Không thể phủ nhận tầm quan trọng của thuốc đối với sức khỏe con người. Mỗi loại thuốc mang những công dụng đặc trị, chữa cách bệnh khác nhau và hẳn nhiên, ai cũng cần sử dụng đến. Tuy nhiên, có không ít người hiểu sai cách, lạm dụng thuốc mà gây nên những hậu quả ngoài mong muốn.
Dưới đây, báo SKCĐ xin thông tin những lưu ý cơ bản nhất khi sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc Tây để độc giả tham khảo.
Lưu ý chung khi dùng thuốc Tây
1. Cung cấp đầy đủ thông tin về triệu chứng bệnh trước khi mua thuốc
Điều này hết sức cần thiết để tránh tình tương tác của thuốc. Khi dùng một thuốc mới hay chuyển sang một loại thuốc nào đó, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin để bác sĩ kê toa đơn thuốc, như:
Hiện tại, bạn đang mắc bệnh gì, tiền sử những bệnh bạn đã mắc trước đó. Kể chi tiết những trạng thái đặc biệt của cơ thể. Ví dụ như đang có thai, cho con bú,…
Trước khi muốn mua và sử dụng thuốc, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh lý
Những thuốc và các biện pháp chữa trị bạn mới mua hay đang áp dụng, gồm tất cả các thuốc bạn tự mua và mua theo đơn, các vitamin, các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng.
2. Không nên ngần ngại đặt câu hỏi
Nếu chưa rõ, bạn nên hỏi lại những câu hỏi liên quan đến thuốc mà bạn sẽ dùng, diễn biến bệnh tật khi dùng thuốc, cách theo dõi, chế độ ăn, uống, sinh hoạt,...
Nếu sợ quên, bạn có thể ghi sẵn các câu hỏi và ghi chép lại khi được trả lời. Bạn cũng có thể cần người đi cùng nếu bạn sợ không hiểu hết, không nhớ được các thông tin.
3. Không đột ngột ngừng sử dụng thuốc
Thuốc là một loại hóa chất có công dụng nhất định và có cả các tác dụng phụ, thường đã được biết đến và đánh giá trước khi đưa ra thị trường. Ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
4. Không nên tự ý mua thuốc điều trị
Nếu bạn tự ý kê đơn điều trị dựa theo một đơn thuôc đã có từ trước có thể gây nguy hiểm. Phương pháp này chỉ được chấp nhận khi dùng cho các bệnh lành tính điều trị với thuốc không cần đơn thuốc bác sĩ.
5. Thông báo ngay khi thấy dấu hiệu bất thường
Khi có nghi ngờ những tác dụng có hại hoặc có gì bất thường hay cần biết thêm thông tin gì liên quan đến việc dùng thuốc, hãy thông báo và hỏi các dược sĩ, trung tâm chống độc hay tới các cơ sở y tế.
6. Không nằm uống thuốc
Nếu bạn nằm uống thuốc sẽ dễ bị dính vào vách thực quản, không những gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị mà còn có thể gây kích ứng thực quản, dẫn đến các triệu chứng như ho, viêm cục bộ. Nghiêm trọng hơn, thói quen này có thể làm tổn thương vách thực quản, gây mầm mống cho bệnh ung thư thực quản. Do đó, bạn nên uống thuốc ở tư thế ngồi hay đứng.
7. Không nên uống thuốc thẳng từ chai
Trường hợp này thường gặp ở những loại thuốc nước hoặc hỗn hợp. Uống như vậy dễ làm thuốc bị nhiễm bẩn, tăng nhanh tốc độ biến chất. Mặt khác không thể kiểm soát một cách chính xác lượng thuốc đưa vào cơ thể, vừa không đạt được hiệu quả điều trị, vừa làm tăng tác dụng phụ nếu uống quá liều.
8. Không nên vận động khi vừa uống thuốc xong
Thông thường phải sau 30 – 60 phút uống thuốc thì dạ dày mới hấp thụ hết và thuốc mới phát huy tác dụng. Việc vận động ngay sau khi dùng thuốc sẽ dẫn đến hiện tượng các cơ quan nội tạng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, làm giảm hiệu quả hấp thu thuốc.
Những điều cần lưu ý trước khi uống thuốc
Trước khi uống thuốc, bạn cần nắm rõ các thông tin dưới đây:
1.Tên thuốc
Điều căn bản và nhất thiết khi dùng thuốc là phải biết tên thuốc. Có nhiều trường hợp cùng một bệnh nhưng lại có nhiều thuốc điều trị, hay có nhiều nhà sản xuất khác nhau. Do đó, khi sử dụng thuốc bạn cũng nên lưu ý những điều này, bởi việc lựa chọn thuốc là bước đầu tiên giúp bệnh thuyên giảm.
2. Hoạt chất
Các thành phần của thuốc có tác dụng điều trị. Nhiều người thường bỏ qua điều này vì thấy phần chữ khó hiểu, bởi đa phần tên dược chất. Hơn nữa, người ta cũng hay ỷ lại vào đơn thuốc của bác sỹ chủ quan cho rằng bác sỹ đã cân nhắc trước khi cho thuốc. Tuy nhiên, bạn nhất thiết phải để ý đến chúng vì nếu Dị ứng với một trong những thành phần nào đó của thuốc thì không nên dùng.
3. Quan tâm đến thông tin chỉ định và chống chỉ định
Đây là yếu tố quyết định để bạn hay bác sĩ của bạn chỉ định dùng thuốc thay thế. Một loại thuốc có thể có nhiều công dụng. Cũng không hẳn, thuốc có nhiều công dụng một lúc sẽ là tốt. Ví dụ như kháng sinh phổ rộng có thể đồng thời diệt nhiều loại vi khuẩn một lúc.Tuy nhiên, đó cũng chính là nguyên nhân gây kháng thuốc. Do đó, nếu chỉ bệnh nhẹ nhàng không nên dùng các loại thuốc nặng ngay từ đầu. Bạn cần đặc biệt quan tâm tới chống chỉ định, đặc biệt là khi bạn mắc các bệnh về dạ dày, gan, thận… Nếu bạn rơi vào mục chống chỉ định thi tuyệt đối không nên dùng.
4. Liều lượng
Trước khi sử dụng hãy quan tâm đến liều lượng của thuốc ngày uống mấy lần, mỗi lần thì uống mấy viên, thời điểm uống, uống trước hay sau ăn. Có những khi thông tin trên thuốc không ghi rõ những điều này, bạn nên hỏi ý kiến của dược sĩ hay bác sĩ kê đơn trước khi sử dụng. Ví dụ như thuốc cephalecine tốt nhất là nên uống trước ăn một tiếng hoặc sau ăn hai tiếng vì khi đó thuốc được hấp thu tốt nhất. Hay vitamin C không uống buổi tối vì nó có thể gây mất ngủ.
Có một số loại thuốc liều lượng có thể thay đổi mối ngày. Có loại uống theo tuần, theo tháng, theo năm như kháng sinh chỉ uống liều từ 5 đến 7 ngày. Khi hết thuốc không tự ý đi mua thêm mà phải hỏi ý kiến của thầy thuốc, hoặc không bỏ thuốc khi chưa đủ liều vì sử dụng kháng sinh không đúng liều sẽ gây kháng thuốc.
5. Chú ý đến đồ uống kết hợp với thuốc
Khi uống thuốc, tốt nhất bạn nên uống với nước sôi để nguội. Nước nguyên chất giúp thuốc được hấp thụ nhanh hơn và tốt hơn. Bên cạnh đó, nước còn giúp bài xuất nhanh một số thuôc có độc tính cao qua mồ hôi, nước tiểu.
Ngoài ra cũng không nên uống nhiều nước khi uống thuốc. Những loại nước ép hoa quả, nước có gas, sữa, cà phê, rượu, chè không nên dùng chung với thuốc. Bởi vì thuốc có thể tương tác với các loại nước này tạo ra độc tính hoặc làm giảm tác dụng của thuốc. Cụ thể như thuốc an thần khi uống cùng rượu có thể làm thay đổi tâm tính. Rượu còn làm tăng tác dụng gây viêm loét, chảy máu của thuốc chống viêm không steroid…
6. Không tự tiện phối hợp các thuốc với nhau
Khi bạn bị ốm uống thuốc mãi không khỏi, bạn có muốn sử dụng thêm nhiều loại thuốc hỗ trợ. Tuy nhien, hãy cẩn thận vì có thể là lợi bất cập hại. Một số loại thuốc tương tác với nhau còn gây ra những chất độc hại cho cơ rtheer, nhất là kháng sinh.
Lưu ý khi dùng thuốc đối với từng đối tượng
1. Đối với trẻ nhỏ
Chức năng lọc của thận chưa hoàn chỉnh
Thiếu một số men chuyển hoá
Mức độ nhậy cảm của các cơ quan đích khác nhau
Hệ thống giải độc chưa hoàn chỉnh làm quá trình thải trừ diễn ra chậm
Khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ
Phụ huynh cần thực hiện những biện pháp chăm sóc đặc biệt khi cho trẻ sơ sinh dùng thuốc
Để ý liều lượng khi tính liều dùng
Với trẻ nhỏ, liều dùng tính theo mg/kg cân có thể cao hơn ở người lớn, do trẻ có tốc độ chuyển hoá cao hơn
Với thuốc dạng tiêm, tránh tiêm bắp gây đau cho trẻ, ưu tiên đường tiêm tĩnh mạch
Khi cần bù nước điện giải, nếu dùng Oresol thì phải pha đủ theo đúng hướng dẫn
Không dùng dầu xoa, cao xoa phòng suy hô hấp.
Không dùng naphazoline để nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh, trẻ em
2. Thuốc với bà mẹ cho con bú
Lưu ý:
Một số thuốc có thể gây nhiễm độc cho trẻ: ergotamin, iod...
Một số thuốc giảm tiết sữa , ví dụ: estrogen...
Một số thuốc ức chế phản xạ bú của trẻ: phenobarbital
Một số thuốc trong sữa mẹ có thể gây nhậy cảm cao ở trẻ
Nguyên tắc khi sử dụng :
Tránh dùng những thuốc có nồng độ đáng kể trong sữa mẹ và gây nhiễm độc cho trẻ
Các mẹ chỉ nên dung những loại thuốc quan trọng cần thiết cho mẹ.
Nên dùng liều nhỏ nhất mà có tác dụng.
Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ bất cứ khi nào có thể.
Những thuốc cần tránh khi dùng: Rượu, thuốc chống ung thư, thuốc nhóm ergtamin, thuốc tránh thai đường uống, phenobarbital, nhóm quinolon.
3. Thuốc với phụ nữ có thai
Chú ý:
Thuốc có thể gây hại cho bào thai tại bất kỳ một thời điểm nào trong thai kỳ
Trong 3 tháng đầu thhuốc có thể gây dị tật bẩm sinh. Nguy cơ dị tật bẩm sinh lớn nhất từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 11 của thai kỳ.
Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chức năng của bào thai hoặc gây nhiễm độc mô thai
Một số dùng ngay trước hoặc trong khi sinh có thể gây tác dụng có hại cho việc sinh hoặc cho trẻ sau khi sinh.
Nguyên tắc dùng thuốc:
Bà bầu chỉ được kê đơn thuốc trong thai kỳ nếu lợi ích của người mẹ lớn hơn nguy cơ cho thai nhi
Tránh dùng tất cả các loại thuốc nếu có thể trong 3 tháng đầu mang thai
Nên dùng các loại thuốc được phép sử dụng rộng rãi trong thai kỳ và có hiệu quả an toàn ,không dùng những loại thuốc mới và chưa qua dùng thử nghiệm.
Nên dùng với liều thấp nhất có tác dụng
Thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh quinolon, co-trimoxazo, tetracyclin, cloramphenycol, thuốc chống ung thư, thuốc chẹn bêta, chống viêm không steroid, nicotin, nhóm statin...
4. Thuốc với người cao tuổi
Lưu ý:
Người cao tuổi phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị các bệnh lý của mình. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ tương tác thuốc và phản ứng có hại của thuốc.
Người cao tuổi thường gặp khó khăn khi nuốt thuốc viên. Trong trường hợp thuốc còn giữ lại ở khoang miệng có thể gây loét miệng, vì vậy cần lưu ý đến lượng nước uống thuốc.
Phải thận trọng khi dùng các loại thuốc giảm đau có Opi, thuốc an thần dẫn chất benzodiazepin và thuốc điều trị Parkingson
Có sự giảm chức năng lọc ở thận, nồng độ thuốc ở tổ chức thường tăng 50 %.
Nguy cơ chảy máu do dùng các thuốc chống viêm không có steroid thường hay gặp hơn ở người cao tuổi hơn và thuờng là nguyên nhân gây ra những hậu quả nghiêm trọng hoặc tử vong.
Nguyên tắc sử dụng:
Thông thường liều dùng của người cao tuổi phải thấp hơn so với người trẻ tuổi, nên bắt đầu bằng 50% liều dành cho người trưởng thành.
Theo dõi thường xuyên đề phòng phải dừng hoặc giảm liều.
Hạn chế dùng trên 3 loại thuốc, đưa vào cơ thể quá 2 lần trong 1 ngày.