Làn sóng Covid-19 đang được dự báo có thể quay trở lại Việt Nam bất kỳ lúc nào khi tỷ lệ người nhiễm virus có dấu hiệu gia tăng. Những lo ngại về một kịch bản bất định rõ ràng được đặt ra đối với thị trường bất động sản.
Tác động của Covid-19 đến nền kinh tế
Nhìn vào diễn biến trên thế giới dưới tác động của Covid-19, TS. Nguyễn Trí Hiếu từng ví khủng hoảng 2020 như một cuộc “đại hồng thủy” làm đảo lộn mọi trật tự và phá hủy nền kinh tế. Theo thống kê, GDP của Mỹ giảm 9,5% trong quý II so với quý I, tương đương với mức giảm 32,9% trong cả năm. Đây là mức giảm hằng năm sâu nhất được ghi nhận theo quý kể từ năm 1947. Nền kinh tế của các nước lớn khác như Nhật Bản, Trung Quốc, EU cũng không nằm ngoài dự đoán về mức tăng trưởng âm trong năm 2020.
Trong khi đó, làn sóng Covid-19 thứ 2 đã bắt đầu quay trở lại, tiếp tục làm suy thoái nền kinh tế nhiều nước phát triển, bào mòn những cánh cửa liên kết khu vực và vùng.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, khi kinh tế thế giới khủng hoảng thì kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động đó. Dù thực tế, Việt Nam đang ghi nhận là điểm sáng trong phòng chống dịch. Các chính sách kích cầu ở giai đoạn kết thúc thời điểm chính sách cách ly sau tháng 4 đã đẩy nền kinh tế nỗ lực bứt lên.
Đến hiện tại, nền kinh tế Việt Nam vẫn trở thành điểm sáng khi giữ được tăng trưởng kinh tế, nhờ Chính phủ đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch trong thời gian đầu và có những định hướng phục hồi rõ ràng. Ngân hàng thế giới đã đưa ra dự đoán tăng mức tăng trưởng 2,8% trong 2020 của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Thứ nhất, làn sóng Covid-19 đang dự báo được quay trở lại với tác động khó lường khi biến chủng mới có khả năng tạo ra tốc độ lây lan nhanh chóng. Thứ hai, Việt Nam vẫn đóng cửa với thế giới và ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, du lịch đóng góp tới 10% tăng trưởng GDP. Thứ ba, những thiệt hại của các nước trên thế giới vì Covid-19 sẽ kéo theo tình trạng xuất khẩu sụt giảm, làn sóng nghỉ việc tại các khu công nghiệp... Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng sẽ đẩy kinh tế Việt Nam vào tình trạng khó khăn.
Thị trường bất động sản Việt Nam về đâu?
Đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi trong quý II/2020. Các tín hiệu khả quan được nhìn thấy từ mức giá trên thị trường bất động sản vẫn giữ nguyên hoặc có phần nhỉnh giá đối với một số phân khúc đất nền hoặc thổ cư. Nguyên nhân của thực trạng này đến từ kỳ vọng phục hồi lại của thị trường bất động sản sau dịch. Mặt khác, các phân khúc nhà ở hoặc đất thổ cư là dòng sản phẩm được đánh giá còn nguyên giá trị vì tác động đến nhu cầu ở thực, bất chấp sự biến động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhìn từ diễn biến thực tế trên thị trường, nhiều dấu hiệu bất ổn đang cảnh báo nguy cơ tác động mạnh của dịch Covid-19 dẫn tới kịch bản "đóng băng" như giai đoạn 2011 - 2013. Thứ nhất, hệ thống ngân hàng đang phát đi tín hiệu bất ổn khi lãi suất cho vay và gửi tiết kiệm giảm mạnh. Động thái này được SSI Research nhận định, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ chưa có khả năng đảo chiều trong thời gian sắp tới khi thanh khoản toàn hệ thống vẫn đang phát ra tín hiệu dư thừa cùng với nhu cầu cho cho vay chưa thật sự khởi sắc.
Thứ hai, một số ngân hàng đang rao bán nhiều lần tài sản cầm cố là bất động sản nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như ý. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tín hiệu này đang cảnh báo phía ngân hàng nhìn nhận một số bất ổn của thị trường và nền kinh tế. Nếu mức giá cứ giảm, cuộc chạy đua xuống đáy của nền thị trường bất động sản là kịch bản khó tránh khỏi.
Thứ ba, tình trạng báo động về nguy cơ vỡ bong bóng trái phiếu bất động sản đã được đặt ra. Báo động này đến từ dấu hiệu bất thường trên thị trường khi nhiều doanh nghiệp địa ốc đã tiến hành chiêu thức "đảo nợ" khi không thể thanh toán cho trái chủ. Đặc biệt, các dự án bất động sản chậm triển khai và thu về dòng tiền cũng là điều cảnh báo cho một thị trường có nguy cơ vỡ bong bóng.
Bức tranh của thị trường bất động sản giai đoạn cuối năm 2020 và bước sang năm 2021 đang dịch chuyển bất định và khó đoán. Nhìn chung, kịch bản không mấy tươi sáng đã được dựng lên là phần lớn nhưng le lói vẫn là niềm tin kỳ vọng vào sự kiểm soát Covid-19 sớm sẽ tạo đà cho sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng.