Nam bệnh nhân 44 tuổi, ở Hà Nội, uống khoảng 15 viên thuốc sốt rét để phòng bệnh Covid-19. Sau đó bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thuốc.
Một bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết nam bệnh nhân 44 tuổi, ở Hà Nội đã bị ngộ độc phải nhập viện rửa ruột sau khi uống khoảng 15 viên thuốc sốt rét phòng Covid-19.
Trước đó, bệnh nhân được chuyển vào cấp cứu tại trung tâm y tế tuyến huyện, sau đó được chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được rửa dạ dày, dùng than hoạt tính...
Hiện bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện. Bệnh nhân cho biết nghe thông tin trên mạng thuốc sốt rét được dùng để điều trị Covid-19 nên anh này đã mua thuốc để uống dự phòng. Ngay sau khi uống, bệnh nhân bị tụt huyết áp, nôn, mắt nhìn lơ mơ...
Theo bác sĩ điều trị, đây là trường hợp đầu tiên được cơ quan y tế y ghi nhận bị ngộ độc thuốc sốt rét do uống để dự phòng Covid-19.
Một trong những loại thuốc trị sốt rét được nhiều người tìm mua để dự phòng Covid-19
Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia y tế tại Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về việc người dân mua tích trữ thuốc trị sốt rét. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cảnh báo về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc sốt rét (hoạt chất chloroquine và hydroxychloroquine). Theo đó, hydroxycloroquin/cloroquin từ trước đến nay thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ... Hydroxycloroquin là Cloroquin có gắn thêm nhóm (–OH) để giảm các tác dụng phụ so với Cloroquin thông thường nhưng thuốc có rất nhiều tác dụng phụ.
"Mắt có thể bị phù, teo điểm vàng, rối loạn màu sắc, mất phản xạ hố võng mạc; ảnh hưởng đến thị trường mắt dẫn đến khó nhìn, khó đọc, sợ ánh sáng. Những tổn thương này có thể xảy ra ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc. Nó cũng gây ra các rối loạn tạo máu khác nhau như thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu, tan máu ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD. Trong đó tác dụng phụ với tim mạch là nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến xoắn đỉnh, rung thất và đột tử" - PGS Hiếu cảnh báo.
Theo PGS Hiếu, thuốc này có thể có tác dụng điều trị Covid-19 nhưng hiện tại mới chỉ chứng minh được trên quy mô phòng thí nghiệm. Một số nghiên cứu lâm sàng không ngẫu nhiên, không đối chứng cũng cho thấy các tín hiệu khả quan về hiệu quả của thuốc. Để đưa một thuốc ra áp dụng trong cộng đồng là một quy trình khắt khe cũng giống như thử nghiệm vắc-xin vậy. Hiện tại Mỹ chỉ phê duyệt cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc này chứ chưa cho sử dụng rộng rãi.
PGS Hiếu cho biết những ngày qua, nhiều đồng nghiệp của ông đã phân tích rất cụ thể về nguy hiểm khi sử dụng thuốc này. Tuy nhiên, trên mạng xã hội vẫn tràn ngập thông tin về Cloroquin. "Giá thuốc tiếp tục tăng và đã có ca bị ngộ độc nặng vì uống dự phòng"- ông cảnh báo. Ông cũng khuyến cáo người dân không nên tích trữ loại thuốc này và không uống dự phòng để ngừa Covid-19. "Trong tình hình hiện nay, điều đúng đắn là người dân nên hạn chế ra ngoài, những người được ngành y tế khuyến cáo cách ly tại nhà cũng nên tuân thủ tuyệt đối. Đừng tự sử dụng thuốc biệt dược chống Covid-19 tại nhà"- PGS Hiếu khuyến cáo.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cảnh báo người dân tuyệt đối không mua tích trữ thuốc chloroquine. Đây là hóa chất tổng hợp, có độc tính, sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ.