Xung quanh ta ai cũng chán với việc luôn mệt mỏi, uể oải. Chúng ta không muốn công việc và cuộc sống quá áp lực đè nén bản thân. Bạn sợ thất bại? Vậy hãy bước những bước thật nhỏ, chậm rãi và từ tốn để đưa cuộc sống và công việc vào quỹ đạo ổn định.
Ngày 6/4/2017, một cú ngã đau điếng khiến tôi tỉnh dậy choáng váng, máu chảy quanh người.
Đó là khoảng thời điểm cuộc đời tôi nhiều biến động: Tờ báo The Huffington Post mới vận hành được hai năm, ly dị chồng với hai cô con gái đang tuổi dậy thì. Sau khi trở về từ một chuyến tham quan trường đại học cho con gái lớn, tôi phải làm việc suốt đêm để bù cho khoảng thời gian ban ngày. Buổi sáng hôm sau thức dậy, tôi mệt rũ người và ngã quỵ. Gãy xương gò má, vài vết khâu quanh mắt, tôi phải nhập viện.
Ngồi trong phòng đợi bác sĩ, tôi có chút thời gian ít ỏi để nghĩ về cuộc đời. Tôi tự hỏi bản thân rất nhiều câu hỏi: Liệu đây có phải kiểu cuộc sống của người thành công tôi hằng muốn? Đó có phải những gì tôi từng khao khát?
Câu trả lời là không. Bác sĩ nói tôi đang vắt kiệt sức mình. Có lẽ vì thế, tôi quyết định thay đổi cuộc đời mình. Tôi muốn ngủ đủ giấc, tập thiền, thay đổi cách tôi làm việc để tập trung hơn, năng suất hơn nhưng ít mệt mỏi và áp lực hơn. Tuy nhiên, để tạo ra những thói quen mới không phải điều đơn giản. Bạn không thể viết ra danh sách cho năm mới rồi mở mắt ra thấy mình thành công. Những thay đổi lớn ngày mai phải bắt đầu từ những bước nhỏ ngày hôm nay.
10 điều dưới đây nghe chừng là những thói quen rất nhỏ, nhưng làm được chúng, bạn sẽ nhận ra cách sống, cách làm việc của mình cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Bởi, chỉ khi bạn có thể kiểm soát được những thay đổi nhỏ, ắt hẳn điều to lớn trong cuộc sống cũng sẽ nằm gọn trong tầm tay mà không cảm thấy mệt mỏi áp lực.
1. Hãy tắt tất cả thiết bị, để chúng xa khỏi giường của bạn
Chiếc điện thoại chứa đựng tất cả mọi điều khiến bạn bị phân tâm trước khi ngủ - danh sách công việc phải làm, hộp thư điện tử, các dự án và những vấn đề dang dở. Tạm rời xa thế giới công nghệ sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, hồi phục sức khỏe và kết nối bản thân với tâm trí cùng sự sáng tạo.
2. Đặt đồng hồ báo thức 30 phút trước khi ngủ
Khi bạn nghĩ về giấc ngủ như một cuộc hẹn, hãy chắc chắn rằng mình sẽ tới đúng hẹn. Đặt chuông đồng hồ 30 phút trước khi tới giờ đi ngủ để luôn nhắc nhở bản thân rằng, chỉ còn 30 phút nữa thôi để gói ghém lại công việc và tới “cuộc hẹn” quan trọng.
3. Hãy ngồi xuống bàn để ăn, dù vài phút cũng được
Vừa ăn vừa làm việc khiến bạn nghĩ rằng mình đang tiết kiệm thời gian và vô cùng năng suất. Tuy nhiên, việc ăn uống không tập trung và làm nhiều công việc một lúc sẽ khiến bạn tiêu thụ nhiều calo hơn và có nguy cơ bị đầy hơi hay khó tiêu. Hãy để bữa ăn thực sự là khoảng thời gian cho ăn uống.
4. Đừng ngồi một chỗ và họp, thử đi bộ với nhau nhiều hơn đi
Thay vì cùng nhau chết dí trong phòng họp, sao không dành thời gian đi bộ với đồng nghiệp và thảo luận điều gì đó. Bạn sẽ không phải dán mắt vào màn hình thiết bị và việc vận động có thể giúp chúng ta sáng tạo hơn, tìm ra các giải pháp hữu ích cho vấn đề gặp phải.
5. Tắt tất cả thông báo, trừ những ai thực sự quan trọng
Việc chiếc điện thoại rung hay báo tin nhắn liên tục thực sự sẽ làm cơ thể sản sinh ra nhiều hormone căng thẳng. Có lẽ ngoài thông báo từ gia đình và sếp, chúng ta có thể tắt đi tất cả các thông báo khác và chỉ kiểm tra vào một khoảng thời gian cụ thể.
6. Xóa bớt những ứng dụng không cần thiết trên điện thoại
Hãy dành ra vài phút để quyết định xem, ứng dụng nào bạn thực sự cần giữ lại và thường xuyên truy cập trên điện thoại. Chỉ giữ lại những “công cụ” đem lại giá trị và quẳng bớt đi những ứng dụng chỉ tiêu tốn thời gian của bạn.
7. Đôi khi khiến bản thân chán chường cũng không sao
Lần tới khi bạn phải xếp hàng, chờ đèn đỏ hay chờ ai đó tới muộn trong cuộc hẹn gặp, hãy chấp nhận điều đó, bình tĩnh chờ đợi thay vì cứ nhìn chằm chằm vào điện thoại hay chiếc IPad. Những khoảnh khắc không lường trước như vậy có thể đem đến cho bạn ý tưởng, sự sáng tạo hay chút thời gian để nhìn lại bản thân.
8. Dành ra một khoảng thời gian để quản lý thư điện tử
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình chúng ta sẽ mất khoảng 25 phút để tập trung trở lại sau khi bị gián đoạn. Vì vậy, hãy dành ra một khoảng thời gian cho việc quản lý email và bạn có thể tránh được việc bị mất tập trung liên tục.
9. Tạm dừng mọi việc khi hết ngày, dù công việc vẫn còn dang dở
Nếu là người biết đặt những ưu tiên công việc một cách hiệu quả, bạn cũng sẽ thoải mái nếu có điều gì đó chưa được hoàn thành. Một khi đã hoàn thành những công việc cần thiết trong ngày, những điều còn lại có thể tạm gác lại nếu chưa hoàn thành. Bằng cách dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn vào ngày hôm sau với công việc dang dở.
Bạn thấy sao khi đọc những chia sẻ nghe có phần hết sức đơn giản và… có phần “thừa thãi” này?
Trên thực tế, đó đều là những hành vi, thói quen nhỏ nhưng có giá trị và ý nghĩa phổ quát lớn. Để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bạn phải biết rõ điều gì thực sự là ưu tiên với bản thân, biết đâu là điểm dừng trong công việc, dành thời gian cho việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, chấp nhận những cảm xúc tiêu cực có thể đến nhưng không để chúng định hình chính mình. Muốn đi xa và thành công, phải bắt đầu từ những điều thật nhỏ, đưa bản thân trở về những giá trị cốt lõi của sự cân bằng.
http://cafef.vn/qua-tai-vi-cong-viec-va-luc-nao-cung-dan-mat-vao-dien-thoai-da-den-luc-ban-thay-doi-tu-nhung-gi-nho-nhat-de-can-bang-lai-cuoc-song-20191128141312377.chn