừa đảo trên thị trường bất động sản, không ít nhà đầu tư đã bắt đầu “chùn tay” với đất nền.
Thêm nữa, khi TPHCM đẩy mạnh rà soát, thắt chặt quản lý thị trường bất động sản, nhiều nhà đầu tư đã “rót tiền” vào đất nền bị “đuối” vốn do không bán được hàng nên bắt đầu ngao ngán với phân khúc này.
Ông Phan Vũ, một nhà đầu tư đất nền tại huyện Hóc Môn cho biết, hồi cuối năm 2018, ông đã vét sạch vốn liếng để đầu tư đất nền tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TPHCM) với hi vọng sẽ kiếm được khoản lời kha khá.
Tuy nhiên, năm 2019, TPHCM bắt đầu rà soát, tăng cường công tác quản lý dẫn đến thị trường bất động sản bị chững lại. Theo đó, khu đất nền mà ông đã đầu tư cũng không thể “xuất xưởng”. Điều này khiến ông bị “cạn túi” do nguồn vốn “đóng băng” theo… đất.
Tương tự, ông Hà Thái Bảo, một người đầu tư đất nền ở khu vực giáp trục đường Tỉnh lộ 2 (huyện Củ Chi, TPHCM) cũng gặp khó khăn trăm bề. Nguyên nhân là do ông đã vay ngân hàng để đầu tư đất ở đây với mong muốn sinh lời. Nhưng do không bán được đất đã mua nên ông không có cách để xoay sở vốn, trong khi tiền lãi ngân hàng thì vẫn phải “cõng trên lưng” mỗi ngày.
“Đất nền đã mua tôi không thể bán lại ngay lúc này được. Vì khi rao bán, những người hỏi mua cứ “chê ỏng chê eo” do chưa ra được sổ hồng. Hoặc nếu bán thì phải chấp nhận bán lỗ. Nhưng nếu bán lỗ thì làm sao tôi có thể “cân” nổi khoản tiền vay và cả tiền lãi ngân hàng”, ông Bảo nói.
Căn hộ vùng ven giúp “giải cơn khát”
Ở một diễn biến khác, chuyên gia bất động sản Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư VietHome cho hay, trong khi từ đầu năm 2019 đến nay ở TPHCM không có nhiều dự án mới được “khai sinh” khiến nguồn cung thiếu hụt, thì tại tỉnh Bình Dương chỉ trong quý 3/2019 đã có tới hơn 4.000 căn hộ được mở bán. Đó là chưa kể, ở tỉnh này sẽ còn mở bán nhiều dự án mới trong quý 4 năm nay.
Theo ông Đào, điều này đã giúp nhiều nhà đầu tư “giải cơn khát” khi thị trường bất động sản tại TPHCM bị chững lại trong thời gian qua. Bởi lẽ, nguồn cung căn hộ ở TPHCM không theo kịp cầu cho nên nhà đầu tư phải “đánh bắt xa bờ”.
Thêm vào đó, vừa qua thị trường bất động sản nở rộ những thương vụ mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã chọn giải pháp an toàn là đầu tư căn hộ, nhất là căn hộ ở những khu vực giáp ranh TPHCM.
Đây cũng là “đòn bẩy” giúp cho phân khúc căn hộ chung cư tại tỉnh Bình Dương bùng nổ mạnh mẽ và đạt tỷ lệ giao dịch cao trong 1 năm gần đây.
“Căn hộ 2 phòng ngủ có giá khoảng từ 1 – 1,3 tỷ đồng không chỉ phù hợp với những người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương mà đây còn được xem là nguồn hàng thay thế giúp “giải cơn khát” của các nhà đầu tư. Đây cũng là minh chứng rằng, nhiều nhà đầu tư vẫn chọn “ăn chắc mặc bền” khi tập trung vào phân khúc căn hộ, chê đất nền do xác suất rủi ro cao”, ông Đào nhận định.
Quế Sơn - Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/bat-dong-san/vi-sao-nha-dau-tu-tap-trung-vao-can-ho-che-dat-nen-20191103074248611.htm