Trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19, nhu cầu thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn tăng đột biến, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng đang chuyển mình mạnh mẽ nhằm đón đầu xu hướng mới.
Báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp mới nhất vừa được CBRE Việt Nam công bố cho thấy sự tồn đọng hàng hóa xuất nhập khẩu do hoạt động vận tải bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19 và sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng thương mại điện tử khiến phân khúc nhà xưởng, nhà kho xây sẵn ghi nhận kết quả hoạt động tốt. Nhu cầu thuê nhà xưởng xây sẵn tăng đột biến trong khi yêu cầu thuê của các loại hình bất động sản công nghiệp khác chững lại hoặc sụt giảm do cách ly xã hội.
Tuy nhiên, giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn giữ ổn định. Nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tiếp tục tăng trưởng ổn định ở cả 2 khu vực công nghiệp chính ở miền Nam và miền Bắc.
Một góc Khu công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam, nhận định dự kiến đến hết năm 2020, tổng nguồn cung nhà xưởng và kho xây sẵn tại các khu vực miền Bắc sẽ đạt gần 2 triệu m2 sàn cho thuê, tăng 25,3% so với năm trước. Tại miền Nam, tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn sẽ đạt gần 2,7 triệu m2, tăng 28,2% so với năm trước.
Sau khi đại dịch được kiểm soát, giá chào thuê trung bình của nhà kho xây sẵn dự kiến sẽ tăng từ 4%-11% so với cùng kỳ.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc bộ phận cho thuê văn phòng và công nghiệp, CBRE Việt Nam, nhận định thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhờ vào những chuyển biến mới về xu hướng với cả nguồn cung và nguồn cầu. Nhu cầu mở rộng không gian lưu trữ và mạng lưới phân phối của các công ty thương mại điện tử đang và sẽ chiếm lĩnh nhu cầu thuê kho.
Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam nói chung cũng đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ nhằm đón làn sóng đầu tư mới từ xu hướng dịch chuyển nguồn vốn trên thế giới. Hiện nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu cấp bách trong việc tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kế hoạch di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc và chuyển đến các quốc gia có mức chi phí thấp và môi trường ổn định hơn. Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ xu hướng này với lợi thế đến từ việc kiềm chế tốt đại dịch, chính sách hỗ trợ nền kinh tế và thị trường…
Tại báo cáo cập nhật ngành KCN mới đây, bộ phận nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết FDI - nhà đầu tư chính vào KCN đã có những tín hiệu khởi sắc, tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm 4 tháng đầu năm đạt 9,8 tỉ USD, tăng 32% so với năm trước.
Trong quý I/2020, theo dữ liệu Collier International, so sánh tỉ lệ lấp đầy và giá thuê các KCN ở các nước Đông Nam Á, cho thấy Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình thấp hơn 45%-50% so với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Còn theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) năm 2019, chi phí lao động của Việt Nam cũng thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia…