Hậu Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều tín hiệu lạc quan và xuất hiện những xu hướng đầu tư mới. Trong đó, những khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc với sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp lớn sẽ có cơ hội bứt phá khi là “địa chỉ” thu hút dòng tiền và khách du lịch trung – cao cấp.
Sáng ngày 09/6, dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.
Du lịch hồi phục nhanh, bất động sản nghỉ dưỡng đón đầu cơ hội
Trong ngắn hạn, sự phục hồi của du lịch còn phụ thuộc vào kết quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam và thế giới, nhưng theo dự báo của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế, đây cũng sẽ là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Bởi lẽ, Việt Nam là điển hình thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Các biện pháp của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch tiếp tục được dư luận quốc tế đánh giá là nhanh chóng, quyết liệt và nhận được sự đồng lòng của toàn dân.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đánh giá, Việt Nam đang nổi lên trở thành điểm đến không chỉ hấp dẫn, mà còn an toàn nhất thế giới. Tạp chí hàng đầu của Mỹ, The Nation có bài viết "Việt Nam có lẽ là quốc gia ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiệu quả nhất thế giới", đã ghi nhận Việt Nam như một quốc gia an toàn nhất trong và sau mùa dịch bệnh Covid-19.
Ông Nghĩa cho rằng, chính sự thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam sẽ là “vũ khí” để ngành du lịch mở rộng thị trường khách, sớm hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ.
“Sau dịch, các tổ chức quốc tế dự báo, khách quốc tế sẽ bùng nổ ở thị trường du lịch Việt Nam, cộng thêm xu hướng nhiều nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, lượng khách du lịch cũng sẽ tăng theo. Với mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú kéo dài của khách quốc tế, áp lực lên nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng ven biển sẽ gia tăng thêm theo thời gian, cần tiếp tục đầu tư thêm nhiều tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng khác”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng, những tín hiệu sáng của ngành du lịch như cầu vồng sau cơn bão, là cơ hội lớn để bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi và bứt phá với những xu hướng mới.
“Những chủ trương, chính sách của Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt bão Covid -19 cũng là lực đẩy quan trọng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục, nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng và hứa hẹn đây vẫn là một kênh đáng để đầu tư với khả năng sinh lời cao”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, với sự “tái khởi động” của những “sếu đầu đàn”, như Sun Group, Vingroup, CEO Group…, các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn được khai thác, vận hành tốt sẽ tạo nên những giá trị lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho các khu vực nhất định.
“Bằng chứng là trong khi trên thế giới, những “cỗ máy in tiền” dưới dạng mô hình tổ hợp/quần thể du lịch, nghỉ dưỡng đã xuất hiện từ lâu, như ở Singapore, Malaysia… Ở Việt Nam, mới đây, các tổ hợp du lịch quy mô cũng dần xuất hiện tại Vân Đồn, Hạ Long, Phú Quốc và chứng minh được sức hút. Lượng khách du lịch, đặc biệt là dòng khách hạng sang đến các tổ hợp này rất lớn.
Vì thế, xu hướng đầu tư vào các bất động sản nằm trong tổ hợp du lịch sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm về lượng khách ổn định, gia tăng theo thời gian. Các công trình nằm trong tổ hợp sẽ có sự bổ trợ lẫn nhau hiệu quả, đảm bảo khả năng kinh doanh cho các nhà đầu tư. Thêm điểm cộng nữa là nhà đầu tư có thể yên tâm về tính pháp lý khi đầu tư vào bất động sản nằm trong các tổ hợp quy mô, đẳng cấp”, ông Nam nhận định.
Trật tự khu vực nghỉ dưỡng xác lập lại: Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai là sẽ là trọng tâm
Liên quan đến câu chuyện này, chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhìn nhận, sự xác lập lại trật tự của những khu vực nghỉ dưỡng là điều hoàn toàn có thể xảy ra sau khoảng thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các thị trường mới bắt đầu dậy sóng sẽ trở thành điểm dừng chân của các nhà đầu tư. Bởi với yếu tố "mới", "lạ" cũng như khả năng "tiếp thu kinh nghiệm tốt" từ các điểm du lịch truyền thống trước đó sẽ tạo ra ưu thế kép cho vùng đất mới.
“Đơn cử như Vân Đồn, về vị trí địa lý, thiên nhiên, cũng như được sự nghiên cứu của Chính phủ, sự vào cuộc của địa phương, hay các nhà đầu tư lớn tham gia thì chỉ sau vài năm nữa, bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn sẽ thực sự bứt phá. Nhất là từ khi Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, thị trường bất động sản nơi đây đang có sự sôi động trở lại. Bởi quyết định phê duyệt quy hoạch là thông tin được các nhà đầu tư đặc biệt mong chờ”, ông Hà nhấn mạnh.
Cụ thể, tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, Vân Đồn được xác định là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp, là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Đây cũng là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững, khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Thông tin quy hoạch cùng với sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, sân bay quốc tế Vân Đồn đi vào khai thác tốt, việc khánh thành 3 dự án giao thông trọng điểm, khởi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái…, và trong sự lạc quan về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hậu dịch, những khu kinh tế mở như Vân Đồn sẽ thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, có triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn.
“Vân Đồn đang trỗi dậy, là nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin và kỳ vọng vào sự trỗi dậy của Vân Đồn tương tự như Singapore, trước đây cũng là một làng chài, nhờ chính sách và sự đầu tư đúng đắn đã lột xác trong thời gian rất nhanh”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
"Vân Đồn đang trỗi dậy, là nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược"
Theo vị chuyên gia này, Vân Đồn mang dáng dấp của một đô thị biển sinh thái năng động, xanh, thông minh và nhân văn. Chính sự cởi mở về cơ chế, chính sách tạo ra sự tự do, độ mở cho phát triển kinh tế. Những động thái thí điểm phát triển khu kinh tế ban đêm, hay sự điều chỉnh cấp quản lý… cùng với môi trường sống an ninh, an toàn hơn so với những khu khác là yếu tố kích thích sự phát triển của du lịch, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, chuẩn mực quản trị của các thương hiệu lớn đầu tư vào Vân Đồn như CEO Group, Sun Group..., tiệm cận hoặc bằng thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thu hút nhiều khách quốc tế hoặc khách trung và thượng lưu trong nước.
Còn PGS. TSKH. Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế & Chính trị thế giới nhận định, Việt Nam không nên thực hiện công nghiệp hóa kiểu cũ nữa mà nên đi theo con đường hiện đại hóa – ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ cao cấp mà Việt Nam có lợi thế. Trong đó, mấu chốt chính lợi thế khai thác dịch vụ du lịch tại những khu vực trọng điểm, giàu tiềm năng, như Vân Đồn (Quảng Ninh) hay Phú Quốc (Kiên Giang)...
PGS.TS. Trần Kim Chung cũng đánh giá, Vân Đồn, cùng với những ưu điểm của mình, tiềm tàng trong nội tại tính chưa phát triển chính là một lợi thế trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tập trung.
“Với lợi thế của người đi sau, cùng với những cơ chế, chính sách của Nhà nước, đặc biệt sự trỗi dậy và mong muốn phát triển của con người Quảng Ninh; Vân Đồn, Quảng Ninh sẽ có điều kiện lựa chọn và triển khai những sản phẩm mới, khác biệt và không lặp lại những sản phẩm đã có”, ông Chung khẳng định.
Còn theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn Vân Đồn trở thành thương hiệu quốc gia thì nơi đây buộc phải thu hút du khách cao cấp bằng cách tạo ra những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
“Nói điều này không phải thể hiện sự quá tầm với Vân Đồn mà thực sự Vân Đồn rất xứng đáng trong bối cảnh bình thường mới như hiện nay. Vân Đồn đã thu hút các chủ đầu tư chuyên nghiệp nhất, đổ rất nhiều nguồn lực để kiến tạo ra bộ mặt mới. Muốn Vân Đồn trở thành biểu tượng du lịch quốc gia, cần phải có sự thay đổi mang tầm tư duy mới”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nói và nhấn mạnh, cách xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng của chúng ta trong điều kiện mới như thế nào là vấn đề cần được quan tâm, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực tài nguyên quốc gia.
“Đánh thức” tiềm năng Vân Đồn, Phú Quốc bằng những tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô, đẳng cấp
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, sở dĩ những khu vực như Vân Đồn, Phú Quốc có được sự vươn lên nhanh chóng là bởi đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup, CEO Group… Cách làm của các tập đoàn này khác với các doanh nghiệp khác ở chỗ, họ tạo dựng nên các tổ hợp/quần thể du lịch nghỉ dưỡng, giải trí quy mô lớn, các dự án khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các khách sạn quốc tế, phố thương mại, bến du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế, khu nghỉ dưỡng riêng tư…
“Đó cũng chính là nhân tố quyết định đến việc kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Thay vì chỉ loanh quanh các điểm tham quan, ăn hải sản và tắm biển thì du khách vừa có thể nghỉ dưỡng, vừa vui chơi giải trí tại các công viên trò chơi, công viên giải trí biển, hoặc mua sắm, trải nghiệm dịch vụ tại hệ thống nhà phố thương mại. Đây là cách làm du lịch vượt khỏi tư duy kiểu cũ, góp phần thu hút dòng khách thượng lưu quốc tế”, ông Nam khẳng định và cho rằng, hiện nay, các nhà đầu tư cũng đã dần biết cách “chọn mặt gửi vàng”, đặt niềm tin “đúng chỗ”, nhìn nhận được đâu là sản phẩm bất động sản có tiềm năng sinh lời. Đó phải là những sản phẩm được thiết kế đẳng cấp, khác biệt, mang dấu ấn riêng, nằm trong khu vực du lịch phát triển, có nhiều dự án xung quanh bổ trợ để cùng thu hút khách du lịch…
Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO.
PGS.TS Trần Kim Chung cũng nhìn nhận, chủ trương phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn cần nhà đầu tư lớn, chiến lược, đường dài. Vì vậy, cần có những doanh nghiệp đầu tàu, những doanh nghiệp thứ cấp, những doanh nghiệp hỗ trợ đồng lòng, hợp lực và đi đường xa mới có thể tạo lập và phát triển được dòng sản phẩm này.
Ông Nguyễn Mạnh Hà đánh giá, thực tế, thời gian qua, nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã có những chiến lược dài hạn, cho ra mắt những tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp, tạo ra sự khác biệt rõ nét trên thị trường, góp phần nâng cao bộ mặt của ngành du lịch Việt Nam trong mắt khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra những cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả.
“Du khách đặc biệt là khác quốc tế cần nhiều những hoạt động giải trí đa dạng. Các nhà đầu tư cũng cần nhiều sản phẩm đa dạng. Trên thế giới, xu hướng sở hữu bất động sản du lịch như “ngôi nhà thứ hai” đang ngày càng được ưa chuộng. Và Việt Nam - điểm đến an toàn – là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng sản phẩm và tạo thương hiệu: Việt Nam – ngôi nhà thứ 2 của khách quốc tế”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TSKH. Võ Đại Lược, để phát triển dịch vụ du lịch đa dạng, nhất thiết phải tổ chức và đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch đa công năng, đa tiện ích, đặc biệt là tại các khu kinh tế chưa có hạ tầng du lịch phát triển như Vân Đồn.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần nhấn mạnh vai trò của kinh tế ban đêm trong việc khơi dậy những tiềm năng của các khu kinh tế đặc biêt trong tương lai.
“Với các khu du lịch, resort 5 sao thì riêng các khu vui chơi của họ đã tách biệt hẳn so với khu nghỉ dưỡng, nên cho phép phát triển hoạt động kinh tế ban đêm. Lý do là cả thế giới họ đều cho phép như vậy, sự phát triển sôi động đổi thay từng ngày từng giờ, thế giới hiện đại vận hành 24/24 không lúc nào ngừng nghỉ và chúng ta đang trong cuộc hội nhập như thế, múi giờ, giao dịch, giải trí… đều là hợp lý, chính đáng, không có gì là trở ngại cho việc phát triển kinh tế ban đêm.
Vân Đồn chính là cơ hội vàng để xây dựng bài bản, làm tử tế bởi gần như là xây mới nên hãy làm hình mẫu phát triển. Với hành lang pháp lý hiện thời, Vân Đồn đã đủ cơ sở, tiềm lực để phát triển bất động sản du lịch cũng như kinh tế ban đêm”, luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, rõ ràng, nếu kết hợp phát triển kinh tế ban đêm ở những tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng đa chức năng sẽ thúc đẩy cả hai lĩnh vực cùng tăng trưởng. Ngược lại, những tiềm năng lớn ở các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai là bệ đỡ vững chãi cho kinh tế ban đêm bứt phá.
“Ở một số khu du lịch đa năng như Vân Đồn hay các khu nghỉ dưỡng lớn đã có các trung tâm vui chơi, giải trí… thì việc kết hợp lại với nhau cũng là một vấn đề rất quan trọng để tạo ra một chuỗi hoạt động xuyên suốt cả đêm lẫn ngày. Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại các tổ hợp nghỉ dưỡng riêng biệt này sẽ giúp dễ dàng hơn trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
Tuy nhiên, khi phát triển các hoạt động về đêm, các tổ hợp nghỉ dưỡng cần tạo ra được những nét độc đáo, riêng biệt bằng cách gắn với những đặc sắc văn hóa địa phương, vùng miền để du khách có sự trải nghiệm khác lạ. Đồng thời, cần đa dạng hóa các sản phẩm, hoạt động để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của du khách. Đây mới là yếu tố cốt lõi để du khách sẵn sàng rút hầu bao và ở lại lâu hơn”, vị chuyên gia nhấn mạnh./.