Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn (tên thương mại là Ivory Villas Resort Hòa Bình) tiền thân là dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn do Công ty CP Archi Reenco Hòa Bình làm chủ đầu tư có nhiều bất thường từ khâu giao đất, tính tiền sử dụng đất đến triển khai dự án, trong đó có dấu hiệu huy động vốn trái phép…
Chủ trương ban đầu là Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tuy nhiên, sau thời gian dài “ngủ đông”, dự án Ivory Villas Resort Hòa Bình được đánh thức và “đẻ” thêm hàng nghìn mét đất ở không qua đấu giá.
Chuyển gần 200.000m2 đất rừng thành đất ở
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn, tên thương mại là Ivory Villas Resort Hòa Bình (Ivory) do Công ty CP Archi Reenco Hòa Bình làm chủ đầu tư có diện tích 66ha, thuộc xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, được tỉnh này cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 6/2010.
Đầu tháng 11/2011, tỉnh Hòa Bình tiếp tục ban hành quyết định thu hồi đất và cho Công ty CP Archi Reenco Hòa Bình thuê đất để xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn.
Theo đó, thu hồi 660.000m2 đất các loại, chủ yếu là đất rừng tại xóm Kẽm, xã Lâm Sơn do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý để cho Công ty CP Archi Reenco Hòa Bình (Công ty Archi) thuê, thời gian đến ngày 7/6/2059 (48 năm tính từ năm 2011 - PV).
Sau 3 tháng thu hồi và giao đất (4/2011), Phó chủ tịch tỉnh Hòa Bình Quách Thế Hùng ký cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Archi, trong đó ghi rõ mục đích sử dụng: Đất cơ sở sản xuất, kinh doanh; Nguồn gốc sử dụng: Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Sau 5 năm giao đất, đến cuối năm 2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh (nay là Chủ tịch tỉnh) ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lần 1, giai đoạn 1, cho phép chuyển 90.350m2 đất thương mại, dịch vụ thành các loại đất khác nhau.
Trong đó, 12.600m2 được chuyển thành đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài; 22.000m2 đất sử dụng 50 năm; 22.600m2 đất giao thông sử dụng lâu dài; 33.000m2 đất công cộng.
Do số liệu cộng sai, tháng 8/2017, ông Khánh tiếp tục ký quyết định điều chỉnh diện tích đất ở được chuyển mục đích lên thành 34.600m2.
Cũng trong năm 2017, ông Khánh tiếp tục ký quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lần 2 tại dự án này với diện tích 156.757m2, trong đó có 76.600m2 chuyển thành đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài.
Tính chung, sau 2 lần chuyển mục đích sử dụng đất, tỉnh Hòa Bình đã giao cho doanh nghiệp 111.200m2 đất ở nông thôn.
Căn cứ theo quyết định chủ trương đầu tư mới (năm 2019), diện tích sẽ chuyển đổi trên toàn bộ dự án là 195.173m2 đất ở. Hiện tại, đã chuyển 111.200m2, còn lại 95.000m2 nữa đang chờ hợp thức hóa.
Để làm rõ nội dung trên, PV Báo Giao thông đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và được liên hệ làm việc với Sở TN&MT. Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Phạm Thị Mơ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình xác nhận, dự án Ivory Villas Resort Hòa Bình đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất sang đất ở 2 đợt không qua đấu giá.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Công ty Archi từ năm 2011 với mục đích sản xuất, kinh doanh chưa chỉnh lý, đang còn giá trị.
Bà Mơ cũng cho biết, dự án đã được đổi tên từ Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn thành Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn. Khi đổi tên thì đất dự án được xác định là loại đất đô thị. Trên cơ sở chủ trương và quy hoạch, tỉnh làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai.
Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi: “Việc chuyển đổi trên dựa trên cơ sở quy định nào thì bà Mơ không nhớ và nói: “Phải tra lại”.
Bà Mơ cũng không cung cấp tài liệu cho PV với lý do chỉ trao đổi thông tin.
Liên tục điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch
Theo tìm hiểu của PV, ngay từ những ngày đầu quyết định phê duyệt dự án, Ivory Villas Resort Hòa Bình được xác định là khu du lịch sinh thái đáp ứng yêu cầu xanh - sạch - đẹp, cân bằng hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Diện tích cây xanh trong các khu chức năng được hòa với các khu vực cây xanh tập trung, khu rừng bảo tồn, tạo thành hệ thống cây xanh liên tục trong các khu, có xu hướng gắn kết với khu công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí dưới nước, khai thác tốt cảnh quan khu du lịch sinh thái.
Các nhóm nhà, cụm biệt thự... được bố trí dựa trên đặc điểm địa hình tự nhiên sẵn có, tạo nên kiến trúc phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc kiến trúc miền núi.
Đáng chú ý, dự án được quy hoạch hệ thống giao thông phù hợp địa hình, tránh tối đa phá vỡ môi trường cảnh quan sinh thái trong toàn khu, giảm thiểu tối đa đào sâu, đắp cao.
Trong quá trình san nền, tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, giảm tối đa việc san lấp, tận dụng tối đa thảm thực vật.
Trên những tiêu chí được đặt ra, dự án được quy hoạch 8 hạng mục chính: Đất xây dựng khu trung tâm 25.000m2, đất xây dựng khách sạn nhà hàng 120.600m2, đất cây xanh công cộng 89.600m2, đất khu vui chơi giải trí 45.500m2, đất mặt nước 26.000m2, đất khu resort 117.000m2, đất biệt thự nhà vườn 161.000m2, đất hạ tầng giao thông 75.400m2.
Quy hoạch này không có đất ở, trong khi cân đối dân số dự kiến 200 - 300 người lưu trú/ngày đêm, lượng khách vãng lai khoảng 400 - 500 khách/ngày đêm.
Thế nhưng, 7 năm sau (2016), dự án này đã được điều chỉnh dân số lên 1.244 người (gấp 4 lần quy hoạch trước đó) và 331 lô nhà ở.
Sang năm 2020, tỉnh Hòa Bình lại tiếp tục điều chỉnh quy hoạch dự án, 54 ngôi nhà, tổng diện tích 1.000m2 được điều chỉnh nâng chiều cao từ 2 tầng lên 3 tầng, mật độ xây dựng nâng từ 20% lên tối đa 40%.
Có mặt tại dự án vào những ngày cuối tháng 5/2021, PV Báo Giao thông ghi nhận, những thảm rừng đã được cạo sạch, thay vào đó là đại công trường đang thi công, đỏ rực màu đất đồi, máy công trình thi nhau đào bới, tạo dự án thành nhiều lớp bậc thang để xây dựng những căn nhà hiện đại. Có những chỗ đào sâu đến tận lớp xỉ than…
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Điều 22, Luật Nhà ở 2014, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải được lập, thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Việc lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện thông qua các hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc chỉ định chủ đầu tư. “Việc giao đất ở dự án Ivory Villas Resort Hòa Bình không qua đấu giá có gây thất thoát ngân sách hay không thì cơ quan thanh tra cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý cụ thể hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm”, luật sư Tùng nói. |