Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc lo lắng về chặng đường sắp tới, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, thị trường vẫn còn điểm sáng và “trụ cột” đặt lên vai bất động sản công nghiệp, logistics và nhà ở với mức giá vừa phải.
Bất động sản du lịch đang có mức giá hấp dẫn để đầu tư lâu dài
Doanh nghiệp còn nhiều cơ hội
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc ở thời điểm hiện tại đang có một tâm trạng chung là lo lắng và thận trọng trong bước đi của công ty mình sắp tới. Bởi sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã làm “cháy” các kịch bản mà họ đã đề ra cho 6 tháng cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asia Holding chia sẻ, thị trường bất động sản trong 6 tháng cuối năm nhìn chung sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bùng phát trở lại. Bởi tâm lý của các nhà đầu tư lúc này đang khá hoang mang, lo lắng, nên dòng tiền đầu tư vào bất động sản sẽ chậm lại.
Theo ông Hậu, sự trở lại của dịch bệnh cũng đã làm thay đổi kế hoạch mà Asia Holding đã vạch ra sau khi cơn sóng Covid đợt 1 tạm lắng. Cụ thể, trong thời điểm đầu năm, khi dịch bùng phát đợt đầu, Công ty có ý định sẽ bung hàng vào quý II - III/2020. Nhưng ở thời điểm hiện tại, kế hoạch buộc phải thay đổi và Asian Holding tạm thời không bung hàng, mà tập trung vào việc mở rộng mạng lưới, đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cũng cho biết, khi dịch bệnh bùng phát thì chắc chắn thị trường sẽ bị ảnh hưởng, bởi các kế hoạch bán hàng của Công ty sẽ bị chậm lại hoặc hủy bỏ. Hơn nữa, dòng tiền của khách hàng đóng cho chủ đầu tư cũng bị ảnh hưởng, bởi thu nhập của hầu hết người dân bị tác động. Hoạt động nội bộ của doanh nghiệp cũng ít nhiều bị xáo trộn.
Theo đó, các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đều nhìn nhận kịch bản cố gắng cầm cự trong 6 tháng cuối năm, tính toán kỹ từng bước để tồn tại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, mặc dù tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn nhưng cơ hội vẫn còn nhiều. Vấn đề lúc này là doanh nghiệp cần biết lựa chọn đúng phân khúc có nhu cầu. Bởi có thể nhu cầu chuyển đổi chỗ ở, nhu cầu “sang chảnh” không còn cao, nhưng nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm một kênh bỏ vốn hữu hiệu, đặc biệt là kênh tích trữ tài sản an toàn thời dịch bệnh.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm mới đây về xu hướng thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, lực cầu trên thị trường vẫn rất lớn, nhưng nguồn cung lại ít. Nếu giải quyết tốt các vấn đề bên ngoài thì thị trường bất động sản sẽ lại tăng trưởng tốt.
Cụ thể, vào tháng 5/2020, sau khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội được gỡ bỏ, các dự án tiếp tục được mở bán và cũng đã ghi nhận mức giao dịch thành công rất ấn tượng. Hoạt động mở bán nhiều dự án tại 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM diễn ra sôi động, tấp nập. Điều này cho thấy khả năng phục hồi của thị trường rất mạnh, lực cầu vẫn còn rất lớn. Ở thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 tái bùng phát, các chủ đầu tư dự án phải tạm ngưng để nghe ngóng và xem xét tình hình là đương nhiên, nhưng họ sẽ sớm quay trở lại nếu dịch bệnh được khống chế tốt.
“Thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều vấn đề, trong đó bên ngoài là dịch bệnh, là Covid-19, còn bên trong là những vấn đề liên quan đến chính sách, lệch pha cung - cầu… Câu chuyện quan trọng là nguồn cung bị chặn lại chứ không phải lực cầu, bởi ngay trong giai đoạn Covid-19 lực cầu vẫn có”, ông Đính chia sẻ.
Tương tự, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết, tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp bất động sản là rất lớn. Nhưng bên cạnh đó, thị trường cũng đang đối mặt với một số thách thức cũng như cơ hội mới không phụ thuộc vào dịch bệnh.
Thách thức mới là hiện tại cả nhà đầu tư và người mua đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị đầu tư cũng thận trọng hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tiền mặt được coi là vua nên việc xuống tiền sẽ khó khăn và đắn đo hơn. Chưa kể, khung pháp lý cho bất động sản vẫn rất chậm thay đổi. Trong khi đó, cơ hội hiện nay đang được “đặt lên vai” 3 lĩnh vực là bất động sản công nghiệp, logistics và nhà ở với mức giá vừa phải.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, vị chuyên gia này đưa ra 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất là phải kiểm soát được dịch bệnh. Thứ hai là các gói hỗ trợ phải đúng, trúng, hiệu quả và có tính lan tỏa. Thứ ba là cần hợp tác quốc tế trong phòng chống Covid-19.
“Tôi cho rằng chúng ta cần kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng không thái quá, cố gắng không phải phong tỏa diện rộng. Đồng thời, chúng tôi mong muốn Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay, các gói hỗ trợ mới chỉ triển khai được 20 - 25%, rối ở đâu thì phải gỡ ngay ở đó để các doanh nghiệp có thể tiếp cận sớm”, TS.Cấn Văn Lực nói.
Nhà đầu tư cần lựa chọn đúng
Hiện tại, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là nếu có vốn muốn đầu tư thì rót vào đâu. Mua vàng, gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán hay rót vào bất động sản. Nếu đầu tư bất động sản thì chọn phân khúc nào…?
Trả lời về vấn đề này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho biết, rót tiền vào đâu là phục thuộc vào khẩu vị của từng nhà đầu tư, các lựa chọn rủi ro của nhà đầu tư sẽ quyết định đầu tư vào đâu. Nhà đầu tư nào sợ rủi ro thì gửi tiết kiệm là kênh phù hợp nhất. Còn với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thì sẽ chựa chọn kênh đầu tư riêng. Ai “trường vốn” thì chia tiền ra cho mỗi kênh một ít.
“Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư là nên đa dạng hóa và chấp nhận rủi ro một chút. Tuy nhiên, trong giai đoạn này không nên lướt sóng và dùng đòn bẩy lớn, thậm chí vay cả tín dụng đen, thì nguy cơ phá sản, lỗ vốn là hiện hữu. Hiện có khá nhiều kênh đầu tư hấp dẫn, trong đó bất động sản luôn là kênh đầu tư trung và dài hạn”, ông Lực nói và cho biết thêm, chứng khoán cũng không kém phần hấp dẫn, nhưng đòi hỏi phải tính toán và theo dõi thị trường rất kỹ mới có lời.
Ông Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, khi lựa chọn bất động sản thì nhà đầu tư cần lưu ý về yếu tố sinh lợi. Bởi không phải phân khúc nào cũng có tỷ lệ sinh lợi như nhau, nhưng lợi nhuận tốt bao giờ cũng đi cùng với rủi ro cao.
Theo ông Đính, mặc dù bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại đang có một số trục trặc, nhưng đây là phân khúc có tiềm năng cao nhất về khả năng sinh lợi. Bởi khả năng phát triển năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam rất tốt. Trong khi đó, giá bất động sản du lịch Việt Nam hiện vẫn ở ngưỡng thấp so với tiềm năng phát triển và so với các nước trong khu vực.
Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, ông Trương Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Tuấn Minh Group chia sẻ, gần đây xu thế sở hữu thêm ngôi nhà thứ hai, vừa để cho mục đích đầu tư, vừa phục vụ cho mục đích nghỉ dưỡng ngày một nhiều, như mô hình Farmstay.
Tuy nhiên, loại hình này đã tồn tại nhiều vấn đề mà cho tới tận bây giờ vẫn chưa có hướng giải quyết. Do đó, khi quyết định rót tiền vào hình thức này thì vấn đề nhà đầu tư cần quan tâm trước hết chính là tính pháp lý của dự án. Bởi hiện tại có nhiều chủ đầu tư chào mời các sản phẩm không có pháp lý, thường là sản phẩm đi kèm bao gồm đất ở và đất nông nghiệp.