Thông qua chiêu thức góp vốn đầu tư vào bất động sản, bà Hứa Thị Phấn chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của Trustbank.
Bà Hứa Thị Phấn bị cáo buộc chiếm đoạt của Trustbank tổng cộng hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó có hành vi góp vốn đầu tư vào bất động sản.
TAND TP.HCM đang tiến hành xét xử sơ thẩm bị cáo Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947), nguyên cố vấn cao cấp Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cùng xét xử có 5 bị cáo là con cháu, người thân quen của bà Phấn.
Theo hồ sơ vụ án, bà Hứa Thị Phấn đã có hành vi chiếm đoạt của Trustbank hàng trăm tỷ đồng từ chiêu thức đầu tư góp vốn vào các dự án bất động sản do Công ty Địa ốc Lam Giang làm chủ đầu tư.
CTCP Địa ốc Lam Giang là công ty sân sau của bà Phấn, có thể được đặt tên theo tên của con gái bà này hoặc là trùng hợp ngẫu nhiên. Công ty có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, gồm các cổ đông là ông Hồ Văn Tân (50%), ông Lý Quốc Cường (26,67%), bà Huỳnh Thị Xuân Dung (15%) và Nguyễn Kim Thanh (8,33%). Người đại diện theo pháp luật là ông Hồ Văn Tân, Chủ tịch HĐQT.
Ngày 08/3/2010, ông Tân ký quyết định bổ nhiệm ông Lâm Kim Dũng (cháu rể bà Phấn) làm Giám đốc điều hành. Ngày 14/5/2010, CTCP Địa ốc Lam Giang đổi tên thành Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang, vốn điều lệ 120 tỷ đồng, gồm các thành viên góp vốn thay đổi là ông Lâm Kim Dũng (50%), bà Huỳnh Thị Xuân Dung (41,67%) và ông Nguyễn Kim Thanh (8,33%); người đại diện pháp luật là ông lâm Kim Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc.
Theo Cơ quan điều tra, lợi dụng nắm hơn 84% cổ phần tại Trustbank, bà Hứa Thị Phấn đã “vẽ” ra chiêu thức ngân hàng góp vốn đầu tư vào các dự án bất động sản để bỏ túi cá nhân hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, “bà trùm” Trustbank chiếm đoạt 135 tỷ đồng thông qua hình thức góp vốn đầu tư vào dự án Khu nhà ở Phước Lộc - Nhà Bè do Công ty Lam Giang làm chủ đầu tư.
Cụ thể, ngày 17/10/2009, Ban chấp hành Công đoàn Ngân hàng Đại Tín họp do ông Bùi Văn Lắm, Chủ tịch Công đoàn chủ trì thống nhất: Ban chấp hành Công đoàn đã làm việc với Công ty Lam Giang để bán cho công đoàn viên một số nền nhà với giá ưu đãi bằng 70% mức giá bán cho khách hàng.
3 ngày sau, Công đoàn Đại Tín ký hợp đồng góp vốn đầu tư số 01 với Công ty Lam Giang. Ngày 29/10/2009, Ban chấp hành Công đoàn Đại Tín họp thống nhất, sau đó ông Bùi Văn Lắm ký văn bản số 44 gửi HĐQT và Ban Tổng giám đốc đề nghị chấp thuận hỗ trợ cho công đoàn tạm ứng trước phần vốn góp đợt 1 cho Công ty Lam Giang. Cùng ngày, ông Trần Sơn Nam ký tờ trình số 455 gửi HĐQT và ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT ký chấp thuận tạm ứng 135 tỷ đồng.
Ngày 30/10/2009, ông Trịnh Hoài Phong ký giấy đề nghị tạm ứng 135 tỷ đồng, ông Bùi Văn Lắm, Chủ tịch Công đoàn ký xác nhận; bà Phạm Thị Thanh Thủy - Phó Phòng kế toán ký và bà Lâm Hồng Trinh - Phó TGĐ ký phê duyệt. Cùng ngày, Ngân hàng Đại Tín chuyển khoản 135 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Lam Giang.
Ngay sau khi tiền vào tài khoản, Huỳnh Thị Xuân Dung ký séc rút 135 tỷ đồng tiền mặt, Đặng Thị Hải Lý - kế toán Công ty Lam Giang là ngưới ký tên tại mục người lĩnh tiền. Số tiền được rút ra và chuyển cho Hứa Thị Phấn sử dụng.
Tương tự, bà Hứa Thị Phấn cũng có hành vi chiếm đoạt hơn 195 tỷ đồng thông qua hình thức góp vốn đầu tư vào dự án The Star City và Go Go City do Địa ốc Lam Giang làm chủ đầu tư.
Cụ thể, ngày 31/3/2010, ông Trần Sơn Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín có tờ trình số 61-1 trình HĐQT, ông Hoàng Văn Toàn - Chủ tịch ngân hàng phê duyệt. Nội dung ngân hàng góp 11% vốn đầu tư 2 dự án trên. Ngày 2/4/2010, HĐQT Địa ốc Lam Giang có biên bản họp thống nhất cho Ngân hàng Đại Tín được tham gia góp vốn thực hiện 2 dự án trên với tỷ lệ góp vốn là 11% trên tổng vốn đầu tư.
Sau đó 3 ngày, HĐQT Ngân hàng Đại Tín có biên bản họp số 05-2 thống nhất góp vốn đầu tư vào 2 dự án trên với mức góp không vượt quá 11% tổng mức đầu tư mỗi dự án. Cùng ngày, ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch ký Nghị quyết số 18 đồng ý tham gia góp vốn đầu tư dự án The Star City và Go Go City.
Ngày 6/4/2010, ông Lâm Kim Dũng, Giám đốc Công ty Địa ốc Lam Giang ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01 với ông Trần Sơn Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín và ông Goh Choon Lye (người Malaysia), thống nhất liên doanh đầu tư dự án Go Go City.
Ngày 8/4/2010, ông Lâm Kim Dũng ký tiếp Hợp đồng đầu tư số 02 với ông Trần Sơn Nam và ông Byung Lib Ahn (đại diện Công ty Entech World) thống nhất liên doanh đầu tư dự án The Star City.
Ngày 23/4 và 7/5/2010, ông Lâm Kim Dũng ký giấy đề nghị chuyển vốn số 09, 10, 11 và 12 gửi ông Trần Sơn Nam đề nghị thanh toán theo các hợp đồng hợp tác, tiền góp vốn chuyển vào tài khoản của Công ty Lam Giang mở tại Ngân hàng Đại Tín CN Sài Gòn.
Ngày 26/4 và 11/5/2010, Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng phát triển sản phẩm của Đại Tín ký 2 tờ trình trình Tổng giám đốc về việc góp vốn đợt 1. Trong các ngày 5 và 11/5, Ngân hàng Đại Tín đã chuyển hơn 195 tỷ đồng vào tài khoản của Địa ốc Lam Giang để góp vốn đợt 1 theo 2 hợp đồng hợp tác đầu tư. Ngày 8/5/2010, Lâm Kim Dũng ký giấy chứng nhận góp vốn đợt 1 cho 2 dự án trên.
Từ ngày 5/5 đến 21/6/2010, Huỳnh Thị Xuân Dung ký 11 giấy lĩnh tiền mặt và ký vào mục người nhận tiền trên 11 chứng từ của Công ty Lam Giang. Tổng số tiền Dung ký giẫy lĩnh tiền mặt và nhận tiền mặt trên chứng từ là hơn 195 tỷ đồng. Số tiền được chuyển cho Hứa Thị Phấn sử dụng.
Trong giai đoạn xét xử này, bị cáo Hứa Thị Phấn tiếp tục không tới tòa với lý do sức khỏe chỉ còn 7%. Trước đó, liên quan tới các hành vi trên, Cơ quan Điều tra cho biết bà Phấn từ chối trách nhiệm trả số tiền hơn 330 tỷ cho ngân hàng.
Trong khi đó, các thuộc cấp của bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và cho biết chỉ làm theo chỉ đạo của bà Phấn. Trong đó, ông Lâm Kim Dũng khai nhận là cháu rể bà Phấn và được bà này nhờ đứng tên làm giám đốc, đại diện pháp luật của Địa ốc Lam Giang. Ông Dũng cho biết chỉ là người ký tên trên các chứng từ do Bùi Thị Kim Loan đưa. Số tiền ngân hàng góp vốn vào các dự án bất động sản, Công ty Lam Giang không sử dụng đầu tư vào dự án bất động sản mà để bà Hứa Thị Phấn sử dụng cá nhân.
HUYỀN TRÂM - Theo bizlive.vn