Vì sao đàn bà 'dại'?

25/10/2019 08:29

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông điệp 'thương thay số phận đàn bà', 'đàn bà dại'... Có người còn nổi giận với một vài trường hợp cụ thể: 'Cô kia thật dại, bị chồng đánh dã man nhưng vẫn không bỏ chồng'. Tại sao lại thế?

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông điệp 'thương thay số phận đàn bà', 'đàn bà dại'... Có người còn nổi giận với một vài trường hợp cụ thể: 'Cô kia thật dại, bị chồng đánh dã man nhưng vẫn không bỏ chồng'. Tại sao lại thế?

Vì sao đàn bà dại? - Ảnh 1.

Phụ nữ hi sinh, nhưng đừng đánh mất mình - Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN

Có phải vì yêu, vì thương, vì yếu đuối... mà đàn bà phải chịu thiệt, chịu hi sinh bởi chính sự tử tế và yếu lòng? Sự mạnh mẽ hay dại dột của người phụ nữ đều ẩn chứa đâu đó một sự chịu đựng bên trong.

Đàn bà mạnh mẽ

"Muốn gắn ốc vít thì phải vặn theo chiều kim đồng hồ, còn tháo cánh quạt thì phải vặn ngược chiều kim đồng hồ vì cánh quạt được thiết kế quay theo chiều kim đồng hồ mà. Ông chồng tưởng tháo cánh quạt như ốc vít, suýt nữa làm hỏng cái quạt của tôi" - chị Yến cười nói.

Chị Yến là một phụ nữ đặc biệt thông minh. Từ thời con gái chị đã rất giỏi nấu nướng, thêu thùa, khâu vá. Một lần đến nhà người quen chuyên buôn đồ Nhật cũ, thấy có 6 chiếc xe đạp cũ vừa gửi về, chị ngồi tháo cả 6 chiếc ra, chọn những bộ phận tốt nhất của từng chiếc lắp lại thành một chiếc tốt nhất. Đó là những dấu hiệu đầu tiên báo trước tương lai của một phụ nữ vất vả.

Vì thông minh nên khi lấy chồng, chị thường ngứa mắt với đức ông chồng chuyên khoan nhầm đường điện, đường nước. Sau nhiều lần chị quyết định gạt chồng sang một bên để thu xếp việc nhà hoàn hảo như ý chị muốn. Chị thành người quyết định mọi thứ trong nhà.

Nhà càng hoàn hảo bao nhiêu, chị càng mệt mỏi bấy nhiêu, sinh kèm bẳn gắt, thất vọng triền miên về ông chồng. Ở ngưỡng 50 tuổi, khi sức khỏe xuống cấp, lúc này chị mới quyết định nhường bớt việc cho chồng. "Tất nhiên khi ông ấy tháo cánh quạt, vẫn phải đứng giám sát" - chị nói.

Chị Yến kể chị chưa là gì với bà bạn Hà của chị. Kinh tế nhà chị Hà rất khá giả, hai vợ chồng mỗi người một ôtô nhưng chị Hà không mấy khi được đi du lịch vì nhiều năm nay chị Hà luôn "thiết lập" cho gia đình phụ thuộc tuyệt đối vào chị. Là người theo đuổi chủ nghĩa nội trợ hoàn hảo, mỗi ngày nấu ăn chị đổi món liên tục, với tiêu chuẩn cao về chất lượng thực phẩm và vệ sinh. Chị kỹ đến mức lâu dần chồng và con trở thành những người ăn uống khó tính.

Trong một lần hiếm hoi ba mẹ con chị Hà được đi du lịch nước ngoài. Ba mẹ con bịn rịn mãi không nỡ rời xa cha. Ngày đầu tiên không ăn cơm nhà, con trai chị bị đau bụng. Trở về, chồng chị tuyên bố từ nay "không du lịch du liếc gì hết". Chị Hà thở dài, chắc về già chị cũng chẳng được đi đâu, vì chị như con trâu đã bị buộc chặt vào cái cọc là gia đình. Nhưng chị không nhận ra, cái cọc ấy do chị đóng.

Trường hợp chị Hằng, dù gia đình, anh em họ hàng khuyên bảo thế nào chị Hằng cũng không bỏ chồng. Anh ta nghiện rượu, thường xuyên đánh đập vợ. Thậm chí còn xúc phạm chị đến mức: "Loại mày tao không thèm ngủ cùng". Nhưng không hiểu vì lý do gì, hết lần này đến lần khác chị lại trở về bên anh ta.

Khi gia đình khuyên chị nên ra Hà Nội buôn bán thì người chồng vô dụng thỉnh thoảng lại ra gọi chị về quê, bảo chị thanh toán hết số tiền nợ, rồi lại đuổi chị đi. Lý do mà chị Hằng vẫn giải thích với mọi người là chị không muốn con thiếu cha, không muốn nhà vắng người đàn ông.

Hi sinh nhưng đừng đánh mất mình

"Phụ nữ 6X, 7X phần lớn được dạy là phải biết hi sinh vì gia đình, vì chồng vì con. Nhiều người lấy đó là niềm vui, là lẽ sống, và cũng có thể là một thói quen. Cá nhân tôi khi đi cùng chồng con, bao giờ cũng để mọi người lựa chọn, chồng con vui là tôi vui" - chị Hạnh chia sẻ.

Chị Hạnh đã có một lựa chọn khó hiểu với phần đông bạn bè của chị. Khi chị quyết định ly hôn, chị ra đi tay trắng. Hai mẹ con chị phải thuê nhà, với số tiền dự trữ vô cùng ít ỏi, vì trước đó chị đã trả nợ cho chồng rồi mới đi. Nhưng kể từ đó đến giờ, khi con của chị đã 24 tuổi, chị chưa một lần đòi tiền trợ cấp từ chồng cũ. Chị chỉ tâm niệm một điều, chị muốn giữ cho anh hình ảnh đẹp nhất trong mắt con cái.

"Nhiều bạn bè nói tôi quá dại, nhưng bản thân tôi tự lập từ bé, tôi có thể tự lo được cuộc sống cho hai mẹ con. Với tôi khi tình cảm không còn thì tiền không quan trọng. Tôi chưa một lần oán trách anh ấy. Tôi không hiểu sao, nhưng có lẽ thế hệ tôi, thói quen hi sinh đã thấm vào máu rồi" - chị Hạnh nói.

Cái giá của sự hi sinh

Chị Yến, người biết tháo ốc vít, tháo quạt, cho biết cuối cùng chị cũng nhận ra mình không còn đủ sức khỏe để kham tất cả. Chị đã nhận ra sự lười biếng của chồng chị thời hiện tại có nguyên nhân từ những hành xử của chị trong quá khứ. Chị Yến cũng từng than: "Biết thế đừng tự làm khó mình ngay từ đầu".

Rất nhiều người phụ nữ hi sinh hết tuổi thanh xuân, thời gian, sức khỏe cho gia đình riêng vì họ nghĩ mình cần phải làm thế. Cho đến khi họ cảm thấy người thân không đáp tình cảm, tấm lòng của họ, họ chỉ biết khóc. Thậm chí có phụ nữ làm ra tiền, chi phí mọi thứ trong nhà, sau đó nhận ra mình đã sai khi bao cấp tất cả, chồng ỷ lại và "quên hẳn việc góp tiền cho vợ".

Trong những năm tháng đó, nhiều người đã tự thay đổi bản thân vì gia đình đến mức không còn là chính mình. Khi gặp chuyện, họ mới nhận ra họ không chỉ mất đi tuổi trẻ, sức khỏe, sự tự tin, và họ trở nên hoài nghi chính mình.

Hiện tượng này rất phổ biến ở Việt Nam bởi do bối cảnh văn hóa, xã hội, phụ nữ bị bó hẹp trong những khuôn mẫu về giới. Rất nhiều người từ bé đã được cha mẹ dặn "con gái phải thế này", "con gái phải thế kia". Họ được huấn luyện làm việc nhà rất tốt, được huấn luyện cả cách nghĩ về việc họ cần phải trở thành một người phụ nữ như thế nào và họ đã quên mất bản thân mình.

Cùng cho đi sẽ tốt hơn

Rất nhiều phụ nữ Việt Nam giống như nhân vật Khuê trong bộ phim truyền hình Hoa hồng trên ngực trái đang phát sóng. Khuê đã suy sụp khi phát hiện chồng ngoại tình, trong cơn say cô nói: "Ngày xưa anh nói yêu tôi, anh sẽ lo cho tôi suốt đời". Chỉ vì một lời hứa Khuê đã bỏ dở việc học đại học, chọn ở nhà làm một bà nội trợ suốt 10 năm, cho đến khi nhận ra hi sinh này là vô ích.

"Thông thường trong quan hệ yêu đương và quan hệ hôn nhân, không tồn tại tình huống chẳng có chút "hi sinh" nào, nhưng cách hợp lý hơn nên là bất kể bên nào "hi sinh" nhiều ít, đều xây dựng trên cơ sở hai bên đồng ý và chấp nhận nhau. Nếu không, sự cho đi ngốc nghếch và hi sinh miễn cưỡng của bất cứ bên nào đều là không bình thường" - tác giả Mộ Nhan Ca đã viết như vậy trong cuốn Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo.

Tác giả này khuyên phụ nữ thay vì nghĩ cách làm sao "hi sinh cho tốt đẹp" hãy nghĩ cách làm sao "sống đẹp" hơn.

 Ngọc Diệp - Theo tuoitre.vn

 

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao đàn bà 'dại'?" tại chuyên mục Đời sống. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.