Rà soát dự án chậm triển khai
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về đề xuất phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, tổng hợp, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 15/2. Điều này đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 39/2021 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, nghiêm cấm lợi ích nhóm, các hành vi tiêu cực, tham nhũng về đất đai.
Đồng thời, Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, sử dụng không gian biển (đối với 28 địa phương ven biển) trong quy hoạch cấp tỉnh, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, biển và quy hoạch; khẩn trương lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm (2021 - 2025), tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2022.
Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ TN&MT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.
Trên cơ sở đó, Bộ chủ trì và phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp có phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, Bộ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.
Tăng cường thanh tra
Trước đó, Bộ TN&MT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án quy hoạch treo như: việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch, dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm…
Do đó, để xử lý các quy hoạch treo, Bộ TN&MT đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013.
Cũng theo Bộ TN&MT tại Khoản 1, Điều 6, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch sửa đổi Điều 49, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã có quy định để xử lý vấn đề quy hoạch treo.
Cụ thể, đối với trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch; được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa phải được cơ quan nhà nước cho phép theo quy định pháp luật.
Đồng thời, pháp luật về quy hoạch xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng đã có các quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; yêu cầu đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.
Theo đó, tại Điều 78 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản.
"Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể tại các địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, theo từng chương trình, kế hoạch cụ thể hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định", Bộ TN&MT thông tin.
Dự án Khu đô thị Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha sau gần 15 năm vẫn chỉ "nằm trên giấy". Dự án này nằm trong danh sách 29 dự án có dấu hiệu vi phạm, đề nghị bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt dự án đầu tư. Ảnh: Ninh Phan.
Thực tế, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm dự án quy hoạch cả thập kỷ nhưng chậm triển khai, "ôm" đất bỏ hoang lãng phí.
Có thể kể đến như Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2, thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) được UBND TP Hà Nội giao đất cho Công ty CP Tập đoàn đầu tư Long Giang vào ngày 8/11/2011. Dự án này chậm tiến độ tới 66 tháng, tức hơn 5 năm. Năm 2019, dự án này đã được Hà Nội gia hạn 24 tháng (theo quyết định số 4260/QĐ-UBND ngày 9/8/2019). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
Thậm chí, có những dự án sau hàng thập kỷ cấp phép đầu tư vẫn chỉ nằm “trên giấy”, ôm đất chậm triển khai như dự án Sông Hồng City và dự án khu nhà ở văn phòng IDC đều thuộc địa bàn quận Tây Hồ ảnh hưởng đến đời sống của người dân gây bức xúc mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần.
Hay dự án Khu đô thị Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha nằm trên địa bàn các xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) - vốn thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước khi các xã này sáp nhập về Hà Nội tháng 8/2008) do Công ty TNHH MTV Sudico Tiến Xuân làm chủ đầu tư với vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án khởi công từ năm 2007, tuy nhiên đến nay gần 15 năm dự án vẫn nằm trong tình trạng “treo” khiến cuộc sống người dân có đất nằm trong quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Theo Ninh Phan/Tiền Phong