Dòng vốn ngân hàng đổ vào bất động sản ít nhất trong 3 năm nữa sẽ cực kì eo hẹp. Theo đó, những "cái bắt tay lớn" ít nhiều sẽ khiến thị trường không còn lo ngại về vốn.
Ngày 15/11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1/1/2020. Như định hướng đưa ra từ đầu năm nay, nhà điều hành thực hiện việc siết lại giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, theo lộ trình rải ra cho đến năm 2022.
Thông tư trên quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn: 1/1/2020 - 30/9/2020 là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34%; từ 1/10/2022 là 30%. Cũng theo thông tư trên, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Như vậy, một trong những điểm quy định của chính sách tiền tệ được chờ đợi trong năm nay đã chính thức chốt lại. Ngân hàng Nhà nước đặt một lộ trình khá dài (ba năm) để từng bước siết lại tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn, nhằm tăng cường an toàn hệ thống và cụ thể về an toàn thanh khoản.
Tỷ lệ này nhiều năm trước đây cũng chỉ quy định 30%, nhưng từ năm 2014 đã bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước nới rộng lên 60% để rồi từng bước siết lại như cũ những năm gần đây và kế hoạch tiếp tục trong ba năm tới.
Như các chuyên gia đã dự báo, với Thông tư 22, dòng vốn ngân hàng vào bất động sản dù ít hay nhiều chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh này, những cái bắt tay lớn được kì vọng giải quyết bài toán vốn cho thị trường, ít nhất là trong năm 2020 doanh nghiệp phát triển dự án không lo lắng thiếu vốn khiến dự án chậm triển khai.
Cụ thể, từ cuối tháng 11 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành chuyển nhượng dự án hoặc kí kết hợp tác. Ví như, đầu tháng 12 vừa qua, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định về việc cho phép Công ty TNHH Thiên Hương chuyển nhượng toàn bộ dự án Công trình hỗn hợp tại lô đất G4-HH16 thuộc Khu đô thị sinh thái tại các phường Phúc Lợi, Việt Hưng, Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội cho Công ty cổ phần Vinhomes.
Theo phê duyệt, ô đất chuyển nhượng rộng 43.542 m2 (tương đương khoảng 4,3 ha). Tổng mức đầu tư dự án là 1.935 tỷ đồng. Dự án đặt ra mục tiêu hoàn thành và bàn giao công trình đưa vào sử dụng vào quý IV/2021. Việc chuyển nhượng này giúp dự án được triển khai trong năm 2020 và có thể được bàn giao đưa vào sử dụng đúng thời hạn.
Cách đây không lâu, CTCP Tập đoàn Novaland tiếp tục bắt tay với CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong việc xây dựng dự án NovaBeach Cam Ranh Resort & Villas (Cam Ranh, Khánh Hòa).
Trong khi đó, các hợp tác giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại cũng thúc đẩy các dự án triển khai trong năm 2020. Cụ thể, Công ty Phú Long và MJ Group thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quản lý chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp cao cấp. Đây là một phần trong kế hoạch phát triển một thế giới nghỉ dưỡng quy mô lớn với tổng diện tích hơn 200ha trải dài hơn 1,5km bãi biển đẹp nhất Phú Quốc, bao gồm biệt thự biển, khách sạn cao cấp, resort hạng sang, phố mua sắm.
Tại Hà Nội, Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation sẽ chính thức tổ chức lễ động thổ và công bố dự án Thành phố Thông minh. Dự án Thành phố Thông minh sẽ được xây dựng tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD.
Cũng trong tháng 12, ghi nhận nhiều thương vụ đầu tư lớn của các doanh nghiệp trên sàn, trong đó có thể kể đến CTCP Bất động sản và Xây dựng Trường Thành (TEG) dự kiến đầu tư thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Cát Hiệp trên diện tích 50ha. Cơ cấu vốn dự kiến được xác định với 20% vốn của chủ đầu tư và 80% vốn vay và huy động hợp pháp. Thời gian hoạt động dự án dự kiến là 50 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và thời gian triển khai dự kiến là năm 2020 - 2021.
Hợp tác 3 bên phát triển các siêu dự án mới cũng phải nhắc đến liên danh 3 nhà đầu tư VTG, HD Mon và Sunny World “bắt tay” làm siêu dự án quy mô 5.000ha tại Vân Đồn. Ước tính, tổng mức đầu tư 3 dự án từ 10 - 15 tỷ USD…
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bộ phận tư vấn Savills cho hay, doanh nghiệp có nhiều giải pháp như kêu gọi hợp tác đầu tư để giải quyết bài toán vốn. Vấn đề của các doanh nghiệp bất động sản là vốn chủ sở hữu, vốn không phải trả lãi chiếm tỷ trọng thấp. Thị trường bất động sản thời gian qua cũng rất khéo huy động nguồn vốn từ người mua nhà, không phải chi trả lãi vay lại chiếm được nhiều vốn nhưng việc huy động này càng ngày càng khó khăn hơn, không dễ như trước. Vì kinh nghiệm của những người mua nhà càng ngày càng tăng lên, họ có nhiều lựa chọn. Nhiều dự án chậm tiến độ nên họ cũng sợ.
Một trong những kênh để doanh nghiệp có tốt hơn về nguồn vốn là hợp tác đầu tư, huy động vốn nước ngoài hay nước trong cũng được các nhà đầu tư thực hiện. Các doanh nghiệp có quỹ đất vẫn phải đi kết hợp như kêu gọi đầu tư hay chuyển nhượng dự án, huy động nguồn tài chính linh hoạt và đầy đủ hơn cũng như cân đối năng lực cho phù hợp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, khi từng bước đưa thị trường bất động sản Việt Nam phát triển vượt bậc. Do vậy, không có lý do gì để họ chần chừ việc chủ động đi tìm đối tác, nhất là khi việc chủ động tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư ở nước ngoài nhằm tìm kiếm những đối tác phù hợp sẽ mang lại lợi ích lớn. Đó là cách để chúng ta tự quảng bá, tự giới thiệu cảnh quan, tiềm năng của Việt Nam, đồng thời có thể lựa chọn được đối tác hợp tác phù hợp, mang lại lợi ích lâu dài, bền vững khi có sự hợp tác trong tương lai
Sự hợp tác đầu tư là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam mong muốn đầu tư vào phân khúc này hay phân khúc khác đặc biệt là phân khúc cao cấp nhưng thiếu vốn hoặc thiếu tầm nhìn dài hạn. Việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm và uy tín sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt học hỏi được cách thức làm việc, phương án đầu tư lâu dài. Đồng thời, khi hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài đã có tên tuổi cũng góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam và đưa lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, doanh nghiệp Việt cũng được mở rộng đối tượng khách hàng của mình”.
http://reatimes.vn/nhung-cai-bat-tay-khien-thi-truong-2020-khong-con-lo-ve-von-20191229182700983.html