Black Friday là ngày hội mua sắm với mức giá giảm "sốc". Sự kiện này diễn ra vào thứ sáu tuần thứ 3 của tháng 11 hàng năm. Năm nay, Black Friday rơi vào thứ Sáu, ngày 29/11, nhưng thực tế kéo dài trong 3 ngày từ thứ Sáu tới Chủ Nhật, thậm chí cả tuần.
Vào dịp này, người dân có thể mua được các sản phẩm thời trang như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng... từ thương hiệu nổi tiếng với mức giá giảm từ 30% - 70%.
Đa số người tiêu dùng khó tránh khỏi sự hấp dẫn từ những lời mời chào như: mua một tặng một, sale sập sàn, khuyến mại khủng, giảm giá kịch trần... dù biết rằng, giá khuyến mại chưa chắc đã phù hợp với chất lượng sản phẩm.
Một số tín đồ hàng hiệu cho biết, họ đã tham khảo giá sản phẩm từ trước và cảm thấy mức giá sau giảm của cửa hàng đưa ra là không hợp lý. Thậm chí một số sản phẩm còn có giá tương tự như khi chưa giảm.
Đặc biệt, tình trang trà trộn hàng tồn kho, hàng kém chất lượng để tranh thủ bán những ngày Black Friday cũng không phải là hiếm. Có những sản phẩm thực ra đã lỗi thời nhưng được đem ra bán trong dịp này. Người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận xem xét từng đường kim, mũi chỉ trên các sản phẩm trước khi thanh toán, vì hàng mua ngày Black Friday thường sẽ không được đổi trả và bảo hành.
Thậm chí, có những trường hợp không có nhu cầu nhưng vì quá ham rẻ nên vẫn 'tha lôi" hàng đống đồ về nhà.
Chị Lan Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, mỗi mùa Black Friday chị thường có thói quen chi cả chục triệu đồng để mua quần áo, giày dép, túi xách... dù không có nhu cầu. Thậm chí ở nhà có cả chục cái túi xách, mấy chục đôi giày... nhưng chị vẫn mua vì không dằn lòng được.
"Năm ngoái, tôi bỏ ra hơn 20 triệu đồng để mua đồ. Thực ra tôi có thiếu gì đâu, nhưng vì ham rẻ, vì phong trào... nên không "nhịn" được. Thậm chí có những thứ mua về cả năm không dùng đến, như túi xách, quần áo..." chị Lan Anh cho hay.
Tình trạng chi tiêu lãng phí trong ngày hội mua sắm Black Friday quả thực ngày càng lan rộng. Cũng giống như chị Lan Anh, nhiều anh chị em công sở tranh thủ giờ nghỉ trưa dịp này để mua sắm khiến các cửa hàng thường xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy... Đặc biệt là khâu thử đồ, khâu thanh toán... phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ liền.
Chị Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, dịp Black Friday năm ngoái chị mua tới 5 chiếc nồi giảm giá của thương hiệu Lock & Lock, 1 chiếc máy ép hoa quả... nhưng đến nay vẫn chưa hề dùng đến.
"Năm ngoái xoong nồi giảm giá tới 50% nên tôi mua nhiều. Năm nay chắc tôi không dám đi siêu thị nữa để khỏi sa đà mua tiếp. Nhà tôi chật chội cũng chẳng còn chỗ mà để đồ, chồng con còn la mắng cho", chị Minh bày tỏ.
Nhiều chị em công sở than phiền, hết mấy ngày Black Friday là túi cũng cạn tiền, thậm chí còn phải vay mượn tiền nhau. Trong khi đó, đồ mua về không dùng đến, hoặc mua phải đồ chất lượng kém, không đáng giá tiền bỏ ra.
Theo đánh giá của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương, những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã hưởng ứng sự kiện như Black Friday rất tích cực, đánh dấu một trong những sự kiện mua sắm, giảm giá lớn trong năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong và sau ngày Black Friday thì quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xâm phạm. Điển hình trong việc nhiều người mua phải hàng hóa, dịch vụ với giá cao nhưng chất lượng kém. Nhiều người tiêu dùng mua hàng do những thông tin có tính dụ dỗ, thổi phồng, chế độ bảo hành không được như cam kết... Hàng hoá mua xong lại không được đổi trả.
Chị Hồng (Láng Hạ, Hà Nội) chia sẻ, chị mua một chiếc váy len có thương hiệu khá nổi tiếng trong dịp Back Friday năm ngoái với mức giá giảm đến 30%. Tuy nhiên chỉ giặt và mặc vài lần thì chiếc vay không còn giữ được "phom", thậm chí còn bị xù lông trông rất lem nhem. Cũng vì thế nên chị "cạch đến già" việc mua sắm trong dịp này.
toquoc.vn/trut-hau-bao-ngay-black-friday-vi-ham-re-ban-duoc-gi-2019112608420589.htm