Tối 11/1, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, Chủ tịch Tập đoàn, ông Đỗ Anh Dũng, đã có tâm thư gửi các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm. Theo đó, ông Dũng bày tỏ chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Hành động này theo ông Dũng nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản. Bởi ông thừa nhận kết quả đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng một m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường. Đặc biệt là sau khi doanh nghiệp tiếp thu ý kiến, nhận định "đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường" của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc hôm 4/1.
"Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc đấu giá đất với kết quả nêu trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng", ông Dũng viết trong tâm thư.
Lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm được Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng thầu ngày 10/12/2021 với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào, đưa đơn giá mỗi m2 lô đất này lên ngưỡng 2,43 tỷ đồng một m2. Đây cũng là mức giá đất cao nhất TP HCM và lập đỉnh tại thị trường Việt Nam.
Việc đặt cọc 588,4 tỷ đồng, Tân Hoàng Minh ký hợp đồng mua bán 7 ngày sau phiên đấu giá. Doanh nghiệp sau đó đã có những điều chỉnh, cân đối tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ, quy định cũng như lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh.
Cuối tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu rà soát các bất thường trong những phiên đấu giá đất gần đây và giao Ngân hàng Nhà nước giám sát các nhà băng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất.
Nói về việc ông chủ Tân Hoàng Minh trúng đấu giá rồi bỏ cọc hai lần, lần trước là năm 2016 với cặp chóe vàng, Tân Hoàng Minh cũng tham gia đấu giá, trúng rồi bỏ cọc, liệu có bị hạn chế tham gia đấu giá từ nay về sau không, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm cho biết: “Theo luật thì những trường hợp này không bị cấm tham gia nhưng vụ đấu giá về sau, mà họ đã mất tiền đặt cọc.
Vì họ không tiến hành giao dịch, thanh toán, thì họ sẽ mất tiền đặt cọc. Đó là sự trả giá và luật pháp đã dự liệu điều đó rồi và cũng đãm bảo tính công bằng hợp lý. Những người tham gia đấu giá phải đặt cọc trước và trả giá bằng tiền mặt”.
Ngoài ra, luật sư Trương Anh Tú quy định về đấu giá và bỏ cọc đã đảm bảo tính công bằng chung, phù hợp thực tế, không cần điều chỉnh.
“Việc Tân Hoàng Minh bỏ đấu giá là tín hiệu vui cho xã hội. Bởi việc họ đấu giá thành công với giá 1,1 tỷ USD/ha này sẽ tạo ra mặt bằng giá mới cho TPHCM, thậm chí là trên cả nước và như vậy sẽ gây bất ổn thị trường bất động sản, gây khó khăn cho người dân, tạo lập nơi ăn chốn ở cho người dân.
Chính vì vậy, họ bỏ đấu giá ban đầu chúng ta có thể nghĩ Nhà nước không thu được khoản tiền như giá trị đấu giá. Nhưng xét về tổng thể xã hội, việc họ bỏ cọc là một tín hiệu rất tốt với thị trường, với người tiêu dùng, với người dân có nhu cầu tạo lập chỗ ở”, luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.
Tuy nhiên vị Chủ tịch Công ty TAT Law firm Trương Anh Tú cho rằng, việc giá đấu thành công các khu đất tại Thủ Thiêm với mức quá cao như trên sẽ được xem là một kênh tham chiếu mới để các chủ dự án xác lập tâm lý tăng giá bán ra trong thời gian tới. Từ đó càng khiến nhiều người dân khó có cơ hội mua được nhà ở.
Đồng thời, không loại trừ tâm lý của người dân cũng sẽ đề cập đến đơn giá bồi thường quỹ đất ở các dự án khác phải lên cao hơn, khiến cho việc tạo lập quỹ đất sạch cho nhà đầu tư để làm nhiều dự án gặp khó hơn.
Ngoài ra theo luật sư Trương Anh Tú, giá đất thị trường biến động theo chiều hướng ngày càng tăng cao và không giảm sẽ gây nhiều tác động về mọi mặt kinh tế xã hội và nhu cầu nhà ở của đại bộ phận dân cư sẽ không được đáp ứng.
"Khi các căn hộ "siêu cao cấp" tại các khu đất vàng mọc lên, sẽ đẩy giá cao ngất ngưởng chỉ phục vụ cho một bộ phận nhỏ trong xã hội là giới siêu giàu. Trong trường hợp này, nếu thực tế các dự án này triển khai thì rất khó đoán định được giá các căn hộ, dự án đó sẽ bán được cho ai hay khi xuất hiện trên thị trường nó sẽ tự được điều chỉnh bởi nhu cầu thật của thị trường", luật sư Trương Anh Tú nói.
Để khắc phục tình trạng tăng giá quá cao ở những khu đất vàng tại các tỉnh thành trong cả nước, đồng thời đảm bảo hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư, nhà nước và người dân, theo luật sư Trương Anh Tú, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cơ bản là doanh nghiệp được tiếp cận đất đai của nhà nước theo đúng giá thị trường thông qua hình thức bán đấu giá.
Ngoài ra, cũng theo vị luật sư này, để hạn chế một số bất ổn có thể xảy ra xung quanh kết quả đấu giá đất quá cao tại các khu đất vàng ở các tỉnh thành phố trong cả nước, nhà nước cần xây dựng khung pháp lý về giá đất và cần có sự công khai và minh bạch về hoạt động đấu giá đối với các khu đất vàng.
Theo đó, việc điều chỉnh giá đất của nhà nước phải được tiệm cận với giá thị trường theo đúng quy định của điểm c khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất: "Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất".
Theo Tiến Dũng/Infone