TP.HCM: “Rón rén” xây dựng công trình trên đất nông nghiệp

21/02/2022 08:15

Nhiều quận, huyện đề xuất cho thí điểm xây công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp tạm trong đất quy hoạch.

Năm 2020, nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết của tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 3680 cho phép thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp tại ba huyện Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ. Sau hơn một năm thí điểm, điều đáng ngạc nhiên là số lượng hồ sơ được giải quyết không nhiều. Theo các huyện, vẫn còn vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

Một năm, chỉ 138 hồ sơ được giải quyết

Cần Giờ là huyện có diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 67% tổng diện tích, còn lại là đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Theo huyện Cần Giờ, ba tháng áp dụng chương trình thí điểm, địa phương này tiếp nhận năm hồ sơ của người dân đăng ký xây dựng.

Sau một năm thì số lượng đăng ký của người dân có nhu cầu là 422 hồ sơ, chủ yếu là tại thị trấn Cần Thạnh và các xã An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn, Long Hòa, Thạnh An, Bình Khánh. Tuy nhiên, kết quả giải quyết chỉ được 11 trường hợp.

Tại huyện Nhà Bè, trước khi có Quyết định 3680 của TP, năm 2018 địa phương này đã ban hành quyết định tạm thời về phê duyệt phương án sản xuất nông nghiệp có xây dựng công trình trên đất nông nghiệp (kèm theo phương án sản xuất nông nghiệp có xây dựng công trình trên đất).

Theo huyện Nhà Bè, diện tích đất nông nghiệp của huyện còn rất lớn. Hiện người dân có nhu cầu xây dựng các công trình để phục vụ nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp như nhà lá, nhà màng, nhà lưới… để trồng rau, dứa, nấm, cây ăn quả; chuồng trại, kho để vật tư, nông sản, nhà sơ chế nông sản…

p9-nwsi-1645405992.jpg

Quận Bình Thạnh đề xuất cho phép người dân xây tạm công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trong khu Bình Quới - Thanh Đa trong khi chờ thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên đề xuất này chưa được chấp nhận. Trong ảnh: Người dân Bình Quới, Thanh Đa thu hoạch lúa. Ảnh: Nguyệt Nhi

Thời điểm này, huyện Nhà Bè tiếp nhận 27 hồ sơ nhưng chỉ sáu trường hợp đủ điều kiện giải quyết. Từ khi có chính sách thí điểm đến nay, huyện tiếp nhận 10 hồ sơ nhưng chỉ một trường hợp đủ điều kiện để xem xét. Tổng cộng trước và sau thời điểm có chính sách thí điểm, huyện Nhà Bè giải quyết bảy hồ sơ.

Trong ba địa phương thí điểm, huyện Củ Chi có số lượng hồ sơ được giải quyết nhiều trường hợp nhất với 120 cá nhân, tổ chức được xây dựng nhà giữ vườn, nhà màng, lưới, kho vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay huyện Củ Chi cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu cho người dân trong khu đô thị Tây Bắc do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý quy hoạch. Do nhu cầu của người dân, huyện này kiến nghị TP cho phép được áp dụng xây dựng tạm công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch khu đô thị Tây Bắc. Tuy nhiên, trong thời gian chờ các cơ quan, ban, ngành của TP chấp thuận, huyện Củ Chi vẫn chưa giải quyết cho các hộ dân nằm trong ranh khu đô thị này.

Nhiều quận, huyện khác muốn được thí điểm

Trong khi ba huyện Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ vốn là nơi có diện tích đất nông nghiệp lớn, số lượng công trình xây dựng trên đất nông nghiệp không nhiều thì nhiều quận, huyện khác cũng có nhu cầu được thí điểm. Đặc biệt là các quận, huyện có đất quy hoạch nhưng “treo” lâu năm chưa thực hiện, chưa có quyết định hoặc thông báo thu hồi đất.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, huyện Bình Chánh có gần 500 trường hợp có nhu cầu xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại các xã Bình Lợi, Quy Đức, Tân Nhựt, Phạm Văn Hai...

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết huyện rất mong muốn được tham gia thí điểm để giải quyết nhu cầu cho người dân. Theo ông Tài, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn còn nhiều, nhiều tổ chức, cá nhân đang sản xuất gặp khó khăn vì điều kiện hỗ trợ cho việc sản xuất nông nghiệp như nhà màng, kho chứa vật tư nông nghiệp, nhà sơ chế nông sản bị hạn chế.

Do tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn khá phức tạp, huyện Bình Chánh kiến nghị cho phép thí điểm xây công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp tại ba xã Bình Lợi, Quy Đức và Tân Nhựt.

Huyện Hóc Môn cũng kiến nghị được áp dụng Quyết định 3680, ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết trên địa bàn huyện vẫn còn quỹ đất nông nghiệp và các hộ gia đình, cá nhân vẫn đang tham gia sản xuất nông nghiệp.

Theo rà soát của địa phương này, hiện có 25 trường hợp có nhu cầu xây dựng. Theo số liệu của huyện Hóc Môn, đa phần các hộ dân này có diện tích đất lớn, lại nằm trong khu vực chưa có quy hoạch 1/2.000 (đang áp dụng quy hoạch nông thôn mới tỉ lệ 1/5.000).

Quận Bình Thạnh dù là quận trung tâm nhưng cũng kiến nghị được áp dụng thí điểm cho người dân tại dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp có thời hạn trong khi chờ thực hiện dự án.

Quận 12 cũng muốn được áp dụng thí điểm đối với khu vực quy hoạch công viên cây xanh, công trình công cộng khi Nhà nước chưa thực hiện dự án. Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Xây dựng, một số địa phương khác cũng như TP Thủ Đức, quận Bình Tân cũng có chung kiến nghị.

Chưa cho áp dụng đối với các khu vực nằm trong quy hoạch

Theo báo cáo sơ kết một năm về chương trình thí điểm, Sở Xây dựng lý giải nguyên nhân của việc ít hồ sơ được giải quyết trong năm qua, phần lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ tháng 4 cho đến tháng 10-2021 đã tác động lớn đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ngành nông nghiệp của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Theo đó, kết quả thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế” - Sở Xây dựng nêu.

Từ kiến nghị của các địa phương, Sở Xây dựng đề xuất TP tiếp tục cho thí điểm tại ba huyện Cần Giờ, Củ Chi và Nhà Bè. Đồng thời mở rộng thí điểm tại ba xã nông thôn mới là Bình Lợi, Quy Đức, Tân Nhựt của huyện Bình Chánh. Tại huyện Hóc Môn, Sở Xây dựng đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu thực tế để xác định những khu vực, xã còn quỹ đất nông nghiệp lớn. “Từ đó có đề xuất TP cho phép thực hiện thí điểm cụ thể” - Sở Xây dựng nêu quan điểm.

Liên quan đến kiến nghị của các địa phương cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp tạm trong các khu quy hoạch, Sở Xây dựng vẫn đề nghị các địa phương này quản lý theo quy định tại Luật Đất đai, chưa áp dụng chương trình thí điểm.

Hai nhóm công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp

Theo Quyết định 3680 của UBND TP, có hai nhóm công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể:

Nhóm 1: Hạng mục lắp dựng bằng các cấu kiện lắp ghép (dễ tháo dỡ) để phủ màng, lưới, tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi, trong phạm vi ranh đất có quyền sử dụng hợp pháp mà không làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Các công trình như chòi canh, nhà giữ vườn không nhằm mục đích để ở, được lắp dựng bằng vật liệu thân thiện với môi trường: Cây gỗ, thanh tre, nứa, lá… với diện tích không quá 15 m2. Chủ đầu tư phải thông báo đến UBND xã khi thi công.

Nhóm 2: Là các công trình phải được UBND các huyện thỏa thuận quy mô phù hợp với phương án sản xuất nông nghiệp. Quy mô phải là cấp IV (một tầng, diện tích xây dựng dưới 1.000 m2, chiều cao dưới 6 m). Chủ đầu tư đề xuất vị trí, diện tích thích hợp trong sơ đồ tổng mặt bằng khu đất kèm phương án sản xuất nông nghiệp (mật độ xây dựng không quá 5%).

Theo Việt Hoa/Pháp Luật

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM: “Rón rén” xây dựng công trình trên đất nông nghiệp" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.