Tổng công ty Sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương (PROTRADE): Bán “chui” đất công cho tư nhân với giá bèo

08/10/2019 13:57

Bằng… 1001 thủ thuật, Tổng công ty Sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương (PROTRADE) đã khiến hàng chục héc-ta đất công sản “kim cương” rơi vào tay tư nhân với giá bèo.

Bằng… 1001 thủ thuật, Tổng công ty Sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương (PROTRADE) đã khiến hàng chục héc-ta đất công sản “kim cương” rơi vào tay tư nhân với giá bèo.

43 ha đất “vàng” rơi vào tay tư nhân

Cuối tuần qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã có buổi gặp, thông tin với báo chí liên quan đến khu đất 43 ha đang là Dự án Khu đô thị thương mại – dịch vụ Tân Phú (Khu đô thị Tân Phú) của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Kim Oanh (TP.HCM). Dự án này được coi là “vàng” bởi nằm tại góc đường Võ Văn Kiệt và Phạm Ngọc Thạch thuộc TP. Thủ Dầu Một, ngay đường rẽ vào Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và phát triển Khu liên hợp Công nghiệp – dịch vụ – đô thị Bình Dương tại TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Ngày 24/11/2004, PROTRADE – một trong 3 “đại gia” 100% vốn nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương – ký Hợp đồng “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” với Ban Quản lý Dự án Khu liên hợp Bình Dương với số tiền hơn 414 tỷ đồng cho hơn 567 ha đất.

Sau đó PROTRADE xin Tỉnh ủy Bình Dương để được liên doanh làm dự án trên diện tích 43 ha được “trích” ra trong hơn 567 ha đất nói trên.

Tại buổi gặp báo chí, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định, Tỉnh ủy Bình Dương chỉ cho PROTRADE liên doanh góp vốn bằng tiền với đối tác để lập ra công ty liên doanh phát triển dự án, chứ không cho góp vốn bằng đất, không cho bán, chuyển nhượng 43 ha khu đất dự án.

Tuy nhiên, đất công hiện đã rơi vào tay tư nhân.

Góp vốn bằng “tiền tươi”

Hiện Thanh tra tỉnh Bình Dương mới vào cuộc, nhưng phóng viên Báo Đầu tư đã tìm hiểu và phát hiện nhiều tuyệt chiêu của PROTRADE để “hô biến” 43 ha đất công thành sở hữu tư nhân với giá bèo.

Cụ thể, ngày 1/7/2010, PROTRADE bắt tay Công ty Âu Lạc bằng hợp đồng thỏa thuận thành lập liên doanh mang tên Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Liên doanh Công ty Tân Phú). Trong đó, PROTRADE góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ; Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ. Sau đó, Liên doanh Công ty Tân Phú sẽ đầu tư xây dựng dự án theo phương thức “lời ăn, lỗ chịu” chia theo tỷ lệ góp vốn giữa các bên.

“Tiền trảm, hậu tấu”, tới ngày 21/7/2010, PROTRADE mới gửi công văn tới Tỉnh ủy Bình Dương xin được hợp tác với Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh để đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43 ha nêu trên. Trong công văn này, PROTRADE không đề cập việc góp vốn bằng đất, mà khẳng định: số tiền góp vào vốn điều lệ của liên doanh tối đa 60 tỷ đồng và tỷ lệ chiếm giữ trong vốn điều lệ của liên doanh tối đa là 30%.

Gần 1 tháng sau, ngày 17/8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương có Văn bản số 1830, đồng ý chủ trương cho PROTRADE góp vốn chiếm 30% vốn điều lệ tại liên doanh.

Ngày 27/10/2010, PROTRADE ký lệnh chi chuyển 1 tỷ đồng cho liên doanh. Gần 7 năm sau, tháng 1/2017, PROTRADE ký tiếp 2 ủy nhiệm chi, xuất tổng cộng hơn 58 tỷ đồng từ chính tài khoản đứng tên PROTRADE tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bình Dương sang cho Liên doanh Công ty Tân Phú, nội dung ghi rõ “chuyển tiền góp vốn”.

Như vậy, tất cả chứng lý trên thể hiện, PROTRADE góp vốn bằng “tiền tươi, thóc thật”, chứ không phải bằng 43 ha đất công.

43 ha đất công sản ở vị trí “kim cương” của tỉnh Bình Dương đã biến thành dự án tư nhân

Bán “chui” đất công với giá “bèo”

Sau khi đất được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp sổ đỏ, Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất…, ngày 30/11/2016, PROTRADE họp Hội đồng Thành viên, thống nhất bán đứt quyền sử dụng 43 ha đất cho Liên doanh Công ty Tân Phú.

Tới tháng 12/2016, PROTRADE ký hợp đồng chuyển nhượng 43 ha đất cho Liên doanh Công ty Tân Phú với giá trên 581.000 đồng/m2, thu về hơn 250 tỷ đồng.

Đáng nói là, tại thời điểm này, PROTRADE vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tức quyền định đoạt 43 ha trên thuộc về Tỉnh ủy Bình Dương, chứ không phải doanh nghiệp.

Chưa kể, theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, thì đối với 43 ha đất trên, PROTRADE phải bán đấu giá, chứ không thể bán mà không qua bất kỳ một cơ quan định giá hay tổ chức đấu giá nào.

Hơn thế, theo Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương quy định bảng giá các loại đất năm 2016 trên địa bàn, mức giá chuẩn đất ở đô thị khu vực này khoảng hơn 3 triệu đồng tới hơn 24,5 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí và loại đường phố. Giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị khu vực trên thấp nhất cũng là 1 triệu đồng/m2, cao nhất là gần 20 triệu đồng/m2.

Dự án Khu đô thị thương mại – dịch vụ Tân Phú được duyệt có diện tích 43 ha, tức có 2 loại: đất ở và thương mại – dịch vụ, trong đó đất ở chiếm hơn 20 ha, thương mại dịch vụ chỉ 11.000 m2.

Thế nhưng, năm 2016, PROTRADE bán khu đất nói trên với giá chỉ 581.000 đồng/m2.

Nhập nhèm góp vốn bằng đất công để hợp thức hóa

Bán đứt 43 ha đất từ năm 2016 và dù trên giấy tờ mua bán ghi rõ “chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, nhưng tới tháng 3/2017, trong văn bản đề nghị Tỉnh ủy Bình Dương cho chuyển nhượng phần vốn góp 30% cho Công ty Âu Lạc, PROTRADE lại nói: chỉ “chuyển giao khu đất” nhằm “thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng về điều khoản giao khu đất 43 ha”.

Còn việc xin thoái 30% vốn góp, PROTRADE lý giải là để Công ty Âu Lạc (cùng góp vốn lập ra Liên doanh Công ty Tân Phú) được sở hữu 100% dự án thì sẽ chủ động hơn trong việc triển khai sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả; còn PROTRADE sẽ có vốn để tập trung đầu tư những dự án lớn khác đang triển khai.

Như vậy, chính trong văn bản của mình, PROTRADE cũng tách bạch vốn góp và đất.

Đáng nói, tháng 4/2017, ông Phạm Văn Cành, Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã ký Thông báo số 287, trong đó thể hiện rõ: Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho PROTRADE chuyển nhượng 30% vốn góp. Nhưng thông báo này cũng ghi: “Tổng công ty phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng”, chẳng khác gì “bật xi nhan” cho việc nhập 43 ha đất công vào vốn góp 30%.

4 tháng sau, tháng 8/2017, PROTRADE chuyển nhượng luôn 30% vốn góp cho Công ty Âu Lạc với giá trên 161 tỷ đồng, giúp công ty này thâu tóm toàn bộ, toàn quyền định đoạt 43 ha công sản.

Bán đứt đất công từ năm 2016, nhưng để hợp thức hóa, 2 năm sau, tháng 10/2018, PROTRADE gửi Công văn số 101 xin Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương cho phép chuyển nhượng vốn góp 30%, trong đó có quyền sử dụng đất 43 ha, không chuyển giao về cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, với lý do: Tỉnh ủy đã đồng ý tại Thông báo số 287.

Ngay ngày 10/10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương ra Thông báo số 512 khẳng định: chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy chỉ cho PROTRADE góp 30% vốn bằng tiền, nhưng Công ty lại góp bằng đất, nên Thường trực Tỉnh ủy quyết định thu hồi chủ trương đã cho chuyển nhượng 30% vốn góp tại Liên doanh Công ty Tân Phú để làm rõ.

Trong giải trình vào cuối tháng 10/2018, PROTRADE cho rằng, tiền đền bù khu đất hình thành từ vốn vay, liên doanh, liên kết, chứ không phải từ ngân sách, nên việc được bán 43 ha đất là đúng chủ trương. PROTRADE chỉ có khuyết điểm là làm các thủ tục giao đất, chuyển giao cho công ty liên doanh chậm, do tình hình bất động sản chưa thuận lợi.

Nhưng, PROTRADE quên mất rằng, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ghi rõ: “Vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động”. Như vậy, khu đất 43 ha nêu trên là tài sản của Nhà nước, không phụ thuộc nó được hình thành từ vốn tự có hay vốn huy động.

Sau khi thâu tóm được khu “đất vàng”, Liên doanh Công ty Tân Phú nhanh chóng thay đổi người đại diện pháp luật và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tới ngày 29/6/2018, tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được đăng ký thay đổi lần thứ 6, thì thông tin chủ sở hữu của Liên doanh Công ty Tân Phú là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Kim Oanh.

Hiện nay, khu vực này sở hữu vị trí “kim cương” của tỉnh Bình Dương, bởi tọa lạc ngay giao lộ Võ Văn Kiệt – Phạm Ngọc Thạch thuộc TP. Thủ Dầu Một, cách tòa tháp đôi Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương chưa đầy 5 phút di chuyển, lại được bao quanh bởi nhiều khu đô thị lớn như Becamex Tokyu, VSIP 2. Đây cũng là khu vực có hạ tầng giao thông hoàn chỉnh với nhiều tuyến đường lớn như đường Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, Quốc lộ 13.

Ông Bùi Minh Thạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, chủ trương xuyên suốt của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương là chỉ cho PROTRADE góp vốn bằng tiền, không phải bằng quyền sử dụng đất. “Quá trình thực hiện phát hiện doanh nghiệp làm không đúng chỉ đạo, nên Tỉnh ủy đã thu hồi chủ trương. Chúng tôi khẳng định đang tiến hành thanh tra và xử lý nghiêm, không bao che cho sai phạm của doanh nghiệp”, ông Thạnh khẳng định.
Ngô Nguyên
Theo Báo Đầu Tư
https://baodautu.vn/tong-cong-ty-san-xuat—xuat-nhap-khau-binh-duong-protrade-ban-chui-dat-cong-cho-tu-nhan-voi-gia-beo-d108628.html

Bạn đang đọc bài viết "Tổng công ty Sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương (PROTRADE): Bán “chui” đất công cho tư nhân với giá bèo" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.