Phòng khám Đa khoa Bạch Đằng (Bình Dương) đã từ chối khám BHYT cho người bệnh từ địa phương khác đến nếu không có sổ hộ khẩu, giấy tờ tạm trú, tạm vắng ở địa bàn phòng khám.
Để làm rõ vấn đề này, vào ngày 23/12/2020, phóng viên Tạp chí Sức khỏe cộng đồng đã có buổi làm việc với đại diện phòng khám đa khoa Bạch Đằng (Địa chỉ: số 24 đường Phạm Ngũ Lão, phường Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Theo như phản ánh của bạn đọc, bệnh nhân là người ngoại tỉnh tự đến khám bảo hiểm y tế (BHYT) tại Phòng khám Đa khoa Bạch Đằng. Tuy nhiên, khi người bệnh đến đây thì bộ phận hành chính lại từ chối không cho đăng ký khám bệnh bằng Bảo hiểm y tế và cho rằng nếu bệnh nhân muốn được khám BHYT tại Phòng khám Đa khoa Bạch Đắng – Tiêm Chủng phải có giấy tạm trú tạm vắng tại địa phương?
Tại buổi làm việc với chúng tôi, khi đề cập về vấn đề có hay không về việc khám BHYT trái tuyến bị làm khó? Đại diện cho Phòng khám đa khoa và tiêm chủng Bạch Đằng khẳng định: “Vì đây là phòng khám thuộc tuyến huyện nên chỉ khám bảo hiểm của tuyến huyện, không khám trái tuyến là đúng và đối với việc khám bảo hiểm ở tuyến huyện thì phải có hộ khẩu hoặc giấy tạm trú tạm vắng mới được khám bảo hiểm y tế”.
Nhưng theo quy định tại Khoản 1, Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế và Khoản 7 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ – CP vào ngày 17/10/2018 thì khi đi đi khám bệnh, người bệnh xuất trình giấy tờ gồm có: Thẻ Bảo hiểm y tế (Trường hợp chờ đổi/cấp lại thẻ bảo hiểm y tế phải xuất trình giấy hẹn đổi/cấp lại thẻ); - Trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan tổ chức có thẩm quyền cấp như: Chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ Đảng viên; thẻ Nhà báo ... hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý Học sinh sinh viên hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác. - Giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú (trường hợp đi khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện thì không phải xuất trình giấy tờ này).
Về trường hợp trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng trả lời rằng: Theo quy định của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, từ ngày 1/1/2016, người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại Bệnh viện tuyến huyện được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo mức hưởng (Điểm c, Khoản 3, Điều 22).
Đồng thời, người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh và được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo mức hưởng (Khoản 4 Điều 22).
Các đối tượng là người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được áp dụng quy định nêu trên từ ngày 1/10/2015.
Chiếu theo quy định nêu trên thì khi người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện tuyến huyện của bất kỳ địa phương nào trên cả nước đều được coi là đúng tuyến dù nơi đăng ký ban đầu của người đó ở đâu.
Như vậy, theo quy định hiện hành, rõ ràng Phòng khám Đa khoa Bạch Đằng yêu cầu người khám chữa bệnh phải có hộ khẩu hoặc giấy tạm trú tạm vắng tại địa phương là trái với quy định, cố tình gây khó khăn cho người bệnh khi tự đi khám BHYT.
Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin.