Có mặt trên thị trường miền Trung vào năm 2016, Khải Tín Group được giới thiệu là nhà phân phối bất động sản chuyên nghiệp. Với mô hình Công ty Cổ phần Tập đoàn, Khải Tín cũng đã mở một số chi nhánh công ty trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây cũng là lý do khi bị lừa đảo, khách hàng - nạn nhân của tập đoàn này có mặt ở nhiều nơi, với nhiều mức thiệt hại khác nhau.
Lạc bước vào “ma trận” của Khải Tín
Công ty Cổ phần Khải Tín Quảng Bình (TP. Đồng Hới) là một trong những thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín (trụ sở đóng tại khu vực An Cựu City, đường Hoàng Quốc Việt, phường An Đông, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ra mắt vào đầu năm 2020, Khải Tín Quảng Bình được xem là cánh tay nối dài của Khải Tín Group và thông qua đây, khách hàng địa phương tin tưởng hơn về những giao dịch bất động sản trên địa bàn với tập đoàn.
Đầu năm 2020, nhân viên Khải Tín đã giới thiệu bán 6 lô đất tại Khu dân cư Nam Lý (gần Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Thấy phù hợp với nhu cầu, sẵn tiền tích góp, dành dụm được, vợ chồng hai gia đình ông L.Q.D. và L.N.T…, ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã dắt díu nhau lên thành phố xem, mua đất. Sau khi xem thông tin, hình ảnh và thực địa, được thuyết phục bởi nhân viên, lãnh đạo của Khải Tín về vị trí, tiện ích và hồ sơ pháp lý của từng lô đất, vợ chồng ông D. và ông T. quyết định đặt cọc mua đất. Vợ chồng ông D. mua lô đất ký hiệu LK 3 tương ứng với thửa đất số 128, tờ bản đồ địa chính số 13; vợ chồng ông T. mua lô LK 4 tương ứng với thửa đất số 127, tờ bản đồ địa chính số 13, (cùng địa chỉ phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, Quảng Bình). Ông D. đặt cọc 10 triệu đồng, ông T. đặt cọc 20 triệu đồng cho Khải Tín Group.
Tiếp theo đó, theo hướng dẫn của Khải Tín Group, ông D. tiếp tục nộp tiền để sớm công chứng, ra sổ chuyển nhượng quyền sở hữu lô đất.
Ngày 11/01/2021 ông D. tiếp tục đóng thêm vào công ty qua bộ phận kế toán - thủ quỹ với số tiền 150 triệu đồng. Đến ngày 21/01/2021 ông D. tiếp tục đóng thêm 1,474 tỷ đồng, tổng cộng vợ chồng ông D. đã đóng vào tài khoản Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín số tiền: 1,634 tỷ đồng.
Vợ chồng ông T. cũng đưa tiền tỷ cho Khải Tín Group theo cách tương tự. Ngày 11/01/2021 ông T. tiếp tục đóng thêm với số tiền 170 triệu đồng. Ngày 21/01/2021 ông T. tiếp tục đóng thêm 1,474 tỷ đồng, tổng cộng số tiền đóng vào công ty Tập đoàn Khải Tín là 1,664 tỷ đồng.
Tất cả những lần đóng tiền này của ông T. cũng như ông D. đều được thể hiện qua chứng từ và lời hứa từ Khải Tín Group sớm thực hiện hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông D. và ông T. Tuy nhiên tiền đã nộp, thậm chí vân tay cũng đã lăn ngay tại văn phòng công chứng nhưng ông D. và ông T. đều vẫn không được đại diện Khải Tín Group thực hiện hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trả lời câu hỏi của PV Reatimes "Vì sao quá trình giao dịch, khách hàng không xem hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đầy đủ?", cả ông T. và ông D. đều khẳng định đã được Khải Tín Group cam kết là hồ sơ pháp lý đầy đủ, sẽ công chứng chuyển nhượng quyền sở hữu khi khách hàng hoàn tất thủ tục về tài chính. Tuy nhiên, khi đóng tiền cọc xong, ông D. và ông T. yêu cầu nhân viên công ty cho xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của lô đất mà họ mua thì được nhân viên công ty gửi qua máy điện thoại cá nhân hình ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của hai lô đất mà họ mua tại Tổ dân phố 10, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, thì người đứng tên trong giấy CNQSDĐ có tên Nguyễn Trần Hoàng, sinh năm 1988, địa chỉ thường trú tại thị trấn Kon Dong, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Nghi ngờ về pháp lý của lô đất nhưng tiền cọc đã đóng nếu rút lui sẽ mất tiền cọc (tổng số tiền cọc của ông D. là 170 triệu đồng, ông T. là 190 triệu đồng), vậy nên hai hộ khách hàng này tiếp tục “cuộc chơi” mà Khải Tín Group “vẽ” ra.
Theo tài liệu mà PV Reatimes có được, sau khi đóng khoản tiền lớn nói trên, đến ngày 26/01/2021 vợ chồng ông D. và ông T. nhận được “Bản cam kết số 7/2021/CK-KTG/TGĐ” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín, cam kết “sẽ hoàn thành công chứng” cho hai khách hàng này vào ngày 02/02/2021.
Đến hạn, Khải Tín thất hứa.
Tiếp đó, 2 vị khách hàng lại nhận được thông báo số 08/2021/TB-KTG/CTHĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín cam kết thực hiện hoàn thành công chứng chuyển nhượng QSDĐ cho hai khách hàng này vào ngày 05/02/2021. Và điều lạ là, Khải Tín còn “thòng” vào công văn này “phương án nước đôi” là: “Nếu đến ngày đó vẫn chưa hoàn thành thì công ty xin được gia hạn đến ngày 05/3/2021”. Ông D. và ông T. tiếp tục chờ đợi, đến cả hai mốc hẹn này vẫn không thấy Khải Tín thực hiện cam kết. Phũ phàng hơn, đến ngày 02/4/2021, phía Khải Tín Group trả lời “không công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được” cho cả hai hộ khách hàng này, đồng thời gửi lời xin lỗi và cam kết trả lại tiền cho khách hàng nhưng theo kiểu khi nào có tiền thì trả.
Gian nan đòi lại tiền mua đất
Sau khi trở thành nạn nhân của Khải Tín Group với cuộc mua đất bất thành, vợ chồng ông D. và ông T. bước vào hành trình gian nan đòi lại tiền. Cụ thể sau thời điểm đầu tháng 4/2021, khi Khải Tín Group thừa nhận thương vụ bán đất bất thành và kết thúc cuộc giao dịch, sẽ trả lại tiền cho vợ chồng ông D. và ông T., từ bấy đến nay vô số lần hai cặp vợ chồng khách hàng này tốn không biết bao nhiêu tiền điện thoại, bao nhiêu lần vào ra hàng trăm cây số cho chiều dài Quảng Bình - Huế để đòi lại số tiền mình “đặt niềm tin” vào Khải Tín Group. Phía Khải Tín Group thoạt đầu cam kết với ông D. và ông T. sẽ trả khoảng một nửa số tiền đã đóng cho công ty, sau đó sẽ trả dần phần còn lại. Ngoài phần tiền mua đất mà ông D. ông T. đã nộp phía Khải Tín Group cũng cam kết sẽ trả thêm một khoản tiền lãi nhất định cho hai khách hàng này trên mỗi lô đất.
Tuy nhiên chờ hết ngày này qua tháng khác, ông D. và ông T. chẳng thấy Khải Tín Group thực hiện. Phía Khải Tín Group hoặc qua điện thoại, hoặc qua văn bản thông tin đến ông D. và ông T. công ty này xin trả dần và khất hết lần này đến lần khác với những lý do như khó khăn trong kinh doanh, dịch bệnh Covid -19 ảnh hưởng công việc kinh doanh.
“Chúng tôi có lúc gặp trực tiếp lãnh đạo Khải Tín Group nói như van rằng, thôi thì không tiền lời tiền lãi gì cả. Việc giao dịch mua bán đất bất thành vì trục trặc từ phía công ty, chúng tôi cảm thông, chỉ mong trả lại đúng số tiền chúng tôi đã đóng vào, nhưng họ cũng không trả. Họ nói tiền ấy vào công ty nhưng dòng tiền xoay vòng, chứ có phải vào là nằm yên ở đấy đâu.”, ông D. ngao ngán.
Sau bao khổ ải, kiên trì “đòi nợ”, đến ngày 16/8/2021, vợ chồng ông D. cũng được trả một phần, số còn lại là 722.784.425 đồng, cả Chủ tịch HĐQT Tống Phước Hoàng Hưng lẫn Tổng Giám đốc Khải Tín Goup Phan Minh Thi cam kết sẽ trả hết vào ngày 03/9/2021. Phía ông T. cũng được trả lại tiền theo lộ trình tương tự. Tính đến ngày 16/8/2021, Khải Tín Group còn phải trả cho vợ chồng ông T. là 1.000.249.000 đồng và đơn vị này xin cam kết sẽ trả hết vào hạn chót là ngày 3/9/2021. Đến hẹn, ông D. được nhận thêm 100 triệu đồng (còn 622.784.425 đồng), ông T. nhận thêm 170 triệu đồng (còn 830.249.000 đồng) từ Khải Tín, sau đó lãnh đạo tập đoàn này hầu như cắt liên lạc và không trả gì thêm.
“Khi báo đài đưa tin, chúng tôi mới biết Hưng và Thi đã bị bắt vì lừa đảo. Theo kêu gọi của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi đã gửi đơn tố giác ông Hưng và ông Thi về hành vi lừa đảo”, ông D. chia sẻ.
Theo đơn tố giác của ông D. và ông T. thì sở dĩ họ biết đến 2 lô đất LK3 và LK4 tại P. Nam Lý, TP. Đồng Hới là do giới thiệu của nhân viên Khải Tín Group và giới thiệu của ông Huỳnh Ngọc Hưng (là Phó Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín); Giới thiệu của Công ty Cổ phần Khải Tín Quảng Bình. Cụ thể, vợ chồng ông D. và ông T. cho biết khoảng 8 giờ ngày 10/01/2021 họ đến quán Cà phê 159 đường Hữu Nghị, TP. Đồng Hới để dự buổi ra mắt, chào bán những lô đất nói trên. Đến đó, họ cùng với nhiều khách hàng được ông Huỳnh Ngọc Hưng giới thiệu về vị trí, tiện ích và hồ sơ pháp lý của từng lô đất; ông Hưng khẳng định những lô đất trên đã thuộc sở hữu của tập đoàn Khải Tín, sau đó mời chúng tôi đi xem đất; ông Hưng khẳng định khi khách hàng đóng đủ tiền thì công ty sẽ tiến hành công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng.
Để làm rõ thêm nội dung trên PV Reatimes đã liên lạc để làm việc với ông Huỳnh Ngọc Hưng. Qua điện thoại ông Hưng cho biết ông đã nghỉ việc, không còn làm Phó Tổng giám đốc của Khải Tín. Với thương vụ bán đất liên quan đến những lô đất của khách hàng tại phường Nam Lý, TP. Đồng Hới hồi đầu năm 2021, ông Huỳnh Ngọc Hưng phủ nhận hoàn toàn, và cho rằng bản thân ông chưa từng đến Đồng Hới giới thiệu các lô đất như ông D. ông T. đề cập.
Tiếp đó, PV Reatimes đã tìm gặp ông Nguyễn Thái Trung, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Khải Tín Quảng Bình thì ông Trung cho biết ông đã “bị cho nghỉ việc” do bất hòa với cách làm ăn bê bối của lãnh đạo Khải Tín Group; Công ty Cổ phần Khải Tín Quảng Bình cũng đã giải thể dù mới thành lập, ra mắt hồi đầu năm 2020.
Liên quan trách nhiệm của Khải Tín Quảng Bình trong thương vụ Khải Tín “lừa đảo” mà vợ chồng ông D. ông T. tố giác, ông Trung khẳng định Khải Tín Quảng Bình là thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín nhưng là hai pháp nhân khác nhau. Công ty ông chỉ là đơn vị trung gian, thực hiện môi giới sản phẩm khi có hồ sơ hợp pháp từ “công ty mẹ”, nếu thành công thì nhận được thù lao theo hợp đồng với "công ty mẹ". Đối với hai lô đất của vợ chồng ông D. và ông T. cũng theo cách như vậy, ông Trung chỉ là bên bán hàng. Về hồ sơ pháp lý, ông Trung khẳng định là đất có thật, sản phẩm có, có hồ sơ chỉnh lý địa chính, có địa chính phường cắm mốc phân lô, có dấu UBND phường, dấu bộ phận “một cửa”…
“Trách nhiệm công ty tôi là xem xét hồ sơ pháp lý mà Khải Tín Group chuẩn bị đầy đủ thì đứng ra giới thiệu sản phẩm với khách hàng mà thôi. Khi khách hàng đồng ý mua thì khách hàng làm việc, giao dịch trực tiếp với Khải Tín Group ở Huế”, ông Trung nói và cho biết tất cả các khoản tiền mà vợ chồng ông D. và ông T. chuyển cọc, mua đất đều chuyển trực tiếp vào tài khoản của công ty mẹ Khải Tín Group, việc đưa khách đi hợp đồng công chứng cũng do công ty mẹ đảm trách và sự thất bại của thương vụ này cũng do lãnh đạo công ty mẹ chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Không chỉ thế ông Trung còn cho biết trước khi ông Tống Phước Hoàng Hưng và cấp dưới bị khởi tố, bắt giam, chính ông Trung đã có đơn gửi cơ quan công an tố giác lãnh đạo Khải Tín Group khi tập đoàn này còn thiếu nợ ông và công ty của ông Trung số tiền gần 1 tỷ đồng. Trong số đó hơn 630 triệu đồng là tiền thiếu nợ (chủ yếu là thù lao) của Công ty Cổ phần Khải Tín Quảng Bình và hơn 310 triệu đồng là tiền cá nhân ông Trung.
Đáng chú ý, đầu tháng 10/2020, trước thời điểm lãnh đạo Khải Tín Group bị khởi tố, PV Reatimes đã đến trụ sở chính của tập đoàn đóng ở lô A3 - A4 đường Hoàng Quốc Việt, P. An Đông, TP. Huế để tìm hiểu những thông tin liên quan đến việc kinh doanh bất động sản của tập đoàn này nhưng công ty này thông báo từ 7/10/2021 công ty chuyển về địa chỉ lô 38C, đường Kim Liên, P. Vỹ Dạ, TP. Huế. Tuy nhiên khi đến đây nơi đây là tòa nhà cao tầng đã, đang xây dựng từ nhiều tháng qua, không cho thấy hoạt động nào liên can với Khải Tín Group./.
Nạn nhân khắp các vùng miền Như Reatimes đã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Chủ tịch HĐQT Tống Phước Hoàng Hưng và Tổng Giám đốc Phan Minh Thi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín cùng với Nguyễn Hà Tấn (nhân viên, người thân ông Hưng) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin được biết cho đến nay đã có hàng trăm nạn nhân của Khải Tín ở nhiều tỉnh, thành phố gửi đơn tố giác với số tiền ước lên hàng trăm tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, chỉ trong 10 ngày (từ ngày 17 đến 27/10) đã có hơn 200 nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố đủ cả 3 miền Bắc - Trung - Nam như: Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… gửi đơn tố giác hành vi Khải Tín Group lừa đảo, chiếm đoạt của các nạn nhân số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, có người tố bị lừa đến 56 tỷ đồng. Trước khi bị khởi tố vụ án, bị can, Khải Tín Group đã 2 lần bị xử phạt hành chính do quảng cáo sai sự thật các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. |
Theo Đình Toàn/Reatimes