Việc các chủ đầu tư đua nhau tăng giá bán các dự án tại thị trường sơ cấp cùng tình trạng “ăn theo” của nhà đầu tư ở thị trường thứ cấp khiến phân khúc nhà ở bình dân tại TP.HCM chỉ còn trên danh nghĩa.
Ông Nguyễn Xuân Bách, một nhà đầu tư quận 9 cho biết, đầu năm 2018 ông có nhắm 1 dự án căn hộ quận 12 có giá tầm 1,2 tỷ/căn. Thời điểm đó dự án đã cất nóc, phải đóng gần 90% giá nhà, nghĩ không lời nhiều nên ông không mua.
Mới đây quay lại tìm hiểu, ông Bách khá sốc khi biết chỉ sau hơn 1 năm giá bán dự án này đã tăng lên gần 1,6 tỷ/căn. Môi giới dự án cho biết, giá tăng mạnh là do giá đất quanh dự án tăng cao, hơn nữa tuyến đường cận kề cũng có thêm nhiều hàng quán, chuỗi F&B và khu mua sắm khai trương.
Ông Trần Văn Thành, ngụ quận 2 cũng bế tắc khi muốn kiếm căn hộ giá tầm 1 tỷ tại TP.HCM cho con, đành phải dạt về mé giáp Bình Dương, Đồng Nai để tìm nhà. Tuy nhiên chính ông cũng không thể ngờ ngay cả ở những khu vực này, giá một dự án bình dân, chưa đến 43m2 cũng 1,1 tỷ đồng. “Với dân đầu tư, thấy giá nhà tăng chắc rất mừng chứ người muốn mua nhà như tôi, giá giờ sốc quá”, ông Thành chia sẻ.
Ông Thành không phải ngoại lệ, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở thực, nhất là tầng lớp lao động khi nghe đến giá nhà hiện nay đều lắc đầu không dám tin vì sao lại tăng nhanh như thế. Một dự án cho người thu nhập thấp tại huyện Nhà Bè đầu năm 2018 chào bán với giá từ 850 triệu/căn, hiện đang rao bán lại từ 1,1 – 1,4 tỷ/căn.
“Thật may mắn là năm ngoái tôi giành được suất mua, nếu là năm nay thì dù nhà thu nhập thấp chắc cũng chẳng có giá mềm dưới 1 tỷ” – một hộ dân sinh sống tại đây cho biết.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, thời gian qua căn hộ tại TP.HCM liên tục xác lập mặt bằng giá mới. Hầu như rất khó có thể tìm được nhà đất có mức giá dưới 2 tỷ đồng chứ chưa nói 1 tỷ. Tại một số dự án mới chào bán, mức giá 40 – 80 triệu/m2 ngày càng phổ biến.
Tại khu vực quận 7, cả 3 dự án mới triển khai đều treo giá 40 – 75 triệu/m2. Loạt dự án chung cư trên tuyến xa lộ Hà Nội, thuộc quận 9 và Thủ Đức, chào giá từ 25 – 30 triệu/m2 đầu năm 2018, hiện được giao dịch quanh mức 33 – 40 triệu/m2, tăng đến 30%. Nguyên nhân tăng giá phần nhiều vẫn là ăn theo giá bán đất nền và sự khan hiếm dự án triển khai trên cùng địa bàn.
Từ mức trung bình trên dưới 1 tỷ đồng, việc các dự án liên tục tăng giá từ 20 – 30% sau mỗi năm khiến quận Thủ Đức, quận 9, quận 12 hiện giờ đã xác lập mặt bằng giá mới, trên dưới 2 tỷ đồng/căn. Khu vực quận Tân Phú, Tân Bình, quận 8, Nhà Bè giá mềm cũng phải 1,8 – 2,2 tỷ/căn. Mặt bằng giá căn hộ trung bình tại TP.HCM thấp nhất hiện cũng phải từ 27 – 30 triệu/m2, nên việc tìm mua một căn hộ giá dưới 1 tỷ đồng là bất khả thi.
Do thiếu hụt nguồn cung nên giá căn hộ tầm trung mới triển khai đều tăng vọt, từ 200 – 300 triệu/căn so với năm trước, nhiều dự án gần tiệm cận mức giá cao cấp khiến người thu nhập thấp và trung bình ngày càng khó mua được nhà. Nguyên nhân là do chủ đầu tư nắm bắt được cung – cầu thị trường nên chủ động “té nước theo mưa”.
Theo số liệu của ngành Công an, dân số TP có khoảng 13 triệu người, bao gồm cả người cư trú ngắn hạn. Trong đó, khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên hiện trên địa bàn chỉ có 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Một số dự án, chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại. Đáng chú ý, trong quý 2/2019 cũng không có sản phẩm nhà ở thuộc tầm giá 23 – 25 triệu/m2 nào chào bán.
Thực tế, tại TP.HCM những năm gần đây rất hiếm doanh nghiệp chịu làm nhà giá rẻ. Cùng một quỹ đất nếu đem đầu tư nhà thương mại cao cấp lợi nhuận hấp dẫn hơn rất nhiều so với nhà giá rẻ, trong khi thủ tục pháp lý như nhau.
“Cách đây mấy năm khi thị trường địa ốc đóng băng, DN mới đi làm nhà giá rẻ, nhà ở xã hội để duy trì hoạt động. Còn nay thị trường đã hồi phục, chi phí đầu tư một dự án cũng tăng vọt nên không ai mặn mà làm nhà giá rẻ, nhà xã hội”, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản nói thẳng.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS nhìn nhận, trước đây doanh nghiệp xây nhà ở xã hội do khó khăn về vốn sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc trong khi ngân sách chưa bố trí được nguồn vốn cho vay theo quy định của luật Nhà ở. Hiện tại, thị trường bất động sản TP.HCM thiếu dự án, đồng nghĩa với việc ít người cạnh tranh. Chưa kể, nguồn cung bị thiếu trong khi nhu cầu rất lớn thì giá sẽ bị đẩy lên.
Để giải tỏa vấn đề này, bây giờ phải tháo gỡ nút thắt cơ chế chính sách, cụ thể là quy trình thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để tháo gỡ được vấn đề này thì cần phải có thời gian, có độ trễ nhất định.
PHƯƠNG UYÊN
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
https://diendanbatdongsan.vn/vi/tin-tuc/tp-hcm-khong-con-nha-o-binh-dan