“Nhặt sạn” từ những câu chuyện trong SGK lớp 1 của Cánh Diều?

14/10/2020 20:02

Bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 - bộ sách Cánh diều (do GS Nguyễn Minh Thuyết làm chủ biên) là 1 trong 5 bộ sách được lựa chọn đưa vào trường học, đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau của dư luận. Trong đó, có không ít ý kiến của phụ huynh - giáo viên lo lắng về nội dung của những câu chuyện dân gian, ngụ ngôn được đưa vào SGK tiếng Việt lớp 1 không thể hiện tính giáo dục và từ ngữ khó hiểu.

Bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 - bộ sách Cánh diều (do GS Nguyễn Minh Thuyết làm chủ biên) là 1 trong 5 bộ sách được lựa chọn đưa vào trường học, đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau của dư luận. Trong đó, có không ít ý kiến của phụ huynh - giáo viên lo lắng về nội dung của những câu chuyện dân gian, ngụ ngôn được đưa vào SGK tiếng Việt lớp 1 không thể hiện tính giáo dục và từ ngữ khó hiểu.

Dạy trẻ tính lười biếng, gian dối?

Một phụ huynh có con học lớp 1 đã chụp hình SGK tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh diều) bài tập đọc Hai con ngựa ở trang 157 có nội dung như sau:

Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc:

- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?

Ngựa ô ngạc nhiên: Không làm thì ông chủ mắng

- Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn.

Ngựa ô lẩm bẩm: “Có lí lắm

Bài tập đọc Hai con ngựa ở trang 157)

Mẩu chuyện này được ghi nguồn là “phỏng theo” Lep Tôn – Xtôi qua lời kể của Hoàng Minh. Câu hỏi đặt ra, là lối kể chuyện khó hiểu này dùng để giảng dạy cho học sinh mới vào lớp 1?

Đặc biệt là chỗ “Có lí lắm” ở đây nghĩa là gì? Chẳng nhẽ là đang cổ xúy cho thói lười biếng, thiếu tinh thần trách nhiệm, trốn việc, không làm mà vẫn có ăn?

Tương tự, theo anh H. M. Thành (33 tuổi, Hà Nội) có con học lớp 1 và sử dụng sách Tiếng Việt Cánh Diều, chia sẻ rằng anh thực sự giật mình khi xem sách của con. Không chỉ có bài “Hai con ngựa” mà nhiều mẩu chuyện khác trong SGK đều “có vấn đề” khi sử dụng câu từ ngô nghê, thiếu cảm xúc, không rõ ý nghĩa...

Chẳng hạn như bài 63- Ôn tập với phần Tập đọc là truyện dân gian Việt Nam có tên Cua, cò và đàn cá với nội dung như sau:

Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết.

Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”.

Từ nội dung câu chuyện trên, nhiều bạn đọc hoang mang: “Nếu để ôn tập, rèn kỹ năng đọc, vốn từ thì kho tàng truyện dân gian có hàng ngàn câu chuyện có ý nghĩa giáo dục. Cớ sao lại lấy một câu chuyện có tính chất lừa lọc, mưu mẹo, gian xảo để cho học trò đọc và học. Tên câu chuyện là Cua, cò và đàn cá nhưng không thấy xuất hiện “nhân vật cua, thật sự không biết giải thích với con trẻ thể nào”? – Một phụ huynh boăn khoăn.

Bài ôn tập Cua, cò và đàn cá trong SGK Tiếng Việt lớp 1)

Cũng liên quan tới (SGK) Tiếng Việt lớp 1 - bộ sách Cánh diều, TS Nguyễn Thị Giêng (cựu giảng viên khoa ngữ văn, bộ môn ngôn ngữ học) khẳng định rằng từ “chả” đang được xem là khẩu ngữ, thường được sử dụng trong văn nói.

Từ “chả” đồng nghĩa với “không”, chẳng” nhưng từ “không” mới là từ toàn quốc. Nếu dùng “chả” thay thế cho “chẳng”, “không” trong mọi trường hợp thì cách học, viết tiếng Việt đang dạy theo kiểu người nước ngoài học tiếng Việt. Đặc biệt, TS Giêng cho rằng nên tôn trọng ngôn ngữ chuẩn, từ ngữ toàn quốc, chỉ sử dụng từ vùng, miền khi thật cần thiết.

GS Nguyễn Minh Thuyết nói gì?

Chia sẻ về các nội dung được tranh luận trong những ngày qua, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên môn Tiếng Việt của bộ Cánh diều, cho biết nhóm biên soạn đã làm việc rất kỹ lưỡng và có quan điểm của mình.

“Tất cả câu chuyện được đưa vào sách đều được phỏng lại truyện của nhà văn Nga Lep Tôn – Xtôi, nhà văn Pháp La Fontaine... Cốt truyện được giữ nguyên. Nhưng truyện dài nên phải chia làm hai phần, có đánh số 1, 2, phần 2 được học ngay sau phần 1.

Khi viết sách, ban biên soạn chỉ sửa một vài chữ, từ hoặc cho ngắn gọn lại để học sinh dễ hiểu. Nhưng chỉnh sửa đó tập trung về phần học vần cho phù hợp tiến độ, không thay đổi nội dung.

Một số phụ huynh cũng như người dùng mạng xã hội phản ánh câu chuyện như “Hai con ngựa”“Cua, cò và đàn cá” thiếu tính giáo dục, thậm chí là “dạy trẻ thói khôn lỏi”, lừa lọc…

SGK Tiếng Việt lớp 1 - bộ sách Cánh diều (do GS Nguyễn Minh Thuyết làm chủ biên) đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau của dư luận.)

Tôi nghĩ họ đã đọc không đầy đủ các câu chuyện rồi chỉ trích tác giả bịa. Tôi thấy phê bình như vậy rất vội vàng. Chúng tôi khẳng định rằng các bài đọc đều đã được nhóm biên soạn cân nhắc, viết đi viết lại...

Cũng tại một diễn biến khác, GS Nguyễn Minh Thuyết còn cho biết thêm, sau khi thẩm định, hiện có 5 bộ Sách giáo khoa được sử dụng và tất cả các bộ sách này đều dùng tiền vốn của các nhà xuất bản, đơn vị, không dùng tiền ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, bộ sách giáo khoa Cánh diều mà ông cùng nhóm tác giả thực hiện là cho Nhà xuất bản ĐH Sư phạm, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TPHCM và Công ty CP đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam phối hợp.

Bên cạnh đó, ông Thuyết cũng khẳng định, không bỡn cợt dư luận, không bảo thủ và sẵn sàng lắng nghe các ý kiến về Sách Giáo Khoa Tiếng Việt lớp 1 - bộ sách Cánh diều để điều chỉnh khi cần thiết.

Bộ GD&ĐT đề nghị báo cáo việc dư luận phản ánh về SGK lớp 1

Tối 11/10, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung SGK môn tiếng Việt lớp 1.

Công văn nêu: Trước phản ánh của báo chí về việc SGK môn tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý phù hợp vấn đề này.

Cụ thể, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở một số địa phương.

Kết quả kiểm tra cho thấy, sách giáo khoa lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu; học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập.

Tuy nhiên, những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh.

Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GDĐT trước ngày 17/10.

Huyền Chi - Theo TH&PL

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "“Nhặt sạn” từ những câu chuyện trong SGK lớp 1 của Cánh Diều?" tại chuyên mục Đời sống. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.