Các ngân hàng đồng loạt vào cuộc, tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cho tới thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đã xuống mức thấp kỷ lục 4,5 - 5%/năm khi các ngân hàng tiếp tục mạnh tay tiếp tục cắt giảm lãi suất từ 2 - 2,5% theo chỉ thị mới nhất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Đây là mức cắt giảm mạnh nhất từ trước tới nay của các nhà băng nhằm góp phần khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid -19.
Tại cuộc họp cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại chiều ngày 31/3, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1 - 1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu đến hết ngày 30/9, thay vì hết tháng 4 như công bố trước đây.
Còn đối với khoản cho vay mới, Vietcombank cũng sẽ dành một gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2 - 2,5% so với hiện nay. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu được giảm tối đa với mức áp dụng chỉ 4,5 - 5%/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động hiện nay.
Từ 1/4/2020 VietinBank tiếp tục triển khai chương trình tín dụng lãi suất trong nhóm thấp nhất thị trường có quy mô lên đến 60 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây.
Ngoài ra, VietinBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô như: Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, Ưu đãi lãi suất cho vay cố định, Vay ưu đãi lãi tri ân dành cho khách hàng bán lẻ,... với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,2 - 3%/năm so với thông thường.
Agribank thì công bố sẽ dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng VND) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.
Thông tin vừa được VIB công bố thì cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5 - 2/%/năm so với lãi hiện hành, trong 6 tháng.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, việc giảm lãi suất được áp dụng cho mọi khách hàng doanh nghiệp hiện hữu, ở tất cả các phân khúc, ở tất cả ngành nghề, cho mọi khoản vay trung dài hạn bằng tiền đồng (không kể trái phiếu) với lãi suất hiện hữu từ 9,5%. Theo ước tính ban đầu, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ ngay lập tức được hưởng hỗ trợ này nhằm giúp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Còn tại KienLongBank, ngân hàng này cũng vừa quyết định giảm 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Thời gian áp dụng giảm lãi vay từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6/2020, đối với những khách hàng tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long để hỗ trợ kịp thời và cấp bách đến những khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Trong khi đó, sau gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn được triển khai ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, VPBank cho biết tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ đang và có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng sẽ được giảm lãi suất tới 2%/ năm so với mức liền kề trước đây.
Cụ thể, với các khoản vay VND, có tài sản bảo đảm thì lãi suất sẽ được giảm tối đa 1,5/năm, còn không có tài sản bảo đảm thì được giảm 2%/năm.
Đối với các khoản vay bằng USD, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất là 1%/năm dù có tài sản bảo đảm hay không.
Về đối tượng được giảm lãi suất, VPBank cho biết, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận tải; hay doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu chiếm tối thiểu 50% doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2019.
Mặt khác, những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chiếm tối thiểu 50% từ thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu hay những đơn vị gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng được VPBank giảm lãi suất lần này.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank thì cho biết, ngay từ sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, TPBank đã triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ khách hàng bằng các quy định, hướng dẫn cụ thể, trong đó quy định rõ về các đối tượng, điều kiện được hưởng hỗ trợ cũng như các hình thức hỗ trợ của ngân hàng với các khách hàng trên toàn quốc.
Theo đó, các khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh sẽ được xem xét ân hạn nợ, miễn/giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới/tái cấp hạn mức để ổn định sản xuất kinh doanh, theo đúng các quy định của Thông tư 01, với tổng mức dư nợ được xem xét tại VPBank khoảng 40 - 50 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng cũng xem xét giảm lãi suất cho vay với các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện đang vay ngân hàng, với mức giảm từ 0,5 - 1% so với lãi suất trên hợp đồng, tổng dư nợ dự kiến được giảm lãi khoảng 30.000 tỷ đồng.
Ngay trong tháng 3/2020, TPBank thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng, và sẽ tiếp tục triển khai việc này trong các tháng tới.
Điểm đáng chú ý, trong lần giảm lãi suất này, không chỉ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mà cả các khách hàng cá nhân cũng được xem xét giảm lãi suất.
Như tại BIDV, bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng này còn giảm đến 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập.
Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.
Đối với nhu cầu vay mới, BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.
Thời gian triển khai giảm lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) áp dụng đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Với quy mô dư nợ lớn, ở đợt giảm lãi suất cho vay này, BIDV dự kiến giảm khoảng từ 2.400 đến 3.000 tỷ đồng thu nhập để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Tương tự, HDBank cũng vừa triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2 - 4,5% cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước.
Hỗ trợ này có hiệu lực từ ngày 31/3/2020, HDBank sẽ giảm mạnh lãi suất cho các khoản giải ngân mới mà không cần khách hàng phải chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải; miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.
Có thể nói, với việc hỗ trợ này, hệ thống ngân hàng có thể sẽ bị giảm hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, sự vào cuộc này là một hành động cần thiết, nhằm hỗ trợ nền kinh tế có thể vượt qua giai đoạn khó khăn; hỗ trợ khách hàng cũng chính là giải pháp tháo gỡ khó khăn tiềm ẩn cho chính các ngân hàng thương mại.