Tâm lý tiêu cực vẫn ám ảnh bất động sản thế giới

13/05/2020 12:45

Nghiên cứu tâm lý thị trường bất động sản toàn cầu tại 31 quốc gia cho thấy có hơn 50% các nước đánh giá triển vọng ngành khá tiêu cực.

Nghiên cứu tâm lý thị trường bất động sản toàn cầu tại 31 quốc gia cho thấy có hơn 50% các nước đánh giá triển vọng ngành khá tiêu cực.

Khảo sát của Savills mới đây cho thấy, các phản ứng của thị trường bất động sản dưới tác động của Covid-19 bắt đầu xuất hiện tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa thoát khỏi bức tranh màu xám.

Kết quả khảo sát ghi nhận khoảng 29% các quốc gia tham gia có tâm lý ở mức trung lập, 52% đánh giá khá tiêu cực và 16% nhìn nhận tiêu cực. Có 19% quốc gia ghi nhận các ảnh hưởng lớn do đại dịch đến thị trường bất động sản và 74% xác nhận bị ảnh hưởng tiêu cực ở mức trung bình.

Ở cấp độ khu vực, tâm lý thị trường bất động sản châu Á Thái Bình Dương tích cực hơn nhóm các nước châu Âu, Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ. Thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tâm lý khởi sắc khi một số hoạt động bất động sản đã quay trở lại. Hàn Quốc và Việt Nam - hai quốc gia với tỷ lệ nhiễm bệnh giảm nhanh, cũng đều có tâm lý thị trường ở mức trung lập. Tuy nhiên, đơn vị khảo sát cho biết, trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn đóng cửa biên giới, tác động lâu dài của Covid-19 vẫn khó lường và chưa thể xác định một cách toàn diện.

Tâm lý tiêu cực vẫn ám ảnh bất động sản thế giới - Ảnh 1.

Đồi Gianicolo, một góc thành phố Rome, Italy ngày 23/3/2020. Ảnh: Reuters

Nguồn cầu văn phòng giữ ổn định tại 42% quốc gia, trong khi 55% còn lại có nguồn cầu ở mức giảm trung bình. Nhu cầu thuê bất động sản hậu cần không thay đổi hoặc tăng nhẹ tại hơn 79% các quốc gia nhờ lực đỡ từ bán lẻ trực tuyến. Song nhu cầu bất động sản bán lẻ và khách sạn đi xuống rõ rệt, với mức giảm mạnh tại hơn 50% các quốc gia được khảo sát.

Giá thuê văn phòng được ghi nhận không thay đổi trên 60% các ngành và quốc gia. Song giá thuê điều chỉnh nhiều ở lĩnh vực khách sạn và bán lẻ. Tuy vậy, khách thuê mặt bằng bán lẻ được tiếp sức mùa dịch với 80% các quốc gia cho biết có tồn tại hình thức hỗ trợ giá thuê. Việc hoãn trả phí dịch vụ, thay đổi cơ cấu thanh toán cũng khá phổ biến và đang được áp dụng tại 40% quốc gia.

Với thị trường văn phòng, có đến 43% quốc gia ghi nhận việc sử dụng một số gói hỗ trợ cho khách thuê. Riêng lĩnh vực hậu cần ít ảnh hưởng nhất nên không có nhiều khoản hỗ trợ.

Các gói hỗ trợ hoặc can thiệp từ Chính phủ như giảm thuế tài sản hoặc tạm thời cấm hoạt động xuất ngoại, được ghi nhận tại 59% các quốc gia tham gia khảo sát đã có tác dụng hỗ trợ rất lớn đối với doanh nghiệp trong đại dịch. Gói hỗ trợ trong lĩnh vực bán lẻ được ghi nhận tại 75% các quốc gia. Đơn cử tỷ lệ kinh doanh tại Anh tạm ngưng ở mọi doanh nghiệp trong năm tài chính 2020-2021 và tại Singapore, các nhà hàng, cửa hàng, khách sạn, địa điểm du lịch sẽ không phải trả thuế bất động sản năm 2020.

Hầu hết các nước, chính sách phong tỏa mới được áp dụng hơn một tháng, song song với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và chủ tài sản cho thuê đã phần nào giảm thiểu được hiện tượng phá vỡ các hợp đồng thuê. Tuy nhiên, vẫn có nhiều  quốc gia ghi nhận một số khách thuê và các công ty nhỏ đã chấm dứt sớm hợp đồng như: Trung Quốc, Italy, Bồ Đào Nha và Thụy Sỹ.

 

 

Theo Trung Tín (vnexpress.net)

Bạn đang đọc bài viết "Tâm lý tiêu cực vẫn ám ảnh bất động sản thế giới" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.