Bloomberg cho rằng, trong ngành giải khát, thành công hay thất bại phụ thuộc phần không nhỏ vào những thay đổi về mặt nhân khẩu học của người tiêu dùng.
Theo số liệu của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam VIRAC, trong năm 2018, 4 công ty lớn nhất ngành bia có tổng doanh thu tại thị trường Việt Nam lên tới 75,1 nghìn tỷ VND. 9 công ty lớn nhất ngành đồ uống không cồn có tổng doanh thu là 52,3 nghìn tỷ VND.
Thời điểm đó, doanh nghiệp Việt vẫn còn chiếm thế thượng phong trong ngành bia, trong khi ở lĩnh vực đồ uống không cồn thì doanh nghiệp nước ngoài như Pepsi và Coca Cola lại có doanh thu lớn nhất.
Sabeco tại thời điểm thương vụ M&A với ThaiBev xảy ra đang nắm giữ 41% thị phần ngành bia Việt Nam. Tuy nhiên, sau thương vụ thoái vốn nhà nước với mức giá cổ phần cao chưa từng có, người Thái chính thức bước chân vào Sabeco. Đây cũng là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia Châu Á với giá trị 4,8 tỷ USD từ việc ThaiBev mua lại 53,59% cổ phần của Sabeco.
Trước đó, năm 2012, Coca Cola đặt vấn đề hợp tác đầu tư vào Tân Hiệp Phát với số vốn 2,5 tỉ USD. Đây là thương vụ M&A lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm đó. Tân Hiệp Phát đã có một quyết định gây chấn động là từ chối thương vụ này.
Ngành hàng giải khát Việt Nam có gì hấp dẫn khiến các công ty nước ngoài sẵn sàng đổ nhiều tiền vào như vậy? Bloomberg cho rằng, trong ngành giải khát, thành công hay thất bại phụ thuộc phần không nhỏ vào những thay đổi về mặt nhân khẩu học của người tiêu dùng.
Một lý do khiến các nhà sản xuất bia của các nước phát triển như Nhật Bản rất mong muốn có được các doanh nghiệp ở nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp giải khát Việt Nam trở thành mục tiêu M&A, theo Bloomberg chính là: nước giải khát được tiêu thụ phần lớn bởi tầng lớp lao động - những người công nhân khát nước, và lực lượng lao động của Nhật Bản đang suy giảm - trong khi mỗi năm, thị trường lao động Việt Nam tăng thêm 1 triệu người.
Công ty tư vấn chiến lược kinh doanh Babuki đánh giá: với tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường thức uống được dự báo là 6% đến năm 2020, ngành công nghiệp đồ uống tại Việt Nam là một trong những ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng cao nhất. Tiêu thụ nước giải khát ước tính đạt 81,6 tỷ lít vào năm 2016 với triển vọng đạt 109 tỷ lít vào năm 2020.
Mặc dù nhận được mức tăng trưởng kép hàng năm khiêm tốn (CAGR) là 3,5% cho đến năm 2020, ngành bia ở Việt Nam được coi là có cơ hội lớn để đầu tư vì mức tiêu thụ nằm trong top 10 của khu vực châu Á và có mức tiêu thụ bình quân đầu người thuận lợi ở mức 42 lít vào năm 2020.
Sự phát triển không ngừng của ngành du lịch và mạng lưới bán lẻ tại Việt Nam cũng đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển của ngành đồ uống khi họ tạo ra nhu cầu cao hơn cho các phân khúc đồ uống cao cấp cũng như tăng cường sự sẵn có của các dòng sản phẩm đồ uống thông qua các kênh thương mại hiện đại.
Báo cáo thị trường mới nhất của Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, nước giải khát là động lực tăng trưởng thứ hai tại thị trường nông thôn chỉ sau sữa, tuy nhiên, mảng sản xuất kinh doanh nước giải khát được nhận định vẫn cần nhiều nỗ lực hơn để nâng cao mức tiêu thụ ở thị trường thành thị, nơi có sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Dân số tương đối trẻ, với mức thu nhập được cải thiện đang ngày càng quen với việc mua sắm thực phẩm chế biến sẵn. Bên cạnh đó, sự phong phú và dồi dào các sản phẩm nông nghiệp – nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống… cũng đang là những lợi thế để các doanh nghiệp trong ngành đồ uống đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng với nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng. Đây hoàn toàn là những điều kiện thuận lợi khiến Việt Nam trở thành thị trường đồ uống tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư.
Hoàng An - Theo Trí thức trẻ